Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201407/xa-ep-dan-tu-y-lam-trai-luat-thue-503871/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201407/xa-ep-dan-tu-y-lam-trai-luat-thue-503871/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Xã 'ép' dân, tự ý làm trái luật thuế - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 02/07/2014, 08:27 [GMT+7]

Xã 'ép' dân, tự ý làm trái luật thuế

(Congannghean.vn)-Sau khi có nghị định của Chính phủ ban hành cùng nghị quyết của Huyện ủy, UBND huyện Nam Đàn cho phép nhân dân thành lập trang trại vừa và nhỏ, ông Đinh Xuân Sinh và Nguyễn Đình Tứ (ở xã Nam Anh) đã nhận khoán diện tích 9,3 ha đất xấu, khó sản xuất của xã tại vùng Đồng Mò. Tuy nhiên, xã Nam Anh không những không tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất mà còn “tự ý” đưa ra mức thu sản lượng khoán thầu cao và phải nộp trước 5 năm/1 lần. Với mức thu trái pháp luật này, chính quyền xã Nam Anh chẳng khác nào dồn người dân vào thế đường cùng, ép dân phải từ bỏ đất sản xuất.

Nông dân kiên trì “bám trụ” trên vùng đất khó

Nam Anh là xã thuộc vùng đồng bằng huyện Nam Đàn, có 9 xóm dân cư sinh sống. Tại miền quê này, bên cạnh nhiều diện tích đất nông nghiệp màu mỡ, chuyên sản xuất rau màu hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế khá cho bà con nông dân thì cũng có không ít diện tích đất xấu, không có nước để sản xuất, khiến người dân chẳng mấy mặn mà với đồng ruộng. Điển hình là vùng đất Đồng Mò thuộc hai xóm 8 và 9, với tổng diện tích 9,3 ha, được xem là vùng đất xấu nhất, khó sản xuất nhất xã Nam Anh. Đã có những thời điểm, người dân phải bỏ hoang cho cỏ dại mọc um tùm vì sản xuất bị mất mùa.

Khi người dân sản xuất tại vùng đất Đồng Mò bỏ ruộng đồng thì năm 1998, ông Đinh Xuân Sinh ở xóm 9 và ông Cường ở xóm 8 đã mạnh dạn đứng ra xin nhận khoán 9,3 ha đất coi như hoang hóa trên, chia ra mỗi người một nửa để sản xuất lúa, rau màu. Ông Sinh cho biết: “Lúc đó, chúng tôi làm và nộp sản lượng đều đặn cho HTX với mức thu 42.000 đồng/sào/năm.

Các hộ dân bức xúc trình bày sự việc với P.V
Các hộ dân bức xúc trình bày sự việc với P.V

Tuy đất rất xấu, sản xuất không hiệu quả nhưng chúng tôi vẫn kiên trì bám trụ. Thấy vậy, một số hộ dân đã quay trở lại xin chúng tôi chia diện tích cho họ tiếp tục sản xuất cùng. Với sự đồng ý của hai ông, đã có khoảng 30 hộ sản xuất trở lại vùng đất ấy. Mãi đến năm 2005, khi sản xuất mất mùa triền miên, một số hộ dân đã một lần nữa bỏ đất, bỏ ruộng mà đi, cuối cùng chỉ còn lại ông Sinh bám đất và tiếp tục sản xuất bình thường.

Đến năm 2006, bỗng nhiên có một người sinh sống ở miền Nam tên là Hồ Bình về đây có ý định mua lại toàn bộ 9,3 ha đất Đồng Mò. Tiếp đó, xã đã “tự ý” để cho ông Hồ Bình tự động xây nhà, khoan giếng trên đất sản xuất của ông Sinh mà không thông qua người dân. Không đồng ý trước sự việc hết sức vô lý này, ông Sinh đã làm đơn gửi lên xã. Do đó xã đã tạm đình chỉ không cho ông Bình xây dựng nhà nữa.

Tuy nhiên sau đó, xã Nam Anh đã ra thông báo rộng rãi trong quần chúng nhân dân với nội dung: Nếu ai có đủ điều kiện nộp tiền sản lượng trước 5 năm/1 lần thì tiếp tục được sản xuất trên đất Đồng Mò, còn không thì xã sẽ giao đất cho ông Hồ Bình xây dựng nhà cửa cũng như làm các công trình khác. Mặc dù rất bất bình trước việc UBND xã tự ý đưa ra mức thu sản lượng để làm khó người dân, nhưng không chấp nhận xã sẽ giao đất cho một người xa lạ nên đã có 6 hộ dân buộc phải làm đơn nhận khoán thầu đất Đồng Mò. Tuy nhiên, cuối cùng, xã chỉ xét cho 2 hộ là ông Nguyễn Đình Tứ và Đinh Xuân Sinh được nhận khoán thầu. Sau khi nhận đất và làm một số thủ tục liên quan, đến năm 2009, ông Sinh và ông Tứ được cấp bìa, theo đó mỗi hộ sẽ quản lý 4,5 ha.

