Kinh tế xã hội

Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Tiền dân nhưng doanh nghiệp hưởng?

16:56, 10/04/2014 (GMT+7)
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng về bản chất, người tiêu dùng đã phải mua đắt giá xăng cho thời điểm trích lập quỹ, để rồi được trả lại số tiền đó nhờ mua xăng dầu với giá “rẻ” hơn khi xả quỹ. Dường như chỉ có DN xăng dầu luôn được bảo đảm lợi ích cả từ mức trích lợi nhuận định mức cũng như được nhiều hơn mất từ mọi hoạt động thu - chi quỹ bình ổn…
 
Bộ Tài chính vừa công khai số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết quý I-2014. Theo đó, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến ngày 31/3 còn hơn 842 tỷ đồng, tăng hơn 672 tỷ đồng so với cuối năm 2013. 13 trong số 19 doanh nghiệp (DN) có quỹ bình ổn dương.
 
Giảm trích quỹ, số dư vẫn tăng
 
Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền đã trích quỹ trong khoảng thời gian từ đầu năm tới hết ngày 31/3 là trên 1.043 tỷ đồng. Trong khi số tiền đã chi vào thời gian này là hơn 370,7 tỷ đồng. Như vậy, cùng với mức dương cuối năm ngoái là trên 169 tỷ đồng, quỹ bình ổn giá xăng dầu tới hết ngày 31/3 có số dư 842 tỷ đồng. Cụ thể hơn, đi vào số liệu của từng DN, Bộ Tài chính cho biết tính đến hết quý I, có 13 trong tổng số 19 DN đang có quỹ bình ổn dương. Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có số tiền dương lớn nhất với 649,3 tỷ đồng. Tiếp đó là Tổng Công ty Xăng dầu uân đội với 154 tỷ đồng.
 
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh và Công ty XNK Thanh Lễ có số dư lần lượt là 100 và xấp xỉ 109 tỷ đồng. Ngược lại, có 6 doanh nghiệp bị âm quỹ bình ổn, trong đó có Tổng Công ty Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC) với số tiền âm trên 145,8 tỷ đồng, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) âm trên 42,5 tỷ đồng, Công ty cổ phần Hóa lọc dầu Việt Nam cũng âm trên 30 tỷ đồng…
 
Người tiêu dùng mong muốn giá xăng, dầu ổn định
Người tiêu dùng mong muốn giá xăng, dầu ổn định
 
Việc công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu là một hoạt động được Bộ Tài chính thường xuyên cung cấp theo quý, trên cơ sở sử dụng các công cụ điều hành giá xăng dầu. Cụ thể, trong lần điều chỉnh giá xăng, dầu gần nhất vào ngày 1/4, mức trích quỹ bình ổn giá với mặt hàng xăng RON 92 đã giảm 100 đồng xuống còn 200 đồng mỗi lít, còn dầu hoả và dầu diezen đang ngừng sử dụng quỹ. Trước đó, vào đầu tháng 3, khi giá xăng dầu thế giới lên cao, để chia sẻ hài hòa lợi ích người tiêu dùng và DN, ghìm đà tăng của giá bán lẻ, Bộ Tài chính đã cho phép DN sử dụng quỹ bình ổn nhằm bù đắp mức chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán, với các mức 300 đồng một lít/xăng, 170 đồng/ dầu diezen, và 110 đồng/lít dầu hỏa. Đến ngày 19/3, giá xăng lại tăng thêm 180 đồng/lít, lên mức 24.690 đồng/lít…
 
