Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201408/metro-ra-di-la-loi-canh-bao-cho-mo-hinh-sieu-thi-ban-buon-521214/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201408/metro-ra-di-la-loi-canh-bao-cho-mo-hinh-sieu-thi-ban-buon-521214/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Metro ra đi là lời cảnh báo cho mô hình siêu thị bán buôn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 15/08/2014, 09:57 [GMT+7]

Metro ra đi là lời cảnh báo cho mô hình siêu thị bán buôn

Việc Metro Cash & Carry hoàn tất thương vụ bán lại toàn bộ hệ thống tại Việt Nam cho nhà đầu tư Thái Lan đang đặt ra câu hỏi về độ thành công của mô hình này.

 Gắn bó với Metro cả chục năm, chị Hoàng, một tiểu thương ở chợ Văn Thánh (Bình Thạnh, TP HCM) chưa từng hưởng chính sách ưu tiên nào. Đây cũng là lý do chị cảm thấy không hài lòng với đại gia bán sỉ.

“Vì phải mua với số lượng lớn, lại gần nhà nên tôi ra Metro cho tiện chứ cách phục vụ cũng như bài trí của siêu thị này không hề hấp dẫn. Bây giờ, thay vì mua vài tấn như thời kỳ đầu, nay tôi đặt hàng từ các đại lý giao tận nơi, thỉnh thoảng có vào Metro thì tôi chỉ mua những loại giá rẻ thật sự và bên ngoài không có”, chị Hoàng nói.

123
Đại gia Metro đã hết mặn mà với thị trường Việt Nam sau 12 năm kinh doanh. Ảnh: QH

Chị càng không còn mặn mà với Metro khi cách đây vài tháng một siêu thị mới mở ngay cạnh đó. Hàng hoá không sắp xếp đồ sộ như Metro, nhưng siêu thị này lại cho chị sự thoải mái, các sản phẩm có giá ưu đãi rõ ràng và cập nhập thường xuyên. Ngoài ra, chị còn được tích lũy điểm và trừ tiền từ điểm tích lũy ngay khi mua hàng với số lượng lớn.

Còn chị Lan ở quận 9 trước đây nghe tin Metro bán hàng số lượng lớn giá rẻ cũng thử đến một lần. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ, chị nhận thấy giá bán sỉ sản phẩm tại Metro không khác biệt nhiều với giá bán lẻ, thậm chí còn cao hơn vài trăm đồng so với các siêu thị khác. Ví dụ, nếu một lốc sữa Yomost tại Metro đã giảm giá còn 26.500 đồng thì tại siêu thị khác giá bán ra chưa khuyến mãi chỉ có 26.200 đồng, rẻ hơn 300 đồng. Mặt khác, mua hàng, thanh toán xong khách rất khó khăn trong khâu vận chuyển vì phải tự chuẩn bị bao, túi đựng.

“Metro nổi tiếng với các mặt hàng ngoại nhập, đa dạng nhưng khi đặt chân vào hệ thống này tôi chưa thấy được sự nổi bật, thậm chí nhiều mặt hàng trông rất cũ. Vì vậy, từ việc giá cả không hấp dẫn cho tới cung cách phục vụ thiếu chu đáo nên tôi chỉ đi thử một lần chứ không đi lần thứ 2”, chị Lan nói.

Là một trong hai địa điểm đầu tiên mở ở TP HCM, Metro An Phú, quận 2 những năm đầu luôn đông nghịt khách. Chỉ tầm 10h sáng, nhà để xe nơi đây đã kín chỗ, nhưng nay thì không còn cảnh này. "Tôi làm bảo vệ ở đây đã khá lâu nên thấy rõ một điều là khách hàng không còn đông như trước. Không những lượng xe của khách đến mua hàng giảm gần một nửa, mà ngay cả khách hàng quen thường đánh xe ôtô đến mua hàng cũng giảm bớt số lượng mua về", một bảo vệ nơi đây cho hay.

Báo cáo tài chính do tập đoàn mẹ Metro công bố cho thấy 12 năm kinh doanh tại Việt Nam, quy mô hoạt động của mảng bán buôn Metro Cash & Carry liên tục mở rộng, hiện có tới 19 trung tâm và doanh thu tăng gấp 24 lần. Nhưng chỉ duy nhất năm 2010 công ty báo lãi 116 tỷ đồng, và chưa bao giờ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trên thị trường, Metro là nhà tiên phong và gần như vẫn độc tôn trong mô hình siêu thị bán buôn. Tình hình kinh doanh không khả quan và sự ra đi của Metro Cash & Carry khiến nhiều người kém lạc quan về mô hình này . Năm 2013, Saigon Co.op liên doanh với NTUC FairPrice của Singapore để mở một đại siêu thị bán lẻ và bán sỉ. Tuy nhiên, sau một năm thử nghiệm, phân khúc bán sỉ chưa đem lại dấu ấn.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc đại siêu thị này nhìn nhận phân khúc bán lẻ vẫn hấp dẫn hơn, đóng góp tới 70% doanh thu. Dự kiến đến tháng 4/2015, liên doanh sẽ tiếp tục mở đại siêu thị thứ 2 tại quận 7 và kỳ vọng những năm tiếp theo, mỗi năm sẽ mở từ một đến 2 siêu thị.

