Kinh tế xã hội
Mặt trái của văn hóa nơi công sở
09:22, 14/04/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Tháng 12/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, trong đó có việc chấn chỉnh tình trạng lãng phí thời gian làm việc nơi công sở. Có thể nhận thấy, từ xưa, ông cha ta đã đánh giá rất đúng giá trị của thời gian, cho nên mới có câu: “Thời gian là vàng”. Tiền bạc, của cải lãng phí có thể nhìn thấy được nhưng có một thứ lãng phí đang hàng ngày, hàng giờ hiển hiện khắp nơi, thậm chí trở thành thói quen thì hầu như chưa được, nhận diện đúng với thực trạng, đó là lãng phí thời gian, đặc biệt là thời gian làm việc nơi công sở.
Thời gian nói ở đây là thời gian lao động, thời gian cán bộ công nhân viên chức thực hiện 8 giờ làm việc mỗi ngày theo Luật Lao động. Thời gian làm việc buổi sáng thường bắt đầu từ 7 giờ nhưng việc hoạt động của nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp vẫn chưa được bắt đầu. Gần cuối giờ, nhất là cuối buổi chiều vẫn xuất hiện tình trạng giới mày râu thì rủ nhau đến các quán nhậu, còn các bà, các cô thì rủ nhau đi chợ, đi mua sắm.
Đến các văn phòng, công sở, các phòng được trang bị máy tính, điều hoà, điện thoại, chúng ta sẽ không quá khó để bắt gặp những hình ảnh quen thuộc: Một vài người ngồi chát, nói chuyện qua mạng, chơi trò chơi điện tử trên máy tính hoặc “buôn dưa lê” qua điện thoại. Việc tưởng nhỏ nhưng thực sự là sự lãng phí không nhỏ. Lãng phí thời gian nơi công sở còn được thể hiện trong các cuộc họp, hội nghị. Đó là việc đi họp muộn so với thời gian quy định, rồi “kính thưa”, “kính gửi”, phát tài liệu cho đại biểu mà vẫn đọc lại nguyên văn vừa tốn thời gian lại lãng phí giấy tờ. Hội chứng vấn đề gì cũng phải họp vẫn còn khá phổ biến ở một số cơ quan. Người đi dự họp không đúng thành phần, không đủ thẩm quyền đại diện cho đơn vị, chỉ nghe rồi về báo cáo lại dẫn đến cuộc họp không có chất lượng. Đây cũng là một dạng lãng phí thời gian, vì kết thúc cuộc họp không giải quyết được vấn đề gì quan trọng. Có khi lại phải tổ chức tiếp một cuộc họp khác để giải quyết vấn đề chưa quyết được tại cuộc họp trước. Thời gian đó để cán bộ đi kiểm tra thực tế, sẽ có ích hơn.
Tranh minh họa |
Hiện nay, đang có tình trạng nhiều kỹ sư, cử nhân ra trường không làm đúng ngành nghề có thể là vì thu nhập thấp, có khi là để được ở gần nhà. Nhiều người không ý thức được việc từ bỏ nghề mà mình đã bỏ ra nhiều năm đèn sách mới có được đã làm lãng phí thời gian, tiền của mà chất lượng làm việc khi làm trái nghề lại ít nhiều bị ảnh hưởng. Lãng phí thời gian khiến cho công việc bị đình đốn, trì trệ. Có thể thấy nguyên nhân của tình trạng lãng phí thời gian là do cách bố trí công việc của người lãnh đạo chưa phù hợp. Một bộ phận công chức chưa hết mình vì công việc. Bên cạnh đó, chưa có nhiều chế tài, hình thức xử lí nghiêm đối với những người cố tình vi phạm về kỷ luật thời gian làm việc.
Để giải quyết tình trạng lãng phí thời gian làm việc nơi công sở, trước hết người quản lí, đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị phải thực sự gương mẫu trong việc chống lãng phí thời gian. Theo đó, người lãnh đạo phải đi đầu trong việc thực hiện giờ giấc lao động, thường xuyên quán xuyến giờ giấc làm việc của nhân viên. Bên cạnh đó, chất lượng nhân sự cần được chú trọng, thường xuyên bồi dưỡng, nêu gương những cán bộ công chức có tâm, tài, nhiệt huyết. Ngoài ra cần tính đến việc gắn trách nhiệm của công chức với công tác thi đua cùng các chế tài thưởng, phạt nghiêm minh. Tiết kiệm thời gian làm việc cũng có nghĩa là tiết kiệm được tiền của, nhân lực. Đồng thời cũng là cách thể hiện văn hóa công sở. Do vậy, chấn chỉnh tình trạng lãng phí thời gian làm việc nơi công sở trong giai đoạn hiện nay là việc hết sức cần thiết, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, mang lại hiệu quả thiết thực.
Minh Tuấn