Kinh tế xã hội

Đổ tiền đi tìm 'bảo bối' công nghệ

14:20, 13/04/2014 (GMT+7)
Thực tế cho thấy, DN nào tập trung cho đổi mới công nghệ luôn có nền tảng phát triển vững chắc, vượt qua mọi khó khăn thách thức và đem lại thành công lớn với hiệu qủa kinh doanh ngày càng cao.
 
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam là quốc gia có chỉ số đổi mới công nghệ thấp nhất khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ sử dụng công nghệ cao chỉ vào khoảng 20%.
 
DN là trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ, nhưng khảo sát cho thấy việc sử dụng vốn cho hoạt động này chủ yếu tập trung ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài, với 90,6% tổng nguồn vốn thực hiện. Ðối với các DNNN, vốn dành cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm 8,7%, DN ngoài nhà nước chỉ chiếm 0,67%.
 
Nhiều DN trong nước đang sử dụng các công nghệ tụt hậu từ hai, ba thế hệ, chưa làm chủ được công nghệ nguồn, chậm đổi mới. Sự lạc hậu về công nghệ và kỹ thuật đã và đang tạo ra các sản phẩm có chất lượng thấp và không ổn định, làm hạn chế khả năng cạnh tranh, làm cho giá thành các sản phẩm trong nước thường cao hơn các sản phẩm nhập khẩu từ 20-40%.
 
Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bên cạnh đó cũng đã ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương, sắp tới sẽ tham gia Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội mở ra rất lớn song đây cũng là thách thức lớn với các DN, bắt buộc phải có sự đổi mới về công nghệ để qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh.
 
Đổi mới công nghệ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông
Đổi mới công nghệ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông
Thực tế cho thấy, DN nào tập trung cho đổi mới công nghệ luôn có nền tảng phát triển vững chắc, vượt qua mọi khó khăn thách thức và đem lại thành công lớn với hiệu qủa kinh doanh ngày càng cao.
 
Thành công đột phá nhờ công nghệ
 
Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông ngay từ năm 1990 đã xác định phải đổi mới công nghệ để phát triển. Thời điểm này vốn không có, công ty đã phát huy được tối đa nhân tố con người, tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại lao động, đổi mới cơ chế điều hành... Kết quả, sau 4 năm, sản lượng năm 1993 tăng gấp 2,27 lần so với 1990, doanh thu tăng 5,5 lần. Năm 1990 DN vẫn còn lỗ nhưng chỉ một năm sau, từ năm 1991, đã có lãi và năm sau cao hơn năm trước.
 
Đến năm 1994, công ty đã huy động nguồn vốn 8,4 tỷ đồng, lấy từ tiền thưởng của cán bộ công nhân viên để đầu tư máy móc, như máy thổi vỏ bóng tự động, khi đó đang là khâu vướng mắc nhất gây hạn chế sản lượng bóng đèn. Kết quả đạt được là tới năm 1997, so với năm 1993 giá trị tổng sản lượng của Rạng Đông tăng lên 2,35 lần, doanh thu tăng 2,42 lần, đạt gần 100 tỷ đồng, các sản phẩm chủ yếu là bóng đèn từ 10,5 triệu tăng lên 22,27 triệu, sản phẩm phích từ 862 nghìn tăng lên 2 triệu chiếc.
 
Dấu ấn đổi mới công nghệ của Rạng Đông là giai đoạn 1998-2004. Khi đó, Rạng Đông đã ngừng toàn bộ hệ thống khí hóa than vừa gây bụi vừa độc hại, chuyển sang dùng gas. Đầu tư dây chuyền huỳnh quang hiện đại. Kết quả là doanh số tiêu thụ của công ty tăng từ 108,8 tỷ (1998) lên 399,38 tỷ (2004).
 
Với quá trình tái cấu trúc năm 2006-2010 về phân bổ lại nguồn lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ nên Rạng Đông có nền tảng vững chắc để phát triển bất chấp khủng hoảng kinh tế diễn ra. Năm 2012 doanh thu của công ty đạt 2.208 tỷ, tăng 16,2% so với 2011, về đích trước 3 năm so với mục tiêu đề ra đến năm 2015 doanh thu đạt trên 2.000 tỷ.
 
