3 lần liên tiếp giảm giá xăng dầu - chuyện “lạ” chưa kịp vui thì nhiều thông tin cho biết doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu đang kêu ca đề xuất tăng chi phí định mức kinh doanh. Nếu điều này được chấp nhận, nguy cơ xăng sẽ đội giá lên thêm khoảng 400 đồng/lít.
Theo quy định, chi phí định mức mà Bộ Tài chính đang áp dụng đối với giá bán lẻ bình quân ở các địa bàn gần cảng nhập khẩu và gần nhà máy chế biến xăng, dầu ở trong nước, là 860 đồng/lít xăng. Chi phí này bao gồm thù lao đại lý, cước vận chuyển hàng từ cảng về kho, chi phí quản lý vận hành của DN, hao hụt… Đối với các địa bàn khác với quy định trên tối đa bằng 860 đồng/lít cộng với tối đa 2% mức giá bán lẻ xăng, dầu diezel, dầu hỏa ở trong nước. Con số này đã được nâng lên thêm 260 đồng so với mức 600 đồng được quy định trước đó.
Mức chi phí này, theo tính toán của Bộ Tài chính là hợp lý. Thế nên, trước đó, khi Bộ Tài chính quyết định nâng chi phí định mức, một số DN đã đề xuất phải tăng cao hơn nữa. Lý do mà họ đưa ra là chi phí để đưa xăng dầu lên vùng cao quá tốn kém. Cụ thể, năm 2013, có những DN phải đưa xăng đến bán cho Mường Lát (Thanh Hóa) đã đề xuất Bộ Tài chính cho thêm 500 đồng nữa trong chi phí tính giá cơ sở, nhưng không được chấp nhận.
Trong thời điểm hiện nay, khi giá xăng dầu tại thị trường Singapore – nơi các đầu mối kinh doanh xăng dầu Việt Nam nhập khẩu, tiếp tục hạ nhiệt. Tính ra sau đợt buộc phải giảm giá dầu vào ngày 18-8 vừa qua, DN xăng dầu vẫn đang lãi nhẹ. Thế nhưng, điều này chưa thỏa mãn các DN đầu mối. Nhiều DN cho rằng lợi nhuận kinh doanh của họ đang bị co hẹp, thậm chí teo đi do phải bù vào phần chi phí định mức. Phân tích cụ thể hơn, đại diện một đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam cho rằng con số 860 đồng/lít như quy định hiện hành của Bộ Tài chính đến nay đã không còn phù hợp. Theo vị này, trong thực tế, nếu cộng chi li các khoản phí vào, thì tổng số tiền DN đầu mối phải chi ra cho mỗi lít xăng lớn hơn nhiều.
Tăng chi phí định mức kinh doanh sẽ đội giá xăng dầu lên cao |
Không phải chỉ DN nhỏ, mà ngay cả “ông lớn” là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tại báo cáo kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm vừa diễn ra cũng than thở: do không được tính đủ lợi nhuận định mức vào giá cơ sở, nên đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh thực tế của DN này. Phía Petrolimex cũng đã có những đề xuất lên Bộ Tài chính để được tăng chi phí định mức kinh doanh. Dù không tiết lộ con số cụ thể là bao nhiêu, nhưng nếu tính toán theo đại đa số các DN, thì chi phí định mức kinh doanh trong thực tế hiện nay phải từ 1.200 đồng/lít. Mức chi phí này cũng trùng với một báo cáo của Hiệp hội Xăng dầu (Vinpa) gửi tới Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính vào những ngày cuối tháng 4. Vinpa tính toán, ở thời điểm hiện tại, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức từ 1.200 đến 1.300 đồng/lít xăng dầu.
