Kinh tế xã hội

Người phụ nữ làm giàu trên vùng đất khó

09:17, 22/07/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Tự mày mò học hỏi làm kinh tế trang trại, mỗi năm, mô hình này đã đem lại cho gia đình chị Nguyễn Thị Xuân ở xóm Hương Châu, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, chị Xuân còn tận tình hướng dẫn các chị em trong hội phụ nữ xã cùng tham gia phát triển kinh tế gia đình, đem lại thu nhập cao.
 
Một ngày gần đây, chúng tôi đặt chân đến mảnh đất Hương Châu (Quỳ Hợp), khi hỏi về gia đình chị Nguyễn Thị Xuân, thật ngạc nhiên là người dân ở đây hầu như ai cũng biết và chỉ đường rất tường tận. Có lẽ, với họ, chị Xuân là một điển hình vươn lên làm kinh tế trên vùng đất khó và sự thành công của chị đã làm cho người ta thán phục, ngưỡng mộ.
 
Khi chúng tôi đến nhà, cũng là lúc chị Xuân đang bận rộn với đàn gà cỏ hàng trăm con. Chị cho biết: Đây là giống gà cỏ được nhiều người ưa chuộng, đến Tết này là có thể xuất đàn được rồi. Đang là thời điểm giữa năm, bên cạnh đàn gà đã trưởng thành, xuất bán thường xuyên thì chị Xuân đã “gối vụ” cho đàn gà dịp Tết.
Chị Nguyễn Thị Xuân chăm sóc đàn gà của gia đình
Chị Nguyễn Thị Xuân chăm sóc đàn gà của gia đình
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Quỳ Hợp trong một gia đình nông dân nghèo, năm 1972, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chị lên đường nhập ngũ tại đơn vị C2-TNXP sông Dinh. Năm 1980, chị trở về địa phương và lập gia đình với anh Nguyễn Hồng Thanh. Tài sản ban đầu của đôi vợ chồng trẻ chỉ có 2 sào đất ruộng ít ỏi, vườn tược bạc màu không thể trồng trọt được gì để tăng thêm cái ăn cho gia đình. Vợ chồng chị phải làm thêm các nghề phụ khác nhưng cũng không sao thoát khỏi cảnh cơm lo từng bữa. Năm 1990, giữa lúc cái ăn, cái mặc khó khăn, vợ chồng chị Xuân nghe người ta rỉ tai nhau, vào Tây Nguyên dễ làm ăn, thế rồi cả gia đình “ly hương” vào Đắk Lắk để phát triển kinh tế.
 
Sau một thời gian sinh sống, làm ăn nơi đất khách quê người, chị Xuân đã nhận ra rằng ở “vùng đất hứa” cũng không dễ kiếm ăn như chị từng nghĩ. Đầu năm 2005, vợ chồng chị lại khăn gói trở về quê hương, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất Hương Châu này. Với số tiền tích góp được ban đầu, chị bàn với chồng mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 8 ha đất đầu tư làm ao, chuồng trại để thả cá và chăn nuôi. Thế là hàng ngày, anh chị cơm đùm, cơm nắm kéo nhau lên đồi trồng hơn 4 ha cây keo và 350 gốc cam sành, Xã Đoài. Những ngày đầu vợ chồng phải đối mặt với bao khó khăn, mưa rừng muỗi vắt, hàng ngày lao động rất vất vả. 
 
Ngoài trồng trọt các loại cây lâu năm, chị Xuân còn cất công tìm hiểu thị trường quê nhà và thấy rằng, gà cỏ đang là một loại thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng nhất hiện nay. Nghĩ là làm, chị bàn với chồng mở rộng chăn nuôi gà cỏ, xuất ra thị trường. Nhưng để chắc ăn, chị đã lặn lội ra Viện Phát triển chăn nuôi ở Hà Nội lấy giống, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc con giống. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên việc chăn nuôi gà cỏ gặp rất nhiều khó khăn. Gà thường mắc các loại dịch cúm, chết hàng loạt mà không có cách nào cứu chữa khiến chị không ít lần nản chí. Nhưng rồi, trong khó khăn, chị Xuân đã chịu khó học tập kinh nghiệm của các mô hình trang trại khác, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn của các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi. Và chị đã có những thành công ngoài mong đợi. Từ vài trăm con gà ban đầu thì nay trong nhà chị lúc nào cũng có hàng nghìn con, đủ các lứa gà để có thể xuất bán thường xuyên, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm từ việc nuôi gà cỏ.
 
Không chỉ có vậy, vợ chồng chị Xuân còn sản xuất 5 sào lúa, hàng năm thu hơn 2 tấn lúa. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa sản xuất vừa đầu tư, tận dụng nguồn nước tưới tiêu từ 2 ao cá hơn 1.000 m2 , chị Xuân tiếp tục trồng thêm 3 sào bầu, 15 sào sắn cao sản, hơn 1 ha dưa hấu đang vào thời kỳ thu hoạch. Năm 2013, bán gần 1 ha cây keo đã mang về cho gia đình cựu nữ TNXP Nguyễn Thị Xuân gần 100 triệu đồng. 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Xuân Thành, Xóm trưởng xóm Hương Châu cho biết: “Gia đình chị Xuân là một gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế nhờ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi với quy mô lớn. Chính điều đó đã mang lại kết quả thiết thực, từng bước đưa gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng cho quê hương”.
 
Hiện nay, với quy mô phát triển kinh tế trang trại, kết hợp mô hình VAC, mỗi năm đem lại cho đình chị Nguyễn Thị Xuân lợi nhuận từ 200 - 300 triệu đồng.

Đức Thắng - Hồng Hạnh

Các tin khác