Kinh tế xã hội

Phía sau những vụ sập, đổ, gãy...

14:13, 05/09/2014 (GMT+7)
Tối 2/9, Giải cầu lông quốc tế Việt Nam mở rộng đang diễn ra 3 trận đấu, thì bất ngờ một mảng lớn thạch cao của trần Nhà thi đấu Phan Đình Phùng - TP Hồ Chí Minh đổ sập xuống sân số 3, nơi có các vận động viên nước ngoài đang thi đấu.
 
Khi thấy tiếng động "răng rắc" cùng bột màu trắng rơi từ trần nhà xuống, trọng tài đã phản ứng nhanh, yêu cầu trận đấu tạm dừng để các vận động viên (VĐV) rời sàn đấu và VĐV mau lẹ chạy ra khỏi sân trước khi một phần của trần nhà đổ sập… Dù sao cũng là may mắn vì đã không xảy ra một tai họa đáng tiếc, song cũng làm cho các VĐV một phen khoảng hồn.
 
Ngay sau đó, ngày 3/9, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Xây dựng và đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân sự cố trên. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, sự cố sập một phần trần nhà thi đấu Phan Đình Phùng - nơi đang diễn ra giải cầu lông quốc tế Việt Nam, tuy không gây thiệt hại về người, nhưng đây là sự cố nghiêm trọng. Nếu không sơ tán kịp thời có thể đã đe dọa đến tính mạng con người.
 
Sự cố sập trần nhà thi đấu Phan Đình Phùng
Sự cố sập trần nhà thi đấu Phan Đình Phùng
 
Sự việc thì… đã rồi! Trần thạch cao cũng chỉ là một trong những hạng mục thứ yếu của một công trình tổng thể, hỏng có thể sửa chữa, xong ít nhiều cũng mất mát về uy tín, thể diện… Sau vụ việc, nhiều ý kiến cho rằng, sự cố sập trần treo của nhà thi đấu Phan Đình Phùng rõ ràng liên quan đến chất lượng của công trình. Ở đây là sự ổn định của kết cấu mái, các chi tiết liên kết trần treo và các thiết bị, chất lượng của trần nhà...có vấn đề.
 
Và, những trần nhà sập, những cây cầu sập, những con đường vừa làm đã xẻ rãnh méo mó,…đang tập hợp lại để tố cáo sự làm ăn gian dối, rút ruột công trình của những nhà thầu thi công kiêm "con sâu đục khoét" vô lương tâm, vô trách nhiệm. Hậu quả của các hành vi trục lợi, đục khoét ấy có khi là sự đánh đổi cả nhiều mạng người, thiệt hại vô cùng lớn.
 
Hẳn chúng ta chưa quên một vụ tai nạn giao thông "khó tin" từng xảy ra ở Hà Tĩnh cách đây ít năm. Chiếc xe taxi có thể đâm một cột điện gẫy làm 3 khúc trong khi người lái xe bị thương nhẹ và xe cũng bị xây xước nhẹ… Xong điều được dư luận quan tâm nhất đó là nhờ vụ tai nạn này mới "lòi" ra cây cột điện không hề có cốt thép.
 
Hay nghiêm trọng hơn, đó là một vụ sập cầu kinh hoàng diễn ra ở Lai Châu vào tháng 2/2014 đã khiến một đám tang định mệnh càng trở nên tang tóc với nhiều người tử nạn, mà theo kết luận của cơ quan chức năng là do thi công không đúng thiết kế. Dư luận đặt ra câu hỏi vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu khi để một cây cầu như cái bẫy chết người vẫn lọt qua cả một "quy trình thẩm định" để nó đi vào hoạt động và gây họa chết người?
 
Đến ngày 6/6/2014 lại một sự việc khó tin nữa xảy ra khi một xe tải tông vỡ nắp cống thoát nước xảy ra ở khu vực tổ 25B, ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) làm lộ ra cốt của tấm đan bê tông bằng tre chứ không phải bằng thép như nhiều người vẫn tưởng. Có lẽ công trình "bê tông cốt tre" chỉ có ở ta, nghe hài hước mà thật sâu cay! Thật không còn lời nào diễn tả nổi với những con mọt chuyên gặm nhấm công trình bằng cách rút ruột, ăn bớt, nó như một thứ bệnh nan y trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng của ta bấy lâu nay.
 
Phía sau những sự vụ như: sập, đổ, gãy còn nhiều chuyện đáng bàn. Song, để hạn chế đến mức thấp nhất những hệ quả xấu như trên, không còn cách nào khác đó là các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng cơ bản. Và, khi đã có hậu quả xảy ra cần "truy" tận gốc trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm và tiến hành xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
 

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác