Kinh tế xã hội

Văn hóa kinh doanh và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm

15:37, 14/04/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin sữa ngô - một loại thức uống thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng sử dụng vào những ngày hè nóng bức được sản xuất bằng một công nghệ siêu lợi nhuận. Theo đó, chỉ với 90.000 đồng cho 2 chai tinh dầu sữa và tinh dầu ngô là có thể chế biến được khoảng 100 lít sữa ngô. Trong khi đó, theo tính toán, để làm được chừng ấy lít sữa ngô thông thường sẽ phải bỏ ra chi phí gấp 10 lần cho việc mua sữa tươi chế biến. Chính vì “một vốn bốn lời” như vậy, nên nhiều người sản xuất đã bỏ qua vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để vô tư pha chế và cung cấp ra thị trường những sản phẩm có hại cho sức khỏe.
 
Điều đáng nói là, các nhà sản xuất đều biết rõ tác hại của các loại chất tinh dầu không rõ nguồn gốc, xuất xứ dùng để pha chế này, nhưng vẫn sử dụng chúng trong sản phẩm của mình. Phải chăng, sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng đã bị gác qua một bên, nhường chỗ cho mục tiêu lợi nhuận? Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 người mới mắc ung thư và 75.000 người trong số đó tử vong vì căn bệnh nan y này. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỉ lệ người mắc ung thư cao nhất thế giới. Những con số “biết nói” nêu trên quả thực rất đáng báo động!
 
Chúng ta hoàn toàn có thể cảm thông với mối quan ngại của các bà, các cô nội trợ trước chất lượng của thực phẩm lưu hành trên thị trường. Họ thấp thỏm, lo lắng mỗi khi ra chợ, không dám mua một bó rau non, xanh mướt vì sợ dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật; không dám mua một cân thịt ngon vì sợ vật nuôi sử dụng thức ăn siêu tăng trọng. Bên cạnh đó là việc sử dụng hóa chất có hại cho sức khỏe để chế biến và bảo quản thực phẩm đã trở thành phổ biến; việc giết mổ, lưu thông, buôn bán trên thị trường thịt của những con gia súc, gia cầm bị bệnh. Dịch cúm gia cầm rồi mới đây là dịch lở mồm long móng ở đàn gia súc bùng phát và lan rộng trên nhiều tỉnh thành do nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là do người chăn nuôi đã không lường hết được hậu quả, bất chấp sức khỏe của chính bản thân và người tiêu dùng, sẵn sàng mang gia súc, gia cầm ra thị trường tiêu thụ khi chưa tiêm phòng và chưa có sự kiểm dịch của cơ quan thú y. Thậm chí, một số người chăn nuôi còn cố tình tẩu tán, lén lút buôn bán gia súc, gia cầm có dấu hiệu bị bệnh.
 
Đã đến lúc vấn đề đạo đức trong kinh doanh cần phải được quan tâm, coi trọng. Mỗi người kinh doanh cần phải thấm nhuần tiêu chí “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Tin chắc rằng, khi người kinh doanh, buôn bán biết điều chỉnh hài hòa giữa quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và lợi nhuận thì lúc đó thương hiệu sẽ dần được khẳng định. Đó đồng thời là tiền đề quan trọng để hình thành văn hóa kinh doanh. Trong thời kì hội nhập hiện nay, hơn lúc nào hết, văn hóa kinh doanh cần phải được đặc biệt chú trọng, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, bởi đó là loại hàng hóa đặc biệt, gắn liền với nhu cầu thiết yếu hàng ngày, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mỗi người dân.

Minh Tuấn

Các tin khác