Kinh tế xã hội

Giải pháp nào cho nợ đọng thuế?

09:05, 24/07/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong mấy năm gần đây, tình trạng các doanh nghiệp nợ thuế Nhà nước rất đáng lo ngại. Bên cạnh khó khăn chung của suy thoái kinh tế toàn cầu, thì nguyên nhân nợ thuế còn do việc thực hiện chính sách miễn giảm thuế, xử lí tiền phạt chậm nộp, có nhiều vướng mắc ràng buộc… Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật thuế của các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân chưa cao, chưa thấy rõ nộp thuế là quyền lợi, nghĩa vụ để xây dựng Tổ quốc.
 
Nợ thuế đang báo động
 
Nhìn lại 6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế trong nước và nhiều nước trên thế giới vẫn chưa được khôi phục theo ý muốn. Theo số liệu thống kê của Cục Thuế Nghệ An, đến ngày 30/6/2014, tổng số nợ đọng thuế trên phạm vi toàn tỉnh xấp xỉ 835 tỉ đồng, trong đó có 168 tỉ đồng tiền phạt; 83,6 tỉ đồng nợ khó thu, 29 tỉ đồng nợ chờ xử lí; 619,3 tỉ đồng nợ thông thường. Nhìn chung hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong vài năm nay, các đơn vị nợ đọng thuế nhiều hơn các năm trước, loại hình khó thu bao gồm các đơn vị xây dựng cơ bản và nhóm kinh doanh bất động sản. Riêng doanh nghiệp bất động sản nợ hơn 118 tỉ đồng, đáng chú ý lĩnh vực bất động sản có 8 dự án chậm, nguyên nhân là do suy thoái kinh tế, các giao dịch mua bán gần như tê liệt, không phát sinh thuế, nợ thuế là do các khoản trước đây chưa thu được.
Nhóm kinh doanh  bất động sản hiện nợ thuế tồn đọng khá cao
Nhóm kinh doanh bất động sản hiện nợ thuế tồn đọng khá cao
Hiện có 110 dự án đang nợ 865 tỉ đồng, có 10 dự án chưa tính thuế. Còn các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xây dựng cơ bản nợ đến 185,6 tỉ đồng; có 128 doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản nợ 78,1 tỉ đồng gồm GTGT, thu nhập doanh nghiệp, tài nguyên, môi trường, tiền thuê đất. 
 
Có những doanh nghiệp từ trước tới nay có tiếng mạnh về tài chính, nhưng hiện nay cũng nợ thuế khá cao. Đơn cử như các công ty: Công ty TNHH Tổng công ty Đầu tư và Hợp tác Việt - Lào (nợ 30,4 tỉ đồng); Công ty CP Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (22 tỉ đồng); Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 24 (17,5 tỉ đồng); Công ty XD cầu đường Nghệ An (15 tỉ đồng); Công ty CP XD 16 Vinaconex (15,4 tỉ đồng); Công ty CP XD số 9.1 (10,1 tỉ đồng); Công ty CP Đầu tư Xây dựng KCN Hoàng Mai (14,2 tỉ đồng); Công ty CP Tư vấn và XD công trình miền Trung (14 tỉ đồng)... Chưa kể còn có tới gần 100 công ty, doanh nghiệp khác cũng nợ thuế lên đến hàng tỉ đồng. 
 
Trong 6 tháng đầu năm 2014, ngành Thuế đã kiểm tra 449 đơn vị với số thuế đề nghị truy thu tới 32,6 tỉ đồng; số thuế không được hoàn 9,5 tỉ đồng; số thuế truy hoàn 1,5 tỉ đồng. Đồng thời tổ chức thanh tra tại 60 đơn vị với tổng số thuế truy thu, phạt, truy hoàn lên đến 98,6 tỉ đồng. Trước tình hình đó, Cục Thuế và các cơ quan hữu quan đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. 
 