Hàng năm, Rạng Đông dành 2% doanh thu để đầu tư phát triển năng lực công nghệ và các dây chuyền sản xuất tiên tiến. Năm 2013 quyết định trích 20% lợi nhuận sau thuế cho nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó Trung tâm nghiên cứu R&D Rạng Đông trở thành hạt nhân phát triển tiềm lực khoa học công nghệ của công ty, nền tảng của sự phát triển bền vững. Đến nay Trung tâm đã tập hợp được đội ngũ những nhà khoa học đầu ngành, nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học đầu ngành về nguồn sáng, điện tử, hóa vật liệu, kỹ thuật chiếu sáng và các lĩnh vực khác.
 
Giảm giá sản phẩm bằng đổi mới
 
Tại Bình Dương, Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I được coi là một trong những DN đi đầu trong đổi mới sáng tạo, áp dụng các tiến bộ KHCN vào trong sản xuất. Trong thời gian qua, công ty đã đầu tư hơn 397 tỷ đồng để đổi mới công nghệ trong sản xuất như hệ thống máy đùn đất, hệ thống phun men, rô-bốt sản xuất sản phẩm...
 
Chuyển đổi lò từ nung bằng củi sang nung bằng gas là bước tiến quan trọng trong sản xuất gốm
Chuyển đổi lò từ nung bằng củi sang nung bằng gas là bước tiến quan trọng trong sản xuất gốm
Việc chuyển đổi từ lò nung bằng củi sang lò nung bằng gas giúp Minh Long I sản xuất ra những mặt hàng có chất lượng ổn định, đồng bộ và giá trị cao hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với quy trình sản xuất, Minh Long I đã đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, trang bị hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại như: máy áp lực, máy rót tự động, máy tạo hình trục lăn, máy tạo hình đúc áp lực cao, máy tạo hình dập bột áp lực cao; máy sấy sản phẩm, máy phay khuôn... được nhập khẩu từ các nước Đức, Pháp, Nhật, Ý.
 
Trong khi các cơ sở sản xuất gốm sứ trong nước còn sử dụng công nghệ cũ, thì Minh Long I đã đầu tư hàng triệu đôla Mỹ để nhập lò nung của châu Âu, thuê kỹ sư nước ngoài lắp ráp cùng với những bí quyết sáng tạo riêng như thêm bớt các chi tiết của lò nung để có thể điều chỉnh ngọn lửa phù hợp với màu men độc đáo, tạo sự mịn màng, chiều sâu cho màu men.
 
Trong quá trình sử dụng, một số thiết bị máy móc hiện đại không phù hợp với yêu cầu sản xuất, Minh Long I đã cải tiến để hoàn thiện theo ý tưởng sản xuất của riêng mình, như chế tạo thành công khuôn đúc bằng thủy lực cho máy dập ép thủy lực cao, chế tạo máy phối men - màu tự động...
 
Nếu không có công nghệ thì không thể hạ giá thành sản phẩm được. DN này cho biết, đã dùng công nghệ để có thể tiết kiệm phế phẩm sản xuất, tăng năng suất vượt bậc, từ đó cho ra những sản phẩm có giá thành cạnh tranh hơn. Nhờ đầu tư công nghệ mới, đến nay Minh Long I giảm tiêu hao năng lượng tới 70%, giảm phế phẩm từ vài chục phần trăm còn 5%-10%, nâng công suất máy từ 20.000 sản phẩm/ngày đến 100.000 sản phẩm/ngày.
 
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, công nghệ không chỉ là thiết bị, kỹ thuật và đổi mới công nghệ không chỉ là đổi mới thiết bị, mà công nghệ còn là quản trị theo kiểu mới, là sự phối hợp chung của nhiều yếu tố, từ phần cứng, phần mềm, quy trình, dây chuyền... nói tóm lại, nó bao trùm hết hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Đổi mới công nghệ và quản trị chính là câu chuyện sống còn của DN ở thời điểm hiện nay. Khi xuất hiện khủng hoảng cũng là cơ hội để cơ cấu lại hệ thống, tiến hành cải tạo DN, tạo ra các giá trị mới. Càng hội nhập sâu với kinh tế thế giới, càng cạnh tranh khốc liệt hơn với hàng hóa dịch vụ các nước, thì tầm quan trọng của năng suất, chất lượng... càng phải được đổi mới.

Nguồn: VEF

Các tin khác