Kinh tế xã hội

Hiệu quả từ phong trào 'Mỗi đơn vị giúp một xã nghèo miền Tây'

15:17, 10/04/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Miền Tây Nghệ An có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cũng như công tác đối ngoại. Địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều cùng điểm xuất phát thấp, yếu tố lịch sử để lại... là những trở ngại của đồng bào các dân tộc sinh sống trên dọc dài của tỉnh. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương và chính sự nỗ lực của mỗi người dân, bộ mặt của các xã nghèo ở miền Tây có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, để các địa phương này phát triển bền vững cần có những chính sách, cách làm hiệu quả.
 
Là một trong 3 xã thuộc cụm "vùng trong" của huyện Quỳ Châu, đồng bào dân tộc chiếm tỉ lệ cao, hộ nghèo chiếm trên 50%, một thời gian dài, xã Châu Hoàn được biết đến là "xã lắm không" (không điện, đường, trường, trạm, chợ, thông tin liên lạc). Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị sớm đưa các xã trong cụm (Diên Lãm, Châu Phong) nói chung, xã Châu Hoàn nói riêng thoát nghèo, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai hiệu quả tại đây.
 
Có hạ tầng điện, đường, trường, trạm, đời sống người dân nơi đây đã trở thành một "cuộc cách mạng", giao thông đi lại thuận tiện, con cái được đến trường học hành, điện lưới, thông tin liên lạc được phủ sóng, tạo điều kiện cho mỗi người xích lại gần nhau, giao lưu trao đổi hàng hóa... Nhờ đó mà đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần ngày càng được nâng lên. Nhận thức được nhiệm vụ giúp đỡ xã nghèo vươn lên, từng bước phát triển ổn định, năm 2012, qua khảo sát, xã Châu Hoàn được Công an tỉnh Nghệ An nhận giúp đỡ theo chủ trương của tỉnh. Sau khi bắt tay vào cuộc, với các giải pháp mang tính chiến lược và những cách làm trước mắt, đã có những mô hình, phương án được đề xuất (như ủng hộ tiền, mua sắm các thiết bị, vật dụng cho bộ máy điều hành của xã...) thực hiện, nhưng qua xem xét thực tiễn ở địa phương cho thấy, để bà con nơi đây xóa đói, giảm nghèo, đi lên bền vững thì "cần câu" quan trọng đó là hỗ trợ bò sinh sản. Với hình thức này sẽ dễ áp dụng tại xã, bởi một xã miền núi, diện tích vườn đồi, rừng thấp rộng rất thuận lợi cho chăn nuôi bò sinh sản và có thể quay vòng vốn nhanh, đem lại hiệu quả.
 
Tỉnh đoàn Nghệ An hỗ trợ đàn bò cho xã biên giới Đoọc Mạy (Kỳ Sơn)
Tỉnh đoàn Nghệ An hỗ trợ đàn bò cho xã biên giới Đoọc Mạy (Kỳ Sơn)
 
Sau hơn 2 năm, từ chỗ nhận giúp hỗ trợ giống với 98 con bò cho hộ nghèo (bằng số kinh phí được trích từ nguồn đóng góp của cán bộ chiến sĩ và trích từ tiền xử phạt vi phạm giao thông), số tiền lên đến 900 triệu đồng, đến nay số bò sinh sản đã lên gần 200 con cho các hộ nghèo. Cái được thông qua chương trình này theo như đánh giá của Bí thư Đảng ủy xã Lý Ngọc Dự đó là, ngoài việc có bò nuôi từ hỗ trợ,  người dân còn mạnh dạn vay tiền từ ngân hàng mua thêm bò để nuôi ở chuồng và trang trại. Từ đó, giúp người dân địa phương có cách nhìn mới trong đầu tư phát triển chăn nuôi đàn gia súc.
 
Cũng như nhiều cơ quan, đơn vị khác, thấu hiểu được khó khăn của đồng bào các dân tộc miền Tây trong việc tìm hướng thoát nghèo, qua tìm hiểu khảo sát, Tỉnh đoàn đã chọn xã Đoọc Mạy - một trong những xã khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn làm điểm giúp đỡ, hỗ trợ. Bằng các hình thức như xây nhà bán trú dân nuôi, tặng sách vở, quần áo, chăn ấm, dạy học, tuyên truyền pháp luật, mô hình tập hợp thanh niên vùng dân tộc thiểu số, chỉ đạo phối hợp lực lượng ở Tổng đội TNXP 8 giúp đồng bào xây dựng mô hình trồng lúa lai từ 1 vụ sang 2 vụ, hỗ trợ vốn cho thanh niên và tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đơn vị còn nhận giúp đỡ các hộ đặc biệt nghèo nơi đây bò giống, nhằm chuyển biến nhận thức trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn... Còn tại huyện Quế Phong, được Ban Dân tộc tỉnh chọn giúp đỡ xây dựng mô hình “Trồng rau an toàn" ở bản Chiềng, xã Tri Lễ. Với hộ nghèo còn chiếm gần 80%, trong khi điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa bàn có những thuận lợi riêng nên khi bắt tay vào triển khai đã thu hút sự quan tâm của chính quyền địa phương và các hộ dân. 75 hộ với trên 370 nhân khẩu bản Chiềng nằm trong đề án, đến nay mỗi hộ đã dành diện tích 200 - 2.300 m2 đất xây dựng được trên 1,2 ha rau các loại như su hào, bầu bí, cải bắp, cải ngọt. Từ những bước đi đầu tiên, điều tưởng chừng như xa vời với người dân miền núi, giờ đây đã trở thành chuyện hết sức bình thường trong mỗi gia đình bản Chiềng. Không chỉ tự túc về rau mà người dân còn có để cung cấp cho thị trường nội huyện, đảm bảo nguồn rau sạch, an toàn.
 
Từ sự giúp đỡ chí tình, mỗi cơ quan, đơn vị đã dành tình cảm đặc biệt với trách nhiệm đối với các hộ nghèo, xã nghèo. Đến nay, sau gần 2 năm triển khai cuộc vận động giúp đỡ xã nghèo miền Tây của tỉnh đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Đã có 88 cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 88 xã nghèo, đặc biệt khó khăn ở miền Tây với các công trình, phần việc sáng tạo, thiết thực và hiệu quả. Điển hình như các cơ quan Sở GTVT, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Đại học Vinh, Công an tỉnh, Tổng Công ty CTGT 4, Hội Chữ thập đỏ, Hội Doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An... Đánh giá về phong trào này, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc nhìn nhận: Nghệ An hiện vẫn còn 254 xã nghèo với 105.000 hộ nghèo. So với bình quân cả nước, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn ở mức cao và còn nhiều xã chưa được nhận giúp đỡ. Vì vậy, Quyết định 1310/2012 của UBND tỉnh về phân công giúp đỡ các xã nghèo trên là một chương trình lớn, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Giúp đỡ người nghèo, xã nghèo sớm thoát ngèo, vươn lên ổn định và phát triển không chỉ là trách nhiệm mà còn là tấm lòng, nghĩa cử nghĩa tình, thể hiện lương tâm trách nhiệm đối với mỗi gia đình khó khăn. Đó cũng là hành động thiết thực nhằm thực hiện cụ thể hóa mục tiêu thoát nghèo, xây dựng Nghệ An từng bước phát triển theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị dành cho Nghệ An.

Xuân Thống

Các tin khác