Kinh tế xã hội

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Sốt ruột với nợ xấu

07:50, 30/09/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Việc xử lý nợ xấu; tái cơ cấu ngân hàng và cung ứng vốn cho nền kinh tế..., là những vấn đề nóng được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
 
Chiều 29/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn của các vị  ĐBQH trong khuôn khổ Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham gia làm rõ thêm các vấn đề trong phiên trả lời chất vấn của Thống đốc có lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư.
 
Bắt bệnh chưa chuẩn, kê thuốc chưa đúng với nợ xấu?
 
Là người “mở màn” chất vấn, ĐB Huỳnh Nghĩa (Trưởng đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng) đặt vấn đề: Hệ thống ngân hàng đã có dấu hiệu khả quan, nhưng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vẫn thấp, nợ xấu vẫn còn đáng lo ngại, đặc biệt sự gia tăng liên tục của nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). ĐB đề nghị cho biết, đề án tái cơ cấu đã đi 2/3 chặng đường, vậy những việc lớn ngân hàng chưa làm được là gì và kế hoạch trong thời gian tới?
 
Vẫn theo ĐB Huỳnh Nghĩa, theo thông lệ, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% là an toàn, nhưng nhìn vào con số của tháng 8/2014, có thể thấy nợ xấu đang tăng lên so với cuối năm 2013. ĐB đề nghị: Thống đốc cho biết nguyên nhân chính, giải pháp mạnh nào để xử lý thời gian tới?
 
Cũng về vấn đề này, ĐB Đỗ Văn Đương chất vấn: Còn 47% nợ xấu chưa giải quyết được. Điều này sẽ đặt ra vấn đề gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị của hệ thống ngân hàng?.
 
ĐB Phùng Văn Hùng (Thường trực Ủy ban Kinh tế) cũng nhấn mạnh: Vấn đề xã hội rất quan tâm là nợ xấu - "cục máu đông" của nền kinh tế. ĐB cho rằng, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, giải quyết nợ xấu là vấn đề cấp bách, nhưng nếu theo Đề án tái cơ cấu các ngân hàng thương mại được ban hành tháng 3/2012, thì có lẽ ta khó đạt mục tiêu đề ra là đến cuối năm 2015, cơ bản giải quyết được nợ xấu.
 
 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn chiều 29/9
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn chiều 29/9
 
“Có phải ta bắt bệnh chưa chuẩn hoặc kê thuốc chưa đúng hoặc cả hai, để đến bây giờ tình trạng nợ xấu vấn như "cục máu đông" treo lơ lửng trên đầu, có khả năng trầm trọng trở lại? Theo Thống đốc, chúng ta có giải quyết được không, đến bao giờ thì giải quyết được?” - ĐB hỏi.
 
Trả lời về nội dung này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Việc xử lý nợ xấu trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng thông qua các phương thức: Tự các tổ chức tín dụng (TCTD) bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của mình để xử lý nợ xấu; các bên vay ngân hàng có điều kiện kinh tế được cải thiện hơn thì trả nợ cho ngân hàng để xử lý nợ xấu; Chính phủ đứng ra để xử lý nợ xấu (trong trường hợp của nước ta là thông qua Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam VAMC); cuối cùng là giải pháp mang tính chất tổng thể là tạo ra cơ chế, chính sách.
 
Cũng theo Thống đốc, trước đây các TCTD thường che giấu nợ xấu, từ đó ít trích lập dự phòng rủi ro, để có thêm nguồn tiền chia lợi nhuận, chia cổ tức. Tuy nhiên, 3 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát chặt chẽ việc này. Từ đó, các TCTD đã trích lập dự phòng rủi ro rất cao, trung bình mỗi năm trích 70 nghìn tỷ đồng để xử lý nợ xấu. Đặc biệt, các TCTD phần lớn đã không chia cổ tức và dành nguồn vốn này để dự phòng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính.
 
Về việc nợ xấu có chiều hướng gia tăng trong các tháng đầu năm 2014, Thống đốc lý giải: Thường các TCTD sẽ tập trung xử lý nợ xấu vào cuối năm khi hạch toán thu chi, do vậy, nợ xấu thường giảm mạnh vào 31/12 hàng năm, còn trong năm, do các khoản nợ từ trước đến hạn chưa được trả tích tụ nên tăng. Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước áp dụng Quyết định số 02 và Thông tư số 09 là hai văn bản quy phạm pháp luật nâng tầng hoạt động phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD một cách chặt chẽ hơn, phù hợp hơn nên nợ xấu theo các quy định mới này đã gia tăng.
 
