Kinh tế xã hội

Đảng bộ huyện Con Cuông

Lãnh đạo xoá đói, giảm nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số

09:53, 27/07/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Con Cuông là huyện núi cao biên giới, có 55,5 km đường biên giới với nước bạn Lào. Toàn huyện có 13 đơn vị hành chính gồm 12 xã và 1 thị trấn. Con Cuông có diện tích tự nhiên 174.451,15 ha; dân số có 15.905 hộ với trên 67.000 nhân khẩu thuộc 8 dân tộc: Thái, Kinh, Đan Lai, Hoa, Tày, Nùng, Khơ Mú, Ê Đê cùng chung sống hoà thuận. Trong đó, dân tộc Thái chiếm 70%, Kinh 25%, còn lại các dân tộc khác.

Thực hiện  chủ trương của Đảng về việc “phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số”, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và các cấp ủy cơ sở, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở huyện Con Cuông đã có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ nét, an ninh - quốc phòng được đảm bảo. Có sự khởi sắc trong việc xoá đói, giảm nghèo tại huyện trước hết là do sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị toàn huyện. Các cấp uỷ luôn quan tâm đầu tư, khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội trong vùng dân tộc thiểu số, với quan điểm đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, ưu tiên đầu tư các dự án có hiệu quả trong vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng vùng sâu, vùng cao, biên giới.

Phong trào xóa đói, giảm nghèo ở Con Cuông được thể hiện ở những vấn đề sau:

Thứ nhất: Triệt để khai thác điều kiện tự nhiên thuận lợi trong phát triển kinh tế

Con Cuông có rừng và đất rừng rộng tạo lợi thế về phát triển nông nghiệp, nhất là sản xuất và chăn nuôi đại gia súc. Để phát huy tốt những lợi thế đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XXV nhiệm kỳ 2010 - 2015 của huyện đã chỉ rõ: “Trong những năm tới, kinh tế chủ lực của huyện vẫn là nông nghiệp… đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nhất là kinh tế rừng và đất rừng, xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng, chăn nuôi trâu bò hàng hoá là mũi nhọn, đồng thời đẩy mạnh công nghiệp và thương mại dịch vụ du lịch sinh thái rừng. Khai thác có hiệu quả, tiềm năng lợi thế của địa phương”.

123
Vườn cam của gia đình ông Lê Cường, cho thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm

Với việc xác định và phát huy đúng tiềm năng, lợi thế của huyện nên những năm qua, sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện. Diện tích trồng lúa năm của 2013 của huyện là 1.760 ha, đạt 106,5% kế hoạch, đặc biệt đã đưa gần 100% các giống lúa mới có năng suất cao vào gieo trồng, nên tổng sản lượng thu hoạch đạt 29.300 tấn, đạt 114,4% kế hoạch. Việc đưa các giống lúa mới vào sản xuất không chỉ giúp phòng tránh được các loại dịch bệnh mà năng suất cũng được tăng lên, giúp nhiều hộ đồng bào có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc đưa các loại giống mới vào gieo trồng thì việc chuyển dịch cây con, mùa vụ cũng được huyện chú trọng. Công tác thuỷ lợi của toàn huyện được quan tâm, việc phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi được chú trọng. Việc làm này không chỉ giúp giảm chi phí trong sản xuất mà còn giải quyết được bài toán thừa lao động của địa phương, nhất là trong việc triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn và phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng...

Đảng bộ cũng rất chú trọng chỉ đạo việc nuôi trồng thủy sản, diện tích mặt nước toàn huyện có 20.000 ha sông suối, có khả năng nuôi trồng thủy sản, trong đó thâm canh việc nuôi cá lồng trên sông, suối vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, hiện nay, việc nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi, do dịch bệnh, giá con giống, thức ăn, điện, xăng, dầu, vật tư luôn ở mức cao, giá cá nuôi thành phẩm và các loại thuỷ sản khai thác giảm mạnh; việc khai thác vàng sa khoáng tại thượng nguồn sông Lam ở huyện Tương Dương gây ô nhiễm môi trường nước đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Trước những khó khăn trên, để hỗ trợ cho đồng bào trong nuôi trồng, Đảng bộ đã chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát lập danh sách hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tái sản xuất để đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ như cho vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ tiền đóng lồng nuôi, tạo điều kiện giúp bà con phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm khác.