Dù kêu ca giảm lợi nhuận vì chi phí định mức Bộ Tài chính quy định quá thấp, nhưng hiện nay, trên thị trường xăng dầu đang diễn ra một nghịch lý, đó là thù lao hoa hồng cho các đại lý đang bị “phá giá”. Cụ thể, trong cơ cấu chi phí định mức 860 đồng/lít, Bộ Tài chính cũng ấn định mức thù lao được phép chi trả cho tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu tối đa là 50%, tức mức cao nhất là 430 đồng/lít xăng. Thế nhưng, mặc dù kêu lỗ mức phí ấn định mà cơ quan quản lý đưa ra lỗi thời, khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng, nhưng mặt khác DN “lén lút” chi trả hoa hồng cho đại lý lên đến 650 đồng/lít – 750 đồng/lít - mức này xấp xỉ với phần lợi nhuận. Thậm chí, có nhiều DN đầu mối đang chạy đua phần chiết khấu, thay đổi mức chiết khấu theo ngày.
Câu chuyện chi phí định mức và lợi nhuận DN thực ra không mới và luôn là vấn đề nóng trên thị trường xăng dầu. Kinh doanh dĩ nhiên cần có lãi, nhưng giống như cái bình thông nhau, lợi bên này thiệt bên kia. Nếu đề xuất tăng chi phí định mức của DN được chấp nhận, thì nguy cơ đội giá xăng dầu sẽ hiện hữu. Để giải bài toán này, cơ quan quản lý cần phải có tính toán rõ ràng. Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng cần viết lại công thức tính giá. Từ công thức này để tính ngược lại các khoản hoa hồng, mục đích không để tình trạng loạn hoa hồng, làm đội giá, khổ người tiêu dùng. Theo đó giá xăng dầu bán lẻ sẽ bằng tổng phần "cứng” A + phần "mềm” B. Trong đó phần cứng A - tức giá cơ sở mới, sẽ chỉ gồm các chi phí sản xuất tối thiểu, cụ thể: Giá nhập khẩu gốc tại thời điểm hiện hành (giá thực trả, bao gồm có tính đến biến động thực của tỷ giá); chi phí vận chuyển hợp lý tối thiểu); hao hụt định mức kỹ thuật và chi phí lưu thông khách quan khác tối thiểu để chuyển xăng dầu đến tổng kho và cơ sở bán lẻ. Phần "mềm” B sẽ bao gồm: Khoản lãi định mức của DN kinh doanh phân phối xăng dầu, các nghĩa vụ tài chính đối với NSNN và các khoản thu khác cho Nhà nước (như thuế, phí, và các khoản thu đặc biệt khác cho NSNN). Phần mềm này có thể linh hoạt điều chỉnh cho từng thời điểm, đối tượng cụ thể và buộc DN kinh doanh xăng dầu tuân thủ nghiêm ngặt…
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, cần minh bạch chi phí kinh doanh này gồm các chi phí cố định và chi phí biến đổi để có thể đánh giá sự biến động của các chi phí mà DN phải thực hiện. “Khi đưa ra mức cụ thể cần phải khảo sát, đánh giá có cơ sở khoa học và thực tiễn, không đưa ra mức theo chủ quan của cơ quan quản lý hoặc theo đề nghị của các DN. Nếu đưa ra mức quá cao sẽ thiệt hại cho người tiêu dùng, nếu quá thấp không đủ bù đắp chi phí thì DN sẽ không thể tồn tại để hoạt động”, PGS.TS Long góp ý.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Cơ quan này đã nhận được các ý kiến từ phía DN. Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế điều hành xăng dầu vẫn đang thực hiện theo Nghị định 84 và Thông tư 234 của Bộ Tài chính, nên chi phí định mức kinh doanh vẫn đang giữ nguyên như cũ. Hiện, Bộ cũng đang rà soát để nắm bắt tình hình thực tế kinh doanh của DN, đặc biệt chú ý đến các yếu tố cấu thành chi phí. Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực, có thông tư hướng dẫn mới, thì mới tính đến chuyện thay đổi, có thể tăng hoặc giảm tùy theo thực tế cho hợp lý. |
.