(Congannghean.vn)-Trong những ngày qua, các phương tiện truyền thông phản ánh gay gắt vấn đề nấm không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan trên thị trường, gây hoang mang cho người tiêu dùng nên mặt hàng này đã bị tẩy chay. Vô tình, người tiêu dùng đã tẩy chay cả nấm có nguồn gốc và đẩy người nông dân trồng nấm vào thế điêu đứng.
Nấm “giả” tràn lan
Trong những năm gần đây, nấm được bà con nội trợ ưa thích vì hương vị độc đáo. Ban đầu nấm là món ăn hạng sang vì chỉ được bán trong siêu thị hay những cửa hàng lớn, nhưng sau đó được bày bán tràn lan ở các chợ lớn, bé. Nấm có rất nhiều chủng loại như nấm linh chi, nấm đùi gà, nấm kim châm… và được bọc sẵn trong các túi nilon, có loại có nhãn mác nhưng cũng có những loại được bọc trong túi nilon thường, buộc thủ công. Tuy nhiên, vấn đề nguồn gốc nấm và công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với nấm bỗng nhiên bị các cơ quan chức năng bỏ ngỏ, người tiêu dùng cũng quên mất việc kiểm tra mình đang ăn loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ đâu và hiệu quả dinh dưỡng thế nào?
Nấm đùi gà có xuất xứ từ Trung Quốc |
Đầu năm 2014, chương trình VTV có hàng loạt phóng sự liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của nấm và trách nhiệm của các cơ quan chức năng thì người tiêu dùng mới giật mình cảnh giác. Khi được phản ánh, các cơ quan chức năng mới tổ chức lấy mẫu xét nghiệm các loại nấm được bày bán trên thị trường, các siêu thị đồng loạt ngừng bày bán các loại nấm không rõ xuất xứ. Người dân cũng nói không với nấm.
Sau quá trình tìm hiểu, các cơ quan chức năng phát hiện phần lớn các loại nấm cao cấp có mặt trên thị trường Việt Nam đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Các loại nấm này được các doanh nghiệp mua về, đóng gói, dán nhãn và “hô biến” thành nấm Việt Nam nhưng thực tế Việt Nam chưa thể trồng được các loại nấm có xuất xứ từ xứ lạnh như nấm linh chi, kim châm, ngọc châm…
Sau khi dư luận lên tiếng về nấm không rõ nguồn gốc xuất xứ và mối nghi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì tại Nghệ An, nấm vẫn được bày bán nhiều trên thị trường, thậm chí Siêu thị BigC vẫn bày bán rất nhiều chủng loại nấm. Nấm được bày bán tại BigC có ghi xuất xứ từ Trung Quốc và được nhập khẩu bởi một công ty có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, gian hàng bày bán nấm tại đây rất ít người ghé thăm.
Tại các chợ cũng thế, nấm vẫn được bày bán công khai tại các gian hàng mà không qua chế độ bảo quản lạnh từ 5 đến 100C như quy định. Phần lớn nấm có bao bì, nhãn mác nhưng người nội trợ đã không còn quan tâm. Chị Nguyễn Thị Thu, tiểu thương tại chợ Quán Lau cho biết: “Cả tháng nay không thấy ai hỏi mua nấm, cứ khoảng một tuần lại phải trả cho người nhập và lấy hàng mới. Xuất xứ thì tôi không biết, chỉ biết gọi là họ đưa đến thôi”.
Nấm “thật” điêu đứng
Trong khi nấm không rõ nguồn gốc bị người tiêu dùng tẩy chay thì những nông dân trồng nấm chân chính đang điêu đứng vì nguồn nấm trồng ra không có nơi tiêu thụ. Được biết, nghề trồng nấm được du nhập vào tỉnh ta từ năm 2008 và phát triển nhanh tại các huyện đồng bằng như Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, trong đó Yên Thành được xem là vựa nấm của tỉnh. Hiện nay, Yên Thành đã có 22 xã trồng nấm cho thu hoạch gần 300 tấn nấm/năm và mang lại thu nhập hàng tỉ đồng.
Người tiêu dùng băn khoăn với các loại nấm được bày bán trong siêu thị |
Nấm được trồng ở đây chủ yếu là các loại nấm bình dân chịu được khí hậu nóng như nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ, nấm mỡ… Những sản phẩm này đều đã được các cơ quan chức năng thẩm định và cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm và bày bán rộng khắp trong cả nước. Có những hộ sau khi thu hoạch được đóng gói tại chỗ và bán ra thị trường, có những hộ được doanh nghiệp mua lại và lượng cung không đủ cầu.
Nhưng từ khi có thông tin về nấm không có nguồn gốc bày bán tràn lan trên thị trường thì nấm có nguồn gốc chịu vạ lây. Người dân nói không với nấm đã vô tình đẩy những người trồng nấm ở Nghệ An vào cảnh khốn khó. Gia đình chị Ngô Thị Yến, một hộ trồng nấm lâu năm ở Yên Thành tâm sự: “Mỗi ngày gia đình thu hoạch được 50 kg nấm các loại, là nấm sạch không qua sử dụng hóa chất nên chỉ bảo quản được 1 đến 2 ngày, nếu bảo quản lạnh thì được 5 đến 7 ngày. Trong gần một tháng qua, doanh nghiệp thu mua nấm rất hạn chế mà giá đã giảm gần một nửa nhưng mỗi ngày gia đình đều có hàng chục kg nấm hư hỏng”.
Không chỉ gia đình chị Yến mà tất cả các hộ trồng nấm trên địa bàn tỉnh ta đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi nấm khó bảo quản trong khi đang là chính vụ Đông Xuân nên lượng nấm sản xuất ra rất lớn. Bà con đã nghĩ tới việc phơi khô, sấy khô nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi và các lò sấy phải đầu tư với số tiền rất lớn.
Người tiêu dùng thông thái cần biết nói không với nấm không