Phát huy thế mạnh đồng cỏ tự nhiên và nguồn thức ăn nhiều, huyện chủ trương phát triển chăn nuôi gia súc, việc phát triển đàn trâu, bò được đồng bào đầu tư phát triển. Năm 2013, toàn huyện nuôi gần 40.000 con trâu, bò, các địa phương đã tận dụng tối đa quỹ đất bạc màu, đất ở các bờ sông, suối để trồng cỏ chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi thực sự giúp cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhờ có chủ trương đúng đắn trong việc phát huy lợi thế của địa phương để tăng năng suất của cây lúa nước, mở rộng nuôi trồng thủy sản và phát triển chăn nuôi gia súc, nên đồng bào các dân tộc thiểu số huyện đã có cuộc sống ổn định hơn, tỉ lệ các hộ gia đình khá giả tăng; có gia đình thu nhập hàng năm lên tới trên 400 triệu đồng nhờ trồng cam, chè công nghiệp, trên 200 triệu đồng nhờ chăn nuôi trâu bò, dê.

Thứ hai: Biết tranh thủ các nguồn lực

Đảng bộ huyện Con Cuông quán triệt chủ trương “Tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huy động vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm như giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, sản xuất nông nghiệp, nông thôn mới”. Chủ trương này đã giúp các hộ nghèo có nhiều cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ các chương trình như Chương trình 135; Chương trình 134-CP, Chương trình 167… nhằm cải thiện điều kiện sống của đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình xóa đói giảm nghèo; chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chương trình bảo hiểm y tế cho người nghèo... Những chương trình và chính sách này đã làm gia tăng các cơ hội cho các hộ nghèo hưởng lợi từ thành tựu phát triển kinh tế và giúp họ cải thiện điều kiện sống cũng như tăng cơ hội để thoát nghèo.

123
Bà con Chi Khê làm đường giao thông thôn bản

Để triển khai công tác xóa đói giảm nghèo có hiệu quả, Đảng bộ đã thành lập ban chỉ đạo công tác xóa đói giảm nghèo các cấp. Theo đó, tiến hành củng cố và kiện toàn bộ máy, xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, hàng năm ban chỉ đạo các cấp đều xây dựng kế hoạch công tác và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án. Đặc biệt, các dự án vay vốn phục vụ chương trình giảm nghèo, như dự án vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, vay vốn hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và các nguồn vốn tài trợ khác… Theo đó, các chương trình, dự án đã góp phần tạo được nguồn vốn không nhỏ cho đồng bào, như hỗ trợ trực tiếp cho 7 xã nằm trong Chương trình 135-CP với kinh phí đầu tư gần 1 tỉ đồng/xã/năm; vốn cho đất sản xuất và bảo tồn tộc người Đan Lai; về xây dựng mới và xóa bỏ nhà tạm. Ngoài ra, mặt trận và các tổ chức thành viên còn vận động, quyên góp từ các nguồn lực trong và ngoài huyện để xây dựng được hơn 3.500 ngôi nhà cho các hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền hơn 3 tỉ đồng… Nhờ tranh thủ tốt các nguồn lực của Trung ương và địa phương nên đã tạo thế và lực cho huyện Con Cuông làm tốt và có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thứ ba: Tích cực khơi dậy tính cần cù, chịu khó của đồng bào để vượt khó, vươn lên thoát nghèo

Với chủ trương “Tích cực vận động nhân dân, tạo mọi điều kiện để khuyến khích phát triển kinh tế, thi đua xoá đói, giảm nghèo”. Đây là yếu tố chủ đạo cho công cuộc thoát nghèo bền vững, bởi nếu không có sự vận động đồng bào chịu khó làm ăn, biết tính toán thì dù tài nguyên thiên nhiên có ưu đãi cũng như sự hỗ trợ về mọi mặt của Nhà nước hay cộng đồng thì cũng rất khó để thoát nghèo. Trên thực tế đã có rất nhiều gia đình của đồng bào khi được thụ hưởng hỗ trợ bằng vật chất của Đảng, Nhà nước đã thoát nghèo, nhưng sau đó lại tái nghèo trở lại. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động đồng bào cần cù chịu khó trong lao động, biết tính toán làm ăn, ý thức tự lực, tự cường, không chịu bó tay trước hoàn cảnh khó khăn, quyết chí vươn lên là nhân tố hết sức quan trọng để vươn thoát khỏi đói nghèo bền vững của đồng bào các dân tộc. Trong 3 năm qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động đóng góp của người dân 15.761.162.212 đồng, làm mới 74 km đường giao thông nông thôn.

Có thể thấy, trong 3 năm qua , số hộ nghèo trong huyện đã giảm rõ rệt, từ gần 50% hộ nghèo năm 2011, đến năm 2013 đã giảm xuống còn 35,7% và 25% trong 6 tháng đầu năm 2014. Đồng thời, tỉ lệ các gia đình khá giả và giàu có ngày một tăng. Vì vậy, đồng bào yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quyết chí vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Phùng Văn Mùi

Các tin khác