(Congannghean.vn)-Đến vùng đất hoa màu của xã Tam Sơn (Anh Sơn), chúng tôi không khỏi bất ngờ trước những đoàn quân cào cào dày đặc đang di chuyển và tấn công, tàn phá cây trồng của bà con nơi đây. Theo phản ánh của người dân, đầu tiên cào cào gây hại trên cỏ dại, sau đó tấn công sang cỏ sữa vốn để chăn nuôi trâu bò, rồi chuyển sang tấn công những cánh rừng mét. Cào cào phát triển với mật độ dày, 200 - 300 con/m2, có nơi 500 con/m2. Sau một thời gian không lâu, toàn bộ diện tích này đều bị cào cào ăn trụi. Sau nữa, đoàn quân cào cào tiếp tục tràn qua diện tích ngô của bà con. Trên các cánh đồng hoa màu ở xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn, nơi nạn cào cào hoành hành dữ dội nhất, người dân đang tích cực diệt trừ.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 1, xã Tam Sơn vừa đuổi cào cào, vừa dẫn chúng tôi đi thăm diện tích ngô bị cào cào phá trơ trụi, buồn rầu nói: "Thời gian đầu phát hiện, cào cào non chỉ bám chặt trên lá và thân cây ngô theo từng ổ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cào cào đã phát triển to bằng đầu đũa, có thể bay, nhảy phát tán ra vùng xung quanh rất nhanh. Vụ hè thu 2014, gia đình tôi gieo trồng 6 sào ngô. Khi ngô đang kỳ trổ bông thì từng đàn cào cào xuất hiện. Gia đình đã chủ động mua thuốc về phun khắp lượt, cào cào chết khá nhiều nhưng chỉ được 1 tuần, chúng lại hình thành lứa khác, hoặc từ nơi khác chuyển đến cắn phá. Nhìn cánh đồng ngô bị cào cào phá tan hoang, chỉ còn vài cái lá xơ xác mà đau lòng, vụ này coi như mất trắng".
Hàng trăm diện tích ngô ở xã Tam Sơn, Anh Sơn bị cào cào cắn lá xơ xác nên người dân phải chặt bỏ |
Ngoài việc phun thuốc thì một số người dân đành chọn giải pháp “đuổi cào cào đi nơi khác”. Có hộ gia đình hàng ngày ra cánh đồng ngô bắt cào cào bỏ bao đem về làm thức ăn cho gà. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến nay trên địa bàn huyện Anh Sơn, đã có trên 500 ha ngô bị cào cào cắn lá, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng. Điển hình như xã Tam Sơn, Thành Sơn, Cẩm Sơn, Đỉnh Sơn và xã Bồng Khê thuộc huyện Con Cuông (vì đây là xã giáp ranh với xã Tam Sơn, Anh Sơn) bị cào cào tràn sang gây hại. Điều nguy hiểm là đàn cào cào càng lớn thì mức gây hại cho những diện tích hoa màu càng nặng. Những con cào cào to bằng ngón tay xuất hiện trên cánh đồng ngô và một số cây trồng khác đã trở thành nỗi lo sợ với người nông dân. Chúng sinh trưởng rất nhanh, một tuần sau đã thành một đàn lớn và bắt đầu cắn phá dữ dội.
Trước việc cào cào tàn phá hoa màu, chính quyền các xã đã phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật huyện thành lập đoàn kiểm tra trực tiếp xuống các điểm có cào cào gây hại để xác định mật độ, mức độ gây hại và chỉ đạo nhân dân phun thuốc diệt cào cào. Tuy nhiên, do người dân diệt trừ không đồng loạt, cánh đồng lại rộng lớn nên khi tiến hành tiêu diệt, đội quân cào cào lại bay nhảy sang cánh đồng khác nên rất khó khống chế. Do đó, cùng với sự nỗ lực của địa phương trong việc không để đàn cào cào lan rộng thì ở những vùng bị cào cào tấn công rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ngành của huyện và tỉnh để sớm dập tắt dịch cào cào gây hại trên cây trồng vụ hè thu 2014. Đặc biệt là sự giúp đỡ của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh trong việc khảo sát và đưa ra biện pháp diệt trừ triệt để các ổ cào cào còn trú ngụ trong các cây trồng khác như tre mét, cỏ sữa…