“Đó là hai lí do chủ yếu. Đến tháng 7/2014, VAMC mới mua được 14 nghìn tỷ đồng, nhưng đến ngày 24/9/2014, đã mua tới 47 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch cuối năm nay, VAMC sẽ mua 70 nghìn tỷ cộng với số đã trích lập dự phòng rủi ro là 78 nghìn tỷ động đã trích lập rủi ro của các TCTD thì hi vọng rằng đến cuối năm nay, con số nợ xấu sẽ xử lý một cách khá căn cơ” - Thống đốc bày tỏ.
 
Doanh nghiệp than phiền vẫn khó tiếp cận vốn
 
ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Đắc Nông) phản ánh: Hệ thống ngân hàng thời gian qua đã làm được rất nhiều việc, nhưng theo ý kiến cử tri, có nhiều hộ, doanh nghiệp vẫn than phiền khó tiếp cận vốn ngân hàng. “Vấn đề này có nguyên nhân từ đâu, giải pháp để khắc phục hiện tượng trên?” - ĐB chất vấn.
 
Về vấn đề này, Thống đốc cho hay: Tại cuộc họp sáng nay, Chính phủ cũng kiểm điểm sâu sắc nội dung này, trong đó, Chủ tịch VCCI đã báo cáo đánh giá tình hình doanh nghiệp. Qua đó, thấy số lượng các doanh nghiệp giải thể vẫn tăng, số doanh nghiệp thành lập mới không bằng trước nhưng tỷ trọng về vốn đăng ký mới tăng nhiều. Số doanh nghiệp lỗ trong những năm trước đây đã bắt đầu có lãi tăng cao. Theo Thống đốc, điều này thể hiện đúng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế có đào thải nhưng những bộ phận đã tồn tại và phát triển được đang có dấu hiệu phục hồi khả quan.
 
Đề cập đến giải pháp giải quyết vấn đề tiếp cận vốn, Thống đốc nhấn mạnh: Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước nói riêng và các bộ, ngành đã ban hành rất nhiều cơ chế hỗ trợ, ví dụ: Đã cho phép các tổ chức tín dụng và khách hàng cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ để đảm bảo doanh nghiệp được tiếp cận vay vốn... Tuy nhiên, theo Thống đốc, vấn đề là quá trình triển khai thực tế thì có "muôn hình vạn trạng".
 
Để giải quyết vấn đề, Thống đốc cho hay, năm vừa qua đã đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng, doanh nghiệp với chính quyền địa phương. Trong 9 tháng vừa qua, hệ thống ngân hàng đã tổ chức trên 120 cuộc tiếp xúc như vậy. Đặc biệt, tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức tiếp xúc doanh nghiệp đến tận cấp phường, các hộ kinh doanh. “Con số hết sức ấn tượng là qua hoạt động kết nối này, trong 9 tháng, các ngân hàng đã cho vay mới được hơn 105 nghìn tỷ đồng” - Thống đốc cho biết; đồng thời phân tích thêm, trong thực tiễn, có những vấn đề của doanh nghiệp, nếu theo các quy định của Nhà nước thì các TCTD không dám cho vay, hay theo các quy định của chính quyền địa phương thì lại không có điều kiện, nhưng nếu có địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp cùng vào cuộc thì vấn đề được kịp thời tháo gỡ.
 
Cũng theo Thống đốc, qua chương trình này, chúng ta đã tái cơ cấu lại nợ, kể cả về thời hạn lẫn lãi suất cho khoảng 18 ngàn tỷ đồng đối với những đối tượng trong chương trình. Thống đốc khẳng định, tất cả các doanh nghiệp nếu thấy còn khả năng tiếp cận vốn ngân hàng thì đều được họp với các ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại địa phương để giải quyết.
 
“Chúng tôi mong các ĐBQH ở các địa phương hỗ trợ thêm trong vấn đề này để giải quyết sâu sát, không bỏ sót các doanh nghiệp nhưng không làm chất lượng tín dụng giảm sút trong thời gian tới” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình chốt lại phần trả lời về vấn đề này.
 

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác