Kinh tế xã hội
Học nghề - sự lựa chọn thiết thực của nhiều bạn trẻ
Tốt nghiệp trung học phổ thông, Đức Việt (Phủ Lý, Hà Nam) không chọn thi vào đại học như các bạn cùng lứa khác mà chọn học nghề. “Sức học của mình chỉ ở mức trung bình, thi đại học cũng khó đỗ nên chọn học nghề là thiết thực nhất, vừa đỡ tốn tiền của bố mẹ mà ra nghề cũng dễ kiếm việc làm”, anh Việt tâm sự.
Nhờ say mê và chăm chỉ học, tay nghề của Việt được xếp vào loại khá rồi may mắn trúng tuyển đi lao động tại Hàn Quốc. Hết thời gian lao động ở xứ Kim Chi, Đức Việt về nước với số tiền tích cóp hơn nửa tỷ đồng để khởi nghiệp ở quê nhà. “Chưa bao giờ mình thấy ân hận khi chọn học nghề. Về nước, thấy nhiều bạn học thời phổ thông cầm tấm bằng đại học mà vẫn loay hoay tìm việc mình càng thấy quyết định của mình là đúng đắn”, anh Việt nói.
Khác với Đức Việt, mục đích học nghề của chị Thanh Vân là để bổ sung kiến thức thực hành. Tốt nghiệp bằng giỏi ngành Hóa học trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chị Vân về làm giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) rồi được cử đi Pháp học tiến sỹ. Nhưng “kiến thức được đào tạo thiên về nghiên cứu nên tôi quyết định đi học nghề tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội để có thể triển khai các thiết bị, làm ra các sản phẩm”.
Trong khi có tới 147.000 cử nhân có trình độ đại học trở lên thất nghiệp (tính đến ngày 1/7/2014) - theo số liệu của Bản tin thị trường lao động Việt Nam số 3/2014 được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố đầu tháng 9 vừa qua - và thực tế không thiếu những trường hợp đã tốt nghiệp đại học chuyển sang học nghề hoặc chấp nhận cất tấm bằng mà mình vất vả mất 4 - 5 năm mới có được để làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp thì học nghề đang cho thấy là một hướng đi mở ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ.
Lao động qua đào tạo vẫn có nhiều cơ hội được tuyển dụng ở các nhà máy, xí nghiệp - Ảnh: Minh Châu |
Phó trưởng Ban Thanh niên công nhân và đô thị (Trung ương Đoàn) Ngọ Văn Khuyến cho biết, theo thống kê, thanh niên đang tham gia học nghề ở các cấp trình độ vào khoảng gần 1,9 triệu người. Học sinh học ở trung tâm đào tạo nghề được giảm 50% học phí và đang có đề án miễn 100% học phí để thu hút học viên, sinh viên.
Một thực tế khác là nhiều bạn trẻ không qua đào tạo hoặc có trình độ đại học và trên đại học chưa có việc làm xin đi làm công nhân nhưng không ít người đến 30 tuổi phải đối mặt với nguy cơ mất việc vì không có trình độ tay nghề, anh Khuyến lưu ý.
Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Văn Tiến thông tin, 100% các địa phương đều có trường cao đẳng hoặc trung cấp nghề. Mạng lưới các trung tâm dạy nghề đã phát triển đến cấp huyện đáp ứng nhu cầu của người dân, trong đó, một số trường nghề đã đào tạo được lao động có tay nghề đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên, cần thay đổi suy nghĩ của xã hội đặc biệt là đối tượng học sinh và gia đình của họ. “Nhận thức của nhiều gia đình và bản thân thanh niên còn nặng nề về bằng cấp, mục tiêu số một là đại học. Học nghề chỉ là phương án cuối cùng”, ông Tiến nói.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân đồng quan điểm khi nêu thực trạng nhiều bậc cha mẹ cứ cố cho con vào đại học nhưng chưa biết ra trường sẽ làm gì. Có những ngành đã quá thừa lao động nên không có nhu cầu tuyển dụng dù người học có trình độ là thạc sỹ và tiến sỹ.
Ông Lân cũng cho hay, rất nhiều trường nghề có đối tượng theo học là những người đã từng tốt nghiệp đại học. Đa số họ khi ra trường không kiếm được việc làm trong khi có rất nhiều ngành nghề, nhiều công ty đang cần lao động nhưng lại không tuyển được người.
Hiện Việt Nam đang đào tạo khoảng 1.500 nghề. Những nghề có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập tốt là điện tử, nấu ăn, quản trị du lịch, lái tàu biển, thủy thủ… đang thu hút nhiều học viên theo học, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết.
Phó Trưởng Ban Thanh niên công nhân và đô thị Ngọ Văn Khuyến cung cấp thêm, trong tương lai có một số ngành nghề có cơ hội việc làm lớn như các ngành dệt may, điện tử, chế biến thủy hải sản, công nghiệp xây dựng, dịch vụ, điều dưỡng viên… tạo cơ hội để các bạn trẻ lựa chọn một cho mình một nghề thích hợp.
Thông tin cho lao động học nghề đang có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, ông Nguyễn Tri Quang, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP Hồ Chí Minh cho hay, hiện thị trường xuất khẩu lao động đang phân thành hai nhóm chính. Bên cạnh nhóm lao động phổ thông không yêu cầu trình độ chuyên môn, chỉ đảm bảo điều kiện về sức khỏe chủ yếu sang lao động ở các nước và vùng lãnh thổ như vùng Trung Đông (Ả rập Xê út, Iran...), khu vực Đông Nam Á (Inđônêsia, Malaysia, Singapore), Đài Loan... thì nhóm lao động đã qua đào tạo nghề và đạt chuẩn về ngoại ngữ thường có cơ hội sang làm việc ở các nước kinh tế phát triển, do vậy mà thu nhập cũng cao hơn như Hàn Quốc với nghề cơ khí, xây dựng hay Nhật Bản với nghề điều dưỡng, làm nữ hộ sinh, điện, điện tử.
Nguồn: dangcongsan.vn