Kinh tế xã hội

Gánh nặng phí, phụ phí ở sân bay

14:16, 29/09/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Từ 1/10, lệ phí phục vụ hành khách và phí soi chiếu an ninh, hàng hóa sẽ được phép tăng lên.
 
Cụ thể, mức lệ phí sân bay áp dụng đối với hành khách vào cảng hàng không để đi các tuyến nội địa tăng thêm trên dưới 15 ngàn đồng/lượt, tùy nhóm A hoặc nhóm B. Từ đầu tháng 10 này, các hãng hàng không sẽ phải trả 10 ngàn đồng/hành khách trên chuyến bay nội địa và 1,5 USD/hành khách với chuyến bay quốc tế. Như vậy, với loại tàu bay trên dưới 180 chỗ ngồi đang được các hãng khai thác phổ biến hiện nay trên chặng bay nội địa, trước đây các hãng chỉ phải trả lệ phí tàu bay ở mức 400 ngàn đồng/chuyến thì nay khoản phí này sẽ giảm được hơn một nửa nên sẽ lợi cho các hãng. Ngược lại, với các chuyến bay quốc tế, các hãng hàng không sẽ phải trả lệ phí cho mỗi chuyến bay lên gấp hơn 3 lần so với trước.
 
Theo một chuyên gia ngành hàng không, với cách tính giảm phí nội địa được một phần, tăng phí quốc tế lên nhiều lần này, hãng hàng không có nhiều chuyến bay quốc tế như VNA sẽ chịu thiệt nhiều nhất. Thực tế, cách tính này cũng sẽ phần nào tác động lên giá vé đối với hành khách. Còn theo cựu phi công Mai Trọng Tuấn, việc đơn vị quản lý khai thác hạ tầng sân bay đã thu lệ phí của hành khách khi vào sân bay ở mức 60 - 70 ngàn đồng với chặng bay nội địa và mức từ 8 - 20 USD với khách đi các chuyến bay quốc tế thì khoản thu lệ phí chuyến bay với hãng lại tiếp tục áp dụng theo cách bổ lên đầu hành khách là không hợp lý.
 
Để được đi máy bay, hành khách đang phải trả nhiều loại phí
Để được đi máy bay, hành khách đang phải trả nhiều loại phí
 
Ngoài lệ phí với hành khách và chuyến bay, trong lần điều chỉnh phí từ đầu tháng 10 này, khoản phí soi chiếu hàng hóa cũng được tăng thêm 10% so với mức thu hiện hành là 140.000 đồng/tấn trong vận chuyển nội địa và 15 USD/tấn hàng hóa đi tuyến quốc tế. Do đó, không chỉ hành lý, hàng hóa ký gửi của khách đi trên chuyến bay đối mặt với nguy cơ tăng cước phí, các DN thường xuyên khai thác hàng hóa theo chặng bay cũng khó tránh khỏi nguy cơ tăng cước phí vận chuyển.
 
Không chỉ bị buộc phải trả phí để được vào cảng hàng không đi máy bay trên giá vé, đơn vị được giao quản lý, khai thác hạ tầng sân bay còn chẻ ra một loạt loại phí khác để cộng dồn và thu trên tổng giá vé của hành khách, như: phí bảo vệ môi trường, phí cứu thương, cứu hỏa… Vào sân bay muốn sử dụng dịch vụ mặt đất, hành khách cũng phải trả phụ phí theo kiểu chặt chém. Chẳng hạn, sau khi đã bị Cảng vụ hàng không miền Nam yêu cầu phải giảm giá ngay với 5 mặt hàng ăn uống thông thường là nước uống, phở, cơm, bún, mì tôm kể từ ngày 17/7, hiện tại, giá một ly nước chanh đá vẫn còn 25 ngàn đồng; uống trà lipton phải trả 29.000 đồng, dừa tươi 39.000 đồng/trái... Một phần trong giá bán quá cao tại đầu mối phục vụ lợi ích công cộng này là khoản phụ phí, phụ thu hành khách phải trả cho khoản thuê mặt bằng do chủ kinh doanh đã đi thuê lại của DN quản lý, khai thác sân bay.
 
Ngày 18/9, Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) đã chính thức lên sàn qua việc bán đấu giá thành công hơn 31,09 triệu cổ phần, chiếm 23,6% vốn điều lệ. Chỉ là đơn vị dịch vụ mặt đất, nhưng rất nhanh chóng, lượng cổ phần trên đã được hơn chục nhà đầu tư mua sạch với giá 19,3 ngàn đồng/cổ phần, cao gần gấp đôi so với mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần và cao hơn rất nhiều so với giá cổ phần do các tập đoàn nhà nước khác chào bán lần đầu. Điều này đã chứng tỏ lợi nhuận trong kinh doanh hạ tầng phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất được nhà đầu tư kỳ vọng ở mức khủng.
 

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác