Đây là số liệu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tại báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh của hệ thống NH quý II/2014. Dù tăng trưởng tín dụng đã thoát âm, nhiều dấu hiệu kinh doanh khởi sắc hơn, nhưng ngành NH vẫn đang khó khăn trong việc đẩy vốn ra nền kinh tế.
83% lượng trái phiếu Chính phủ đi vào các nhà băng
Sau gần 2 tuần điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành, NHNN cho biết, các tổ chức tín dụng (TCTD) nghiêm túc chấp hành quy định, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng của các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần lớn thấp hơn mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam. Hiện nay, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và dưới 6 tháng; 6-7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5-8,3%/năm.
Cùng với việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng giảm rõ rệt. Hiện, lãi suất cho vay bằng VND phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 8%/năm theo quy định của NHNN, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9-10,5%/năm đối với ngắn hạn; 11-12,5%/năm đối với trung và dài hạn. Đáng chú ý, một số NHTM tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay đối với một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả chỉ ở mức 6-7%/năm.
Lãi suất cho vay dành cho doanh nghiệp tốt chỉ 6-7%. Ảnh minh họa |
Mặc dù lãi suất đã giảm, nhưng số tiền thực tế đi vào sản xuất kinh doanh vẫn còn đang bế tắc. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà băng đã phải tìm cách giải phóng lượng tiền “tồn” trong kho của mình bằng các cách khác nhau.
Theo số liệu từ Vụ Chính sách tiền tệ, trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, hệ thống NH đã tăng cường đầu tư vào trái phiếu chính phủ (TPCP). Từ đầu năm đến nay, các TCTD đã mua khoảng 83% lượng TPCP phát hành. Theo đánh giá của Vụ Chính sách tiền tệ, việc các TCTD đầu tư vào TPCP đã tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ phát hành thành công khối lượng lớn trái phiếu với lãi suất thấp để tiết kiệm chi phí cho ngân sách và cơ cấu lại các TPCP đến hạn thanh toán, đồng thời đáp ứng nguồn vốn để giải ngân các dự án, công trình trọng điểm. Đối với nền kinh tế, việc tăng đầu tư vào TPCP có tác động rất tốt ở chỗ trong khi tín dụng chưa thể mở rộng, việc các TCTD đầu tư TPCP có thể giúp tăng thanh khoản cho nền kinh tế. Khi các khoản vốn này được giải ngân và sử dụng hiệu quả, sẽ giúp kích hoạt dòng tiền trong nền kinh tế. Các dự án, doanh nghiệp thuộc diện sử dụng nguồn TPCP có tiền để đầu tư, sẽ giúp lưu thông hàng hóa, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp khác, qua đó có tác động lan tỏa và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. “Trong điều kiện các TCTD chưa thể mở rộng tín dụng, mặc dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh, thì việc các TCTD tăng cường đầu tư vào TPCP cũng là một sự linh hoạt vừa đem lại hiệu quả đầu tư của nguồn vốn huy động phải trả lãi, đồng thời tăng dự trữ thanh khoản”, lãnh đạo vụ Chính sách tiền tệ nhận định.
Giảm lãi suất biên, giữ nguyên phí dịch vụ
Theo nhận định của các TCTD, môi trường và thực trạng kinh doanh của ngành Tài chính – Ngân hàng trong những tháng đầu năm 2014 đang có những chuyển biến tích cực so với năm 2013. Đáng chú ý, nhu cầu của khách hàng dần phục hồi, thanh khoản của hệ thống NH tiếp tục ở trạng thái tốt, tỷ lệ nợ xấu dự kiến ổn định hoặc giảm nhẹ trong quý I và quý II/2014, mức độ rủi ro của các nhóm khách hàng hiện được đánh giá ở mức “bình thường” và được kỳ vọng tiếp tục điều chỉnh giảm dần trong năm 2014; lãi suất huy động vốn và cho vay được kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới…
Hầu hết các TCTD cho biết, tình hình kinh doanh trong quý I/2014 đã có những chuyển biến tích cực so với cuối năm 2013. Số TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của họ ở thời điểm hiện tại là “tốt” tăng từ 29% trong cuộc điều tra trước lên 53% tại cuộc điều tra này; 46,5% TCTD đánh giá là “bình thường”. Xu hướng cải thiện tiếp tục được các TCTD kỳ vọng trong quý II/2014 và cả năm 2014. Trong bối cảnh đó, hầu hết các TCTD nhận định, nhu cầu sử dụng dịch vụ NH của khách hàng tại thời điểm hiện tại ở mức “bình thường” hoặc “cao” và có chiều hướng tiếp tục cải thiện trong quý II/2014 cũng như cả năm 2014. Đặc biệt, đa số các TCTD dự báo lãi suất huy động vốn và cho vay VND trong năm 2014 sẽ tiếp tục giảm nhẹ, mức giá bình quân sản phẩm, dịch vụ được các TCTD dự kiến tiếp tục giữ nguyên, thậm chí là giảm nhẹ trong quý I/2014, quý II/2014 và cả năm 2014, để thúc đẩy khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ NH. Tuy nhiên, một số TCTD dự kiến có thể tăng nhẹ mức phí dịch vụ trong năm 2014. Tính chung cho cả năm 2014 so với năm 2013, khoảng 40% các TCTD dự kiến sẽ điều chỉnh giảm nhẹ mức giá cả bình quân, trong đó có đến 52,9% TCTD dự kiến giảm nhẹ lãi suất biên.
.