(Congannghean.vn)-Với những tiện ích vốn có, thức ăn đường phố đã và đang tồn tại khách quan theo quy luật của phát triển đô thị hiện nay. Tuy nhiên, với những tác hại gây ra, để thức ăn đường phố đảm bảo yếu tố vệ sinh, an toàn, mỹ quan đô thị thì đang rất cần sự vào cuộc tích cực của cả cộng đồng. Sau 1 tháng ra quân triển khai "Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm - An toàn thực phẩm thức ăn đường phố", từ "những con số biết nói" cho thấy cộng đồng cần quan tâm, chú trọng hơn nữa trong vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe của mỗi người.
Theo thống kê của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An, trong năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm, 265 người mắc và 1 trường hợp tử vong, trong đó ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố chiếm khoảng 5%. Tác nhân gây ô nhiễm thức ăn đường phố thường là vi sinh vật gây bệnh, hóa chất độc hại được phát hiện từ nguyên liệu, phụ gia chế biến thức ăn; nước đá uống, nước nấu ăn; dụng cụ sơ chế, chế biến, dụng cụ ăn uống; nơi kinh doanh bị ô nhiễm bởi bụi bẩn, ruồi, côn trùng; do bảo quản và vận chuyển thức ăn không đảm bảo vệ sinh và do bàn tay của người chế biến gây ô nhiễm thức ăn.
Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định, thức ăn đường phố phải đảm bảo 10 tiêu chuẩn (đảm bảo đủ nước sạch; có dụng cụ riêng gắp thức ăn chín; không để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống, rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm; nhân viên phải có tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng...) thì có đến 90% hàng quán hiện nay vi phạm và 100% người bán hàng rong không qua lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Đào Trọng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Nghệ An: Thực hiện Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 1/4/2014 của UBND tỉnh về việc triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2014 tỉnh Nghệ An, Chi cục đã tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh ra Quyết định số 1353/QĐ-UBND.VX ngày 4/4/2013 của UBND tỉnh về việc thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về đảm bảo an toàn thực phẩm dịp “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2014 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cụ thể, tại tuyến huyện (thị xã, thành phố Vinh): Ngành Y tế (phòng Y tế; Trung tâm Y tế); ngành Công thương; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan tham mưu UBND huyện (thị xã, thành phố Vinh) thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành trực tiếp tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn. Còn ở tuyến xã (phường, thị trấn): UBND xã thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về VSATTP tuyến xã để tiến hành thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn theo thẩm quyền.
Nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm |
Sau 1 tháng triển khai, từ 15/4 đến 15/5/2014, đã thành lập 466 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó 1 đoàn tuyến tỉnh, 24 đoàn tuyến huyện và 441 đoàn tuyến xã, tiến hành kiểm tra 8.236/15.442 cơ sở. Trong đó 6.854 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm 83,22%. Cụ thể, ở loại hình cơ sở thực phẩm sản xuất, chế biến đã kiểm tra 870/1.953 cơ sở, kết quả có 662 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 76,09%); ở loại hình dịch vụ ăn uống đã kiểm tra 3.196/4.937 cơ sở, kết quả có 2.632 cơ sở đạt (chiếm 82,35%); loại hình kinh doanh đã kiểm tra 4.170/8.552 cơ sở kinh doanh, kết quả có 3.560 cơ sở đạt (chiếm 85,37%). Các đoàn đã tiến hành lập biên bản vi phạm với 1.382 cơ sở vi phạm, xử lý 374 trường hợp với các nội dung vi phạm chủ yếu như: Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm; về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm; về sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm; vi phạm quy định về sử dụng vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm...
Qua đánh giá cho thấy, tại một số địa phương, công tác triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm dịp “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” diễn ra chậm so với quy định và công tác phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể còn hạn chế, quy trình chế biến thực phẩm chưa thực hiện đúng theo nguyên tắc một chiều. Ở một số huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa, công tác quản lý về an toàn thực phẩm chưa đáp ứng theo quy định của pháp luật, công tác xử lý vi phạm hành chính chưa nghiêm minh, chủ yếu là nhắc nhở. Vì vậy, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm chỉ đạo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm quyết liệt hơn nữa.
Tại các địa phương cần tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành và liên ngành theo quy định, xử lý hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn theo đúng pháp luật, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm cho người dân, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa cũng như kinh phí, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm được tốt hơn.
.