Những giải pháp chống nợ đọng thuế
 
Trước bối cảnh nợ thuế ngày một tăng cao, ngành Thuế đã gồng mình triển khai công tác chống thất thu, tận dụng nguồn thu theo pháp luật thuế của Nhà nước, thông báo liên tục hàng tháng tới các đơn vị chưa nộp thuế và thực hiện việc xử phạt đối với các doanh nghiệp nợ đọng thuế. Các đồng chí lãnh đạo Cục Thuế Nghệ An cho biết: Ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu tiền thuế nợ năm 2014 cho từng đơn vị, từng cán bộ gắn với việc bình xét danh hiệu thi đua hàng tháng, quý, năm. Đối với các doanh nghiệp có ý thức chấp hành pháp luật thuế, tích cực trong xử lý nợ thuế, thực hiện được cam kết với cơ quan Thuế, cơ quan Thuế sẽ áp dụng linh hoạt các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa thực hiện nghĩa vụ với ngân sách vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều Chi cục Thuế huyện, thị trấn đã tích cực phối hơp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức đối thoại, hoặc tiến hành cưỡng chế, phong tỏa tài khoản nhưng việc nợ đọng thuế vẫn trên đà tăng vọt. 
 
Đặc biệt chú trọng mũi khai thác tài nguyên khoáng sản, ngành Thuế đã phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường thu hồi nợ khai thác khoáng sản. Theo đó, đề nghị các đơn vị trong lĩnh vực khoáng sản phải có xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế mới được cấp mới hoặc gia hạn khai thác khoáng sản. Tuy nhiên trong thực tế, việc khai thác khoáng sản hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như lượng hàng tồn kho khá lớn, máy móc, thiết bị khai thác chế biến phải “đắp chiếu” chờ thời cơ. Việc kiểm soát xe quá khổ, quá tải cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn vì giá thành vận tải tăng cao.
 
Bên cạnh đó, một số công ty hoạt động khai thác khoáng sản được cấp phép nhưng lại không có trụ sở tại Nghệ An. Bởi vậy, dù đơn vị, công ty nợ đọng thuế nhưng rất khó cưỡng chế vì không có tài khoản, hóa đơn lại do cục thuế tỉnh khác cấp. Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tăng cường cưỡng chế, thực hiện thu hồi giấy phép theo Luật Khoáng sản, đình chỉ sử dụng hóa đơn. Ngành Thuế đã tham mưu cho UBND tỉnh xem xét lại cơ chế giao đất, thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra tiến độ dự án, đôn đốc nộp thuế, tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi các dự án mà chủ đầu tư không có năng lực.
 
Bên cạnh đó, từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2014, ngoài việc gửi thông báo nợ thuế đến người nộp thuế qua đường bưu điện, Cục Thuế Nghệ An đã phối hợp với Viễn thông Nghệ An triển khai dịch vụ nhắn tin đôn đốc nộp tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp đến số điện thoại của người đứng đầu doanh nghiệp, qua đó, nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành nộp thuế. Ngoài ra, Cục Thuế thường xuyên tham mưu UBND các huyện, thành phố, thị xã thành lập các ban chỉ đạo và đoàn liên ngành triển khai công tác thu nợ và cưỡng chế nợ thuế trên địa bàn.
 
Đặc biệt, cục đã thực hiện nghiêm túc và quyết liệt các biện pháp theo quy định tại Luật Quản lý thuế để thu hồi nợ đọng như: Thông báo tiền chậm nộp; đưa thông tin người nộp thuế chây ỳ nợ thuế lên các phương tiện thông tin đại chúng; biểu dương các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế. Đồng thời, qua các phương tiện thông tin đại chúng, phê bình các đơn vị, doanh nghiệp để nợ đọng thuế.
 
Ngành Thuế đã đưa ra một số giải pháp để thu nợ đọng thuế, chống thất thu như tham mưu với các cơ quan chức năng, các chính quyền địa phương trong việc đôn đốc doanh nghiệp nộp thuế, sử dụng đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện Luật Thuế, phân loại các khoản nợ để áp dụng các  biện pháp cưỡng chế. Thậm chí có thể dùng biện pháp mạnh đối với các doanh nghiệp, cá nhân cố tình dây dưa trốn thuế, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra nhằm xử lý nghiêm minh theo pháp luật. 
 
Tuy nhiên, để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu nợ đọng thuế được Tổng cục Thuế giao là hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo kiên quyết, phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng với các sở, ban, ngành trên địa bàn. Khi thấy cần thiết, sẽ chuyển hồ sơ trốn thuế, cố tình chây ỳ không chịu nộp thuế của các tổ chức doanh nghiệp và cá nhân tới cơ quan thẩm quyền xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Hoa Lê

Các tin khác