Đây là năm thứ hai Hội đồng Tiền lương Quốc gia với sự tham gia của ba bên đại diện cho người lao động, chủ sử dụng lao động và Chính phủ đang bàn bạc thống nhất phương án tăng lương tối thiểu năm. Mỗi bên đều có những lý lẽ riêng cho phương án tăng lương của mình nhưng mức đề xuất chênh lệch khá lớn nên chưa có sự thống nhất, vì vậy mức tăng lương tối thiểu năm 2015 vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Mức đề xuất tăng quá chênh lệch
Hội đồng Tiền lương Quốc gia đang ráo riết họp bàn về phương án tăng lương tối thiểu năm 2015. Sự chênh lệch quá lớn về mức đề xuất tăng của các bên là nguyên nhân khó có thể thống nhất phương án tăng lương.
Theo đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện tại, mức lương tối thiểu vùng năm 2014 đang áp dụng là 2,7 triệu đồng đối với vùng 1 và 1,9 triệu đồng ở vùng 2. Mức lương này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Trước thực trạng này, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Mai Đức Chính cho biết, Tổng liên đoàn Lao động đề nghị cần phải tăng lương tối thiểu vùng 1 năm 2015 lên mức 3,4 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 26% so với mức lương tối thiểu cũ.
So với mức đề xuất khá khá cao của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức tăng lương tối thiểu năm 2015 của đại diện doanh nghiệp đề xuất lại chỉ là 11%. Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện của người sử dụng lao động đưa ra đề xuất mức lương tối thiểu năm 2015 cho vùng 1 là 3 triệu đồng.
Đề xuất tăng lương của đại diện người lao động và đại diện chủ sử dụng lao động đang chênh lệch khá lớn - Ảnh minh họa |
Qua quá trình lấy ý kiến các doanh nghiệp về đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2015 của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây, một số doanh nghiệp cho rằng mức tăng lương tối thiểu năm 2015 nên thấp hơn của năm 2014, chỉ dưới 12% để tạo điều kiện củng cố thêm việc làm bền vững cho người lao động. Thậm chí, một số doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn còn đề nghị tạm dừng việc tăng lương.
Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng Lao động (VCCI) cho rằng, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng cho năm 2015 cần được cân nhắc ở mức phù hợp, vừa đảm bảo tiền lương thực tế cho người lao động vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Năm tới sẽ tiếp tục là một năm khó khăn, nếu mức tăng lương tối thiểu cao thì các doanh nghiệp sẽ siết chặt việc mở rộng kinh doanh, tuyển dụng nhân sự.
Dung hòa giữa hai đề xuất trên, đại diện thường trực Hội đồng tiền lương là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa ra đề xuất mức lương tối thiểu vùng 1 năm 2015 là 3,05 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, do ba đề xuất có sự chênh lệch khá nhiều nên phương án lương tối thiểu vùng 2015 vẫn bỏ ngỏ.
Tăng lương phải tương ứng với năng suất lao động
Phân tích về những khó khăn trong quá trình thống nhất mức tăng lương tối thiểu giữa ba bên, Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng mỗi thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đều có một cách thức tính toán, một suy nghĩ khác nhau.
Theo ý kiến của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức đại diện cho người lao động thì tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động, nhưng cho đến nay bản thân tiền lương mới đảm bảo được 70% mức sống tối thiểu, vậy làm sao để đến năm 2018 tiền lương có thể đạt được 100% nhu cầu sống tối thiểu.
“Chính vì vậy, tổ chức công đoàn đề nghị mức tăng là 3,4 triệu đồng/tháng để đẩy nhanh tiến độ tiền lương đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu,” ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Tăng lương tối thiểu hàng năm chưa tính đến yếu tố năng suất lao động - Ảnh minh họa |
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết thêm: “Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì tính toán bình quân tiền lương phải gắn với năng suất lao động, Đây là một yếu tố rất quan trọng mà trước đây chúng ta bỏ quên hoặc quá nặng về nhu cầu sống của người lao động.”
Tiền lương là tổng sản phẩm xã hội được phân phối để đảm bảo quá trình tái sản xuất sức lao động cho người lao động, vậy nên tiền lương phải gắn với năng suất lao động.
“Năng suất lao động thấp mà tiền lương lại tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động là trái quy luật. Như vậy, mặc dù đời sống của người lao động còn thấp nhưng nếu nâng tiền lương thì tiền lương lại đi nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động,” ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Bên cạnh hai ý kiến trên, đại diện chủ sử dụng lao động thì quan tâm đến việc cân nhắc mức tiền lương thế nào để chủ sử dụng vẫn có thể tồn tại và phát triển doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tồn tại được, có việc làm thì lao động mới có tiền lương.
Hiện tại, cả ba bên đều có lý lẽ riêng và chưa đi đến thống nhất. Tuy nhiên, việc có đại diện ba bên cùng bàn bạc về mức tăng lương tối thiểu hàng năm là bước chuyển quan trọng trong quá trình xách định một mức tăng vừa tương ứng với năng suất lao động, vừa đảm bảo được mức sống tối thiểu cho người lao động.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, tuần tới Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp thống nhất mức tăng lương tối thiểu của năm 2015 để trình Chính phủ. Ngoài ba phương án tăng lương của ba bên đại diện, có thể sẽ có một phương án để dung hòa ý kiến của các bên.
.