Kinh tế xã hội

Cơ hội bứt phá cho thị trường viễn thông

10:25, 11/04/2014 (GMT+7)
MobiFone "ra ở riêng"
Trong những năm qua, viễn thông có vai trò quan trọng và đóng góp to lớn cho sự phát triển đất nước. Từ một quốc gia còn lạc hậu về công nghệ thông tin, nước ta đã đi tắt đón đầu, tiếp cận công nghệ tiên tiến của thế giới, xây dựng một ngành viễn thông hiện đại, với những doanh nghiệp khẳng định được vị thế, uy tín thương hiệu như VNPT, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).
Tính riêng năm 2013, tổng doanh thu mà các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đóng góp cho nền kinh tế đạt 174.200 tỷ đồng, riêng hai tập đoàn VNPT và Viettel đã đóng góp hơn 25 nghìn tỷ đồng, tương đương 14,8%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của VNPT có xu thế chậm lại, bộc lộ nhiều bất hợp lý về mô hình tổ chức và cơ chế quản lý, khiến sức cạnh tranh suy giảm,... Do đó, tái cơ cấu VNPT trở thành yêu cầu bức thiết nhằm hướng đến sự đổi mới, đồng thời để củng cố, tổ chức lại một thị trường viễn thông có môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Mới đây, ngày 7-4, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 142/TB-VPCP truyền đạt kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu VNPT theo hướng: Điều chuyển nguyên trạng Công ty Thông tin di động (VMS) về Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) quản lý. Bộ TTTT được giao nhiệm vụ xây dựng phương án cổ phần hóa (CPH) VMS, trong đó làm rõ và kiến nghị việc sử dụng số tiền thu được, trình Thủ tướng phê duyệt để thực hiện trong năm 2014.
Quyết định trên nhận được nhiều sự đồng thuận từ phía các chuyên gia, vì việc tách và cổ phần hóa VMS, công ty hiện đang khai thác dịch vụ thông tin di động với thương hiệu MobiFone khả năng dễ thành công hơn các phương án khác. Cục trưởng Viễn thông (Bộ TTTT) Phạm Hồng Hải chia sẻ: MobiFone là thương hiệu lớn, được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động và giá trị trên thị trường, nên khi cổ phần hóa sẽ thuận lợi hơn, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng về tài chính và công nghệ, mang lại lợi ích cao hơn cho DN và Nhà nước. VMS cũng đã tự thiết lập một mạng lưới viễn thông, kinh doanh hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc, hạch toán độc lập về tài chính, nên việc tách VMS ra khỏi VNPT rất thuận lợi, có thể thực hiện nhanh, không ảnh hưởng đến sự hoạt động của các đơn vị còn lại trong VNPT.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng kết luận: Không chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại 62 công ty cổ phần nêu trong đề án và hệ thống vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2 ra khỏi VNPT. Điều này tuy gây nhiều khó khăn về tài chính cho VNPT, vì sau TCC đơn vị này sẽ mất đi nguồn đóng góp lớn về doanh thu và lợi nhuận từ VMS mà không có giải pháp điều chuyển các đơn vị hoạt động yếu kém ra khỏi tập đoàn.
Nhưng mặt khác, lại tạo ra bức tranh tài chính "trong sạch" cho VMS, giúp đẩy nhanh quá trình CPH, tạo bứt phá cho sự phát triển của DN này trong thời gian tới, phấn đấu đưa DN trở thành một tập đoàn viễn thông lớn mạnh, có sức cạnh tranh cao như trong Đề án đã nêu rõ.
Tiếp động lực cho VNPT phát triển
Nguyên Thứ trưởng Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TTTT), TS Mai Liêm Trực cho rằng: Việc tái cơ cấu, tách VMS ra khỏi VNPT là đúng và cần thiết. Việc VNPT gặp khó khăn trong một, hai năm đầu là không tránh khỏi, nhưng nếu có phương án tái cấu trúc về sản phẩm, quản trị DN, quản trị kinh doanh tốt, VNPT sẽ nhanh chóng lấy lại được sự phát triển ổn định và vững mạnh. Cùng quan điểm trên, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Mô hình hoạt động hiện nay của VNPT đang bộc lộ rất nhiều yếu kém. Với hình thức quản trị kinh doanh lạc hậu, hạch toán phụ thuộc kéo dài quá