Theo chủ trương chung, ông Tứ và ông Sinh đã bắt tay vào cải tạo đất, đào ao, khoan giếng đưa nước lên, đầu tư vốn để làm trang trại vừa và nhỏ chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Hai nông dân này đã rót nhiều kinh phí từ nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư làm trang trại nhưng “đất khó” vẫn không chiều lòng người khi hiệu quả từ kinh tế đem lại không đáng là bao. Trong khi đó, hai ông lại phải “gánh” mức tiền sản lượng quá nặng, nên cả hai đành phải chia cho người khác cùng làm để giảm bớt phần nào tiền sản lượng.

Sau khi thống nhất bàn bạc, hai ông đã quyết định chia 1/2  diện tích của mình cho ông Đinh Xuân Toàn và Nguyễn Đình Vương. Đến năm 2010, ông Nguyễn Đình Tứ đã chuyển nhượng lại trang trại của mình với diện tích 2,5 ha cho ông Nguyễn Văn Chiến. Từ năm 2010 đến nay, 4 hộ nông dân gồm các ông: Nguyễn Đình Vương, Nguyễn Văn Chiến, Đinh Xuân Sinh và Đinh Xuân Toàn đã cùng nhau làm trang trại xản xuất và chăn nuôi trên vùng đất Đồng Mò khá ổn định.

Xã “tự ý” đưa ra mức thu sản lượng trái quy định

Theo Luật thuế sử dụng đất Nông nghiệp quy định: “Thuế tính cả năm nhưng thu mỗi năm từ 1 đến 2 lần tùy theo vụ thu hoạch chính của từng loại cây trồng ở từng địa phương. Thời gian bắt đầu và kết thúc vụ thu thuế nộp thuế do Cục trưởng Cục thuế, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW quy định và công bố cho toàn dân biết. Thuế sử dụng đất nông nghiệp tính bằng thóc, thu bằng tiền”.

Quy định là vậy, nhưng điều đáng nói là UBND xã Nam Anh đã tự ý thu tiền sản lượng theo cách riêng, đó là thu trước 5 năm/1 lần. Cụ thể là đợt 1, từ tháng 6/2007 - 6/2012, ông Sinh và ông Tứ phải nộp 200.000 đồng/sào/năm. Đợt 2, từ tháng 6/2012 - 6/2016, ông Sinh và ông Tứ phải nộp 250.000 đồng/sào/năm, theo đó tổng số tiền phải nộp cho xã là 232 triệu đồng/5 năm. Người dân cho rằng, đây là chuyện trái khoáy chưa từng xảy ra bao giờ.

Xã còn giao nếu thấy mức thu quá cao, các hộ không có khả năng đóng, thì trả đất lại cho HTX. Nhiều nông dân cải tạo vùng đất chảy nước mắt kêu trời: “Nếu trả đất thì đồng nghĩa với việc họ mất đất và toàn bộ số tiền đã đầu tư. Là nông dân thì phải có đất, có ruộng để sản xuất và tồn tại, UBND xã làm thế, khác nào thực hiện chính sách phát canh thu tô, sống chết mặc bay, lấy tiền bỏ túi! Quá bức xúc, các hộ dân đã nhiều lần phản ánh trong cuộc họp HĐND xã nhưng xã cố tình làm ngơ. Họ gửi đơn lên huyện Nam Đàn nhưng đến nay huyện chưa trả lời cho dân”.

Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Bảy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nam Anh, ông Bảy cho biết: “Vùng đất Đồng Mò vốn là đất xấu, địa hình khó khăn nên rất khó sản xuất nếu như không có sự đầu tư lớn. Bởi vậy, quan điểm của xã là tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân sản xuất. Còn về thu sản lượng, trước khi nhận khoán đất, xã và người dân đã có sự thỏa thuận và đưa ra mức thu sản lượng là 5 năm/1 lần (nộp thóc = quy ra tiền tùy theo giá thóc tại thời điểm thu), điều này đã có hợp đồng giữa hai bên”. Khi chúng tôi hỏi: “Thu sản lượng của dân, UBND xã có theo Luật thuế không?” thì ông Bảy lúng túng trả lời: “Mức thu này là UBND xã và người dân tự thỏa thuận với nhau”(?). Ông Bảy còn giải thích quanh co rằng, hiện chúng tôi chưa nhận được đơn thư phản ánh nào từ phía người dân về vấn đề này?

Mong rằng, các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc làm rõ việc UBND xã Nam Anh cố tình làm trái quy định của pháp luật về Thuế Nông nghiệp, để tránh người nông dân bị thiệt thòi.

.

Lê Hoa - Hằng Nga