Trước việc Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong 3 tháng đầu năm tăng hơn 672 tỷ đồng và với mức dư khá lớn, dư luận đang kỳ vọng về một đợt điều chỉnh giảm giá, nhất là đối với mặt hàng xăng. Đặc biệt, theo bảng tính giá cơ sở của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, giá xăng A92 mà các DN bán ra trên thị trường đang lỗ 55 đồng, nhưng đây là mức chưa tính mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá 200 đồng/lít; còn các mặt hàng dầu lãi từ 72 đồng đến 111 đồng/lít. Quỹ bình ổn giá được hình thành theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP là 300 đồng/lít (kg) của lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ. Mức trích này cũng sẽ được Bộ Tài chính điều chỉnh phù hợp với những biến động của thị trường. Thời gian thực hiện bắt đầu kể từ ngày 15/12/2009, khi mua mỗi lít xăng, người tiêu dùng sẽ phải bỏ thêm 300 đồng/lít đóng góp hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
 
 
Về cơ chế sử dụng, theo Thông tư 234 của Bộ Tài chính, khi giá thế giới tăng, Quỹ xả ra để bù đắp chênh lệch phát sinh lỗ cho DN, tránh khỏi việc tăng giá bán lẻ. Song, kể từ khi hình thành và hoạt động đến nay, Qũy bình ổn giá xăng dầu chịu khá nhiều điều tiếng về sự thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng trong hoạt động, đặc biệt là sau các đợt xả Quỹ, người dân vẫn phải chấp nhận các đợt tăng giá xăng dầu ở mức kỷ lục. Cụ thể hơn, xăng A92 ngày 15/12/2009 có giá xấp xỉ 16.000 đồng/lít. Sau 5 năm, cùng với sự biến động tăng cao của giá xăng dầu thế giới, giá xăng A92 đã tăng thêm hơn 8.000 đồng/lít.
 
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng về bản chất, người tiêu dùng đã phải mua đắt giá xăng cho thời điểm trích lập quỹ, để rồi được trả lại số tiền đó nhờ mua xăng dầu với giá “rẻ” hơn khi xả quỹ. Dù thực tế người tiêu dùng, dù có thể hưởng lợi ích ít nhiều nhờ không tăng giá xăng dầu khi xả quỹ, song lại luôn chịu thiệt do phải tạm ứng nguồn vốn hoạt động cho quỹ, như kiểu cho vay không lãi. Rốt cuộc, dường như chỉ có DN xăng dầu luôn được bảo đảm lợi ích cả từ mức trích lợi nhuận định mức cũng như được nhiều hơn mất từ mọi hoạt động thu - chi quỹ bình ổn…
 
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng khẳng định: hiện nay, Bộ Tài chính đã công bố quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng chỉ là công khai quỹ, chứ bản chất của việc trích, xả thì không ai kiểm soát được. Vì thế, theo tôi, nên tập trung quỹ bình ổn giá về một mối, do Nhà nước nắm. Việc làm này vừa tránh được tình trạng ăn rơ, “lại quả” với nhau theo lợi ích nhóm, tính thị trường cao hơn, minh bạch dần thị trường xăng dầu và tiến tới cổ phần hóa hết, Nhà nước không nắm, mà chỉ là dự trữ an ninh năng lượng quốc gia thôi”, ông Phong đề xuất.
 
Nhập khẩu xăng dầu tăng 25,7%
 
Theo Bộ Công Thương, trong 3 tháng đầu năm, nước ta đã nhập khẩu khoảng 32,34 tỷ USD, trong đó nhóm cần nhập khẩu là 28,43 tỷ USD. Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu, xăng dầu các loại và khí đốt hóa lỏng tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ. Nhập khẩu xăng dầu các loại ước 2,13 triệu tấn, trị giá 2,03 tỷ USD, tăng 25,7% về lượng và 21,6% về trị giá so với cùng kỳ; nhập khẩu khí đốt hóa lỏng ước 131 ngàn tấn, trị giá 131 triệu USD, tăng 42,3% về lượng và 43,2% về trị giá so với cùng kỳ. Giá nhập khẩu các mặt hàng trong nhóm nhìn chung giảm nhẹ so với cùng kỳ trong khi lượng nhập khẩu tăng trưởng khá mạnh, trong đó tăng mạnh ở một số mặt hàng nông sản như ngô, lúa mỳ, đậu tương.

 

Nguồn: CAND

Các tin khác