Kinh tế xã hội
Đồng muối Quỳnh Dị và nguy cơ 'ngọt hóa'
14:12, 24/07/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Từng là “vựa muối” của Quỳnh Lưu trước đây nhưng đến nay, nhiều diện tích của đồng muối Quỳnh Dị (phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai) phải bỏ hoang hoặc chuyển sang trồng lúa, nuôi tôm.
Đó là thực trạng tồn tại đã nhiều năm qua trên cánh đồng muối Quỳnh Dị. Từ trên trục Tỉnh lộ 537 nhìn xuống, khắp cánh đồng muối rộng hàng chục ha bị bỏ hoang. Cách đó không xa, hai kho muối nằm bên Tỉnh lộ 537 cũng chỉ còn là “phế tích” vì bị bỏ hoang lâu ngày.
Qua quan sát của chúng tôi, từng ô phơi muối được diêm dân tráng bằng xi măng giờ đã bong tróc, cỏ dại mọc chằng chịt. Những túp lều chứa muối ở đây cũng chung số phận vì rách toang, xập xệ. Dễ nhận thấy nhất là 2 nhà kho rộng hàng trăm mét vuông để chứa muối giờ chỉ còn trơ lại mấy bức tường, còn mái thì đã “bay mất”. Những chiếc xe kút kít chở muối nằm lăn lóc bên thửa ruộng muối nước ngập đầy, cỏ mọc um tùm. Khắp đồng muối là một cảnh xơ xác, tiêu điều. Thi thoảng, người ta mới bắt gặp một vài phụ nữ, người già ra đồng làm muối.
Theo nhiều diêm dân, trước đây đồng muối Quỳnh Dị rộng hàng chục ha. Năm năm trở lại đây, do muối rớt giá nên nhiều diêm dân bỏ nghề khiến đồng muối tan hoang như “vùng đất chết”. Từ chỗ hàng trăm người dân Phú Lợi 1, Phú Lợi 2 (phường Quỳnh Dị) và một phần người dân ở phường Quỳnh Phương làm nghề muối, coi muối là nguồn sống thì nay số hộ làm muối chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Mẹ con chị Mai, một trong rất ít hộ gia đình còn làm muối ở Quỳnh Dị |
Nhìn đồng muối tan hoang, vắng vẻ, tôi toan ra về thì thấy giữa đồng muối vắng teo xuất hiện bóng hai người phụ nữ nhỏ bé đang cào đất làm muối. Tiến lại gần hỏi thăm, sau một chút e dè, người phụ nữ cho biết tên là Trần Thị Mai (SN 1976) ở thôn Phú Lợi 1. Ruộng muối của chị Mai do ông bà để lại, rộng khoảng 650 m2. Mấy ngày qua trời nắng, chị Mai cùng cô con gái mới học xong lớp 11 tranh thủ ra đây để làm muối. Làm việc quần quật, vất vả mấy ngày trời nhưng thành quả mẹ con chị Mai thu được chỉ chưa đầy 30 kg muối. Theo chị, với giá bán 20 nghìn đồng/kg thì 1 ngày, thu nhập của 2 mẹ con chị chưa tới 20 nghìn đồng. Một con số thật ít ỏi so với công sức mà họ đã bỏ ra.
Khi hỏi vì sao trời nắng to vậy nhưng đồng muối vắng teo, vắng ngắt, chị Mai phân trần: “Trước đây, cả làng hàng trăm hộ làm muối nhưng vì giá trị hạt muối mang lại chẳng đáng là bao, giờ đồng muối thường xuyên bị ngập nước ngọt, khó sản xuất nên bà con lũ lượt bỏ nghề”.
Vừa rồi nắng to nhưng vì đồng ngập nước ngọt nên nhiều gia đình diêm dân không thể sản xuất muối. “Diêm dân chết đói mà không có việc làm. Muốn làm muối mà nước ngập đồng nên bà con nơi đây chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Ruộng muối của tôi ở đây cao hơn nên nước rút hết, mẹ con mới trở lại đồng muối được mấy ngày”, chị Mai cho hay.
Không hơn gì chị Mai, bà Hồ Thị Lan (52 tuổi) ở khối Quang Trung, phường Quỳnh Phương làm từ đầu vụ tới nay cũng chỉ thu được 4 - 5 yến muối. Ngồi thẫn thờ bên túp lều đựng muối rách nát, bà Lan chua chát nói: “Cả đời tôi sống bằng nghề muối, mấy năm nay làm muối càng ngày càng khó khăn, cuộc sống khốn khó lắm. Tháng 5, tháng 6 là dịp chính vụ muối mà còn thất bát, qua tháng 8 biết lấy gì mà ăn”.
Bà Lan cho biết thêm: Năm ngoái, cơn lũ lịch sử nhấn chìm cả thị xã Hoàng Mai và đồng muối Quỳnh Dị cũng chịu chung số phận. Diêm dân làm được bao nhiêu muối trữ trong lều chưa kịp bán cũng bị lũ cuốn trôi. Tuy vậy, dù chính quyền hứa hỗ trợ nhưng đến nay bà con diêm dân vẫn chưa hề được nhận một đồng nào.
Qua tìm hiểu từ người dân địa phương, chúng tôi được biết, hiện nay chính quyền phường Quỳnh Dị đang muốn “ngọt hóa” đồng muối để trồng cây thuốc lào, lúa nước vì năng suất, giá thành cao hơn hạt muối nhiều lần. Tuy vậy, những hộ làm muối còn lại ở làng Phú Lợi không đồng tình vì họ muốn tiếp tục theo nghề.
Duy Ngợi