Theo ông, phân khúc bán sỉ ở Việt Nam chưa được định hướng rõ ràng. Khâu kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối còn nhiều vướng mắc. Trong khi đó hệ thống phân phối Việt Nam hiện khá dày đặc nhưng phát triển mang tính tự phát, chưa tạo ra chuỗi giá trị giữa đơn vị sản xuất và nhà phân phối.

Một chuyên gia đang làm việc trong ngành bán lẻ hơn chục năm cũng nhìn nhận, hiện nay toàn bộ hệ thống siêu thị Việt Nam đều có kết hợp cả bán sỉ và lẻ, tuy nhiên, doanh thu 80% vẫn đến từ bán lẻ, chỉ 20% là bán sỉ. Điều này chứng tỏ phân khúc bán lẻ hấp dẫn hơn rất nhiều so với bán sỉ.

Mặt khác, tại thị trường Việt Nam, phân khúc bán sỉ đã được chính các đơn vị sản xuất làm rất tốt. Hầu hết các doanh nghiệp lớn của Việt Nam khi tung sản phẩm ra thị trường, họ đã tự xây dựng kênh phân phối riêng. Đồng thời, khi cung ứng sản phẩm họ không chỉ cam kết về chất lượng, mức chiết khấu mà còn chu đáo trong việc vận chuyển và giao hàng tận nơi. Cho nên, việc bán sỉ của Metro dần dần mất tác dụng với các doanh nghiệp, tổ chức.

Chuyên gia tư vấn thương hiệu Phạm Việt Anh đánh giá Metro chưa biết cách chuyển mình để phù hợp với thị hiếu cũng như lối mua sắm của người Việt. Nếu như ở nước ngoài, các doanh nghiệp cá nhân có ôtô để vận chuyển hàng hóa thì ở Việt Nam điều này hơi khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp khác ở Việt Nam lại biết cách phục vụ, họ đưa ra những ưu đãi thiết thực cho khách hàng, có thể cho khách hàng nợ hoặc giúp vận chuyển tận nơi.

Ông Việt Anh dẫn chứng, Unilever là một doanh nghiệp điển hình, không những giao hàng tận nơi cho các đại lý mà họ còn đưa ra mức chiết khấu hấp dẫn, vì vậy khách hàng sẽ chọn cách gọi điện thoại thay vì bỏ công đến siêu thị. Còn về người tiêu dùng Việt, họ mua sỉ với số lượng không nhiều, tối đa cũng chỉ vài triệu đồng. Nên doanh thu bán sỉ của Metro không như kỳ vọng, trong khi đó, chi phí để vận chuyển hàng cũng như đầu tư lại khá cao, cho nên mô hình này dần đi vào hoạt động thiếu hiệu quả.

Mặc dù, sau đó Metro cũng đã chuyển dần qua bán lẻ khi không còn bắt khách hàng đến mua sắm phải chìa đưa thẻ thành viên hoặc hộ chiếu chứng minh, nhưng sức hấp dẫn của đại gia này đã không còn khi cung cách phục vụ cũng như giá cả không có nhiều thay đổi. Thêm vào đó, thị trường bán lẻ Việt liên tục xuất hiện những đối thủ mới, tiềm lực tài chính mạnh, mô hình hiện đại với đa dạng các tiện ích và dịch vụ. Khách hàng không chỉ được mua sắm mà còn được giải trí. Khi thị trường ngày càng có nhiều sự lựa chọn, thị phần của Metro ngày càng bị thu hẹp và cạnh tranh hơn là điều tất yếu.

“Về tương lai của thị trường bán sỉ, tôi chưa nhìn thấy một tia sáng nào. Mô hình này có thể thành công ở các nước khác trên thế giới nhưng dường như chưa phù hợp ở Việt Nam. Để thị trường bán sỉ có dấu ấn, có lẽ các doanh nghiệp phải tìm ra được hướng tiếp cận cũng như phương thức bán sỉ lạ, hấp dẫn không chỉ cho doanh nghiệp, tổ chức mà cả người tiêu dùng cá nhân”, ông Việt Anh nói.

.

Nguồn: vnexpress.net