Kinh tế xã hội

Đào tạo nghề cho lao động miền núi: Cần gắn với giải quyết việc làm

09:01, 06/09/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, được triển khai 5 năm nay. Tuy nhiên, tại khu vực miền Tây tỉnh Nghệ An, chất lượng đào tạo nghề còn bất cập và tình trạng người dân thiếu việc làm sau học nghề còn khá cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến đời sống nhân dân ở đây đói nghèo dai dẳng.

Theo số liệu từ Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tương Dương, trong 4 năm (từ 2010 - 2013), số lao động nông thôn được đào tạo nghề nông và nghề phi nông nghiệp được cấp chứng chỉ nghề khá cao, trên 1.420 lao động. Như vậy, trung bình mỗi năm, trên 350 lao động của địa phương này được đào tạo nghề.

Nhưng số người áp dụng nghề mình học còn quá ít. Người dân chưa có việc làm nên không còn cách gì hơn là đi học nghề, chủ yếu theo những nghề mà các trung tâm mở. Nó như “món hàng”, ai có nhu cầu thì đăng ký học. Do vậy, con số học nghề tăng lên hàng năm. Có người học xong nghề này không tìm được việc làm, đã phải học tiếp nghề khác, cầm trong tay cả hai chứng chỉ ngành nghề đào tạo mà họ vẫn chưa tìm nổi việc làm.

3214
Bà con dân tộc Khơ Mú ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn học nghề đan lát

Hầu hết các hộ nghèo thiếu việc làm mới đi học nghề, nhưng vốn vay từ các tổ chức tín dụng thì hạn chế. Số tiền mà họ được vay từ ngân hàng chính sách thông qua hội phụ nữ đứng ra tín chấp chỉ được khoảng  20 triệu đồng. Nếu đem số tiền đó mua bò, chỉ mua được một con bò nhỏ. Vậy làm thế nào để đầu tư xây dựng mô hình chuồng trại? Đó là một bất cập đối với người lao động nghèo khu vực nông thôn miền núi, khi họ có mong muốn lập nghiệp nhưng điều kiện tiên quyết là đồng vốn đảm bảo thì không thể có.

Tại huyện miền núi cao Kỳ Sơn, việc đào tạo nghề cho lao động hàng năm cũng được tiến hành theo chỉ tiêu và quy định của cấp trên. Theo thống kê của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn, trong 3 năm qua, Trung tâm dạy nghề huyện và các đơn vị dạy nghề khác đã mở hàng chục lớp nghề như: Dệt thổ cẩm, mây tre đan, sửa chữa xe máy, may công nghiệp... cho trên 600 học viên. Nhưng theo ngành chức năng thì hơn 50% con số đó chưa có việc làm.

Xét toàn diện về chất lượng đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn miền núi thì chưa thật sự nâng cao tay nghề cho người dân, đặc biệt là nhóm nghề phi nông nghiệp như gò hàn, sửa chữa xe máy, điện dân dụng, may mặc... Thời gian đào tạo theo quy định là 3 tháng, nhưng người lao động học lý thuyết nhiều mà thực hành thì ít. Ở cả hai Trung tâm dạy nghề huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, xưởng thực hành còn thiếu thốn đủ thứ.

Cộng thêm vào đó là sự dồn ứ lực lượng lao động đã qua đào tạo tại mỗi địa phương chưa có việc làm, khiến cho một bộ phận người dân không thiết tha với việc học nghề. Các trung tâm, trường nghề chỉ biết đào tạo, còn vấn đề giới thiệu việc làm gần như chỉ là hình thức chiếu lệ. Trước đây, tên gọi của các trung tâm này là: Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, nhưng nay đã cắt hai chữ  “hướng nghiệp”. Nếu không làm tốt vai trò hướng nghiệp cho học viên, người lao động mà các trung tâm dạy nghề theo thông lệ “đến hẹn lại lên”, mặc định sẵn một số nhóm nghề để dạy thì chuyện người dân học xong thiếu việc làm là điều dễ hiểu.

Ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: “Theo đề án của tỉnh, mỗi năm tại khu vực miền Tây Nghệ An và các xã vùng biển sẽ đào tạo khoảng 41 nghìn lao động có tay nghề, đồng thời bằng hình thức giới thiệu việc làm, sẽ đảm bảo giải quyết việc làm cho 70 - 80% số người trong độ tuổi lao động được đào tạo. Từ đó, sẽ giải quyết công ăn việc làm cho họ”.

Đào tạo nghề cho người dân khu vực nông thôn đang là một đòi hỏi bức thiết. Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đặt ra đến năm 2020. Đó là một mục tiêu đúng đắn, khi lực lượng lao động ở những khu vực này lớn mà trình độ lại thấp. Nhưng để gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn miền Tây tỉnh Nghệ An, các trung tâm đào tạo và ngành chức năng của các địa phương và tỉnh cần phải tìm kiếm thông tin, thị trường lao động, các công ty, xí nghiệp để giới thiệu lao động sau khi đào tạo họ.

Và tất nhiên, về phía người lao động, ngoài học tập để nâng cao kỹ năng tay nghề thì chính họ cần phải có ý chí, sự năng động trong tìm kiếm việc làm. Có như vậy, bài toán đào tạo nghề cho lao động nông thôn miền núi gắn với giải quyết việc làm mới có thể tìm được hướng đi, tháo gỡ khó khăn và đạt những kết quả khả quan hơn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xóa nghèo ở khu vực miền Tây tỉnh Nghệ An.

Hồ Dương Cầm

Các tin khác