Bài 2: Làm gì để tiếp sức cho ngư dân bám biển?
(Congannghean.vn)-Với việc hỗ trợ ngư dân bám biển, vươn khơi bằng các chính sách khuyến khích đầu tư đóng tàu to, thuyền lớn, nâng cao năng lực đánh bắt thủy hải sản, góp phần tăng tỉ trọng về sản lượng cũng như hiệu quả nghề cá đang được các cấp ngành quan tâm. Tuy nhiên, công tác hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang vướng mắc nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ.
Bài 3: Hậu cần nghề cá - Những vấn đề đặt ra
Thời gian qua, tỉ trọng kinh tế biển luôn được quan tâm, khuyến khích hỗ trợ bà con ngư dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Và đây cũng là ngành đóng góp GDP cho địa phương trong tổng giá trị sản phẩm nội địa. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, hiện nay, giá trị kinh tế biển vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như lợi thế. Ngay như tại Quỳnh Lưu, theo thống kê, mỗi năm, giá trị sản phẩm từ thủy sản trên biển thu về, đóng góp GDP cho địa phương mới chỉ chiếm từ 10 - 15% cơ cấu kinh tế toàn huyện. Con số không phải là nhỏ nhưng vẫn chưa tương xứng với một huyện có thế mạnh về kinh tế biển như ở Quỳnh Lưu. Ở các huyện, thị bám biển, cơ cấu giá trị kinh tế từ biển cũng chỉ mới dừng lại ở dạng tiềm năng.
Có mặt tại cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu), chúng tôi ghi nhận được không khí tấp nập tàu thuyền ra vào, người mua, kẻ bán nhộn nhịp cả một vùng quê. Hầu hết ngư dân ở đây đều quyết tâm bám biển, không hề nao núng trước tình hình căng thẳng, phức tạp ở Biển Đông như hiện nay. Với họ, từ lâu, truyền đời, truyền kiếp đều xem tàu thuyền là nhà, biển cả là quê hương. Mỗi chuyến ra khơi, họ đều cầu mong, đặt hy vọng vào ngày về tôm cá đầy khoang. Dù có phong ba, bão táp, tàu thuyền có thể bị ảnh hưởng dẫn đến hư hỏng, chìm… nhưng họ vẫn thủy chung với biển. Thế nhưng, từ trong sâu thẳm, ngư dân vẫn mong muốn sau mỗi chuyến ra khơi, trở về cập bến thì không phải bán đổ, bán rẻ sản phẩm của mình đã đổ không ít công sức mà có được.
Việc thu gom thủy hải sản sau mỗi chuyến ra khơi hiện nay vẫn chưa chuyên nghiệp |
Ông Trần Xuân Nhuệ, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở hậu cần nghề cá thuộc Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An cho biết: Công tác hậu cần nghề cá chỉ đáp ứng một phần so với nhu cầu thực tế. Các cảng, cửa lạch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như năng lực ra vào của tàu thuyền. Toàn tỉnh hiện có 61 cơ sở đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu thuyền nằm ở 5 huyện, thị bám biển, nhưng hầu hết các xưởng này đều còn nhỏ lẻ, chưa được đầu tư mở rộng theo hướng hiện đại. Ngoài ra, hiện nay hệ thống điện, bến bãi, khu cấp xăng dầu, nước ngọt… cũng chưa được đầu tư đồng bộ. Các tổ hợp tàu thuyền thu mua trực tiếp trên biển đã giảm và không còn nhộn nhịp như trước đây nữa.
Ông Nhuệ cho biết, nếu như 3 năm về trước, trên địa bàn có khoảng 30 tàu công suất lớn làm dịch vụ trực tiếp trên biển thì hiện nay chỉ còn tồn tại khoảng 10 tàu. Nguyên nhân chính là do năng lực cạnh tranh của các tàu làm công tác dịch vụ này đã không đáp ứng đủ nhu cầu so với đội tàu của các tỉnh khác.
Làm thế nào để nâng cao năng lực đánh bắt thủy sản, giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi? Vấn đề trước mắt cũng như lâu dài hiện nay là ngoài đầu tư đóng tàu to, thuyền lớn thì công tác hậu cần nghề cá cần phải quan tâm phát triển đồng bộ, kịp thời. Mặt khác, Nhà nước cũng cần quan tâm đến đầu ra sản phẩm của ngư dân. Bởi thực tế, hiện nay, ngư dân khi đánh bắt thủy sản trở về, họ còn phải phụ thuộc vào chủ buôn bao tiêu sản phẩm một cách thụ động. Trong khi đó, các cơ sở chế biến, bảo quản, thu mua trên bờ ở tỉnh ta mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
.