lâu, luôn duy trì tình trạng trên bao cấp dưới, khiến các đơn vị thuộc Tập đoàn có tâm lý trông chờ, ỷ lại, nên VNPT mất dần sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong mảng kinh doanh mạng thông tin di động Vinaphone. Vì vậy, sau TCC, khi phải chịu sức ép cạnh tranh không chỉ từ đối thủ truyền thống như Viettel, mà còn từ chính "người anh em" MobiFone, sẽ chính là động lực và thời cơ để VNPT tổ chức thật tốt lại bộ máy hoạt động và mạng lưới kinh doanh của mình, đồng thời thực hiện việc thoái vốn khỏi các đơn vị hoạt động kém hiệu quả hoặc kinh doanh không đúng ngành nghề quy định, nhằm bảo đảm sự ổn định về tài chính của Tập đoàn trong tương lai. Nhờ nguồn vốn được bù đắp từ CPH MobiFone, VNPT có thể tập trung nguồn lực vào đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh chính, với trọng tâm là xây dựng Vinaphone trở thành một thương hiệu mạnh, lợi nhuận cao, có khả năng cạnh tranh với các thương hiệu viễn thông lớn khác trong nước và khu vực.
Các đơn vị còn lại thuộc VNPT sẽ được tổ chức lại theo hướng hình thành các DN hoạt động chuyên môn hóa, chuyên nghiệp về quản lý khai thác mạng lưới, kinh doanh dịch vụ và bán hàng, nhằm từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tính tự chủ của các đơn vị thành viên.
Thêm nữa, việc hai vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2 đã chuẩn bị hết khấu hao và đem lại tiềm năng lợi nhuận lớn trong thời gian tới, sẽ giúp giảm bớt áp lực về mặt tài chính cho Tập đoàn. Ngay sau khi Thủ tướng chính thức phê duyệt Đề án, việc cải tổ lại bộ máy hoạt động sản xuất, kinh doanh của VNPT sẽ được triển khai lập tức, tích cực và rộng khắp toàn tập đoàn. Tin rằng, trong thời gian ngắn sắp tới, sẽ có những thay đổi mang lại hiệu quả rõ rệt, tiếp thêm động lực để VNPT tiếp tục phát triển vững mạnh, xứng đáng với vai trò nòng cốt trong ngành viễn thông nước ta. Bộ cũng đang lên kế hoạch tiến hành CPH VNPT vào một thời điểm thích hợp, nhằm thực hiện chủ trương thoái vốn khỏi những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ 100% cổ phần.
Nói về định hướng phát triển sau CPH, Chủ tịch HĐTV Công ty VMS Lê Ngọc Minh cho biết: MobiFone không chỉ là một thương hiệu đã thành danh trên thị trường, mà còn là một bộ máy tổ chức có đội ngũ nhân sự trưởng thành, nhiều kinh nghiệm. Với quy mô hoạt động và mức doanh thu, lợi nhuận cao như hiện nay, nhu cầu được tự chủ, độc lập của MobiFone ngày càng bức thiết; nhằm chủ động hơn trong việc đầu tư phát triển.
Việc được tách khỏi VNPT và CPH là cơ hội lớn cho MobiFone, tạo điều kiện để DN chủ động sáng tạo, nâng cao hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh, nhằm mở rộng quy mô phát triển trên thị trường. Hiện MobiFone chỉ chuyên về mảng thông tin di động, nhưng khi trở thành một DN độc lập, sẽ triển khai kinh doanh đa dạng hơn trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định: Việc CPH VMS thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong chủ trương đa dạng hóa thành phần sở hữu, huy động mọi nguồn lực từ xã hội để thị trường viễn thông phát triển lành mạnh hơn, đem lại nhiều lợi ích cho đất nước và người tiêu dùng. Thực ra, quá trình CPH VMS đã được triển khai từ nhiều năm trước, hiện nay đang được triển khai những bước cuối cùng. Trong thời gian tới, sau khi Bộ Tài chính hoàn thành việc định giá VMS, Bộ TTTT sẽ trình Thủ tướng phương án CPH doanh nghiệp này; đồng thời tích cực triển khai việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược thích hợp, có tiềm lực kinh tế hùng hậu, trình độ khoa học kỹ thuật cao, dày dạn kinh nghiệm quản lý, để có thể bắt đầu triển khai CPH ngay trong năm nay. Nguồn thu từ CPH sẽ chỉ phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, một phần sẽ được sử dụng bù đắp lại cho VNPT, một phần sẽ tái đầu tư cho MobiFone,...

Theo Nhandan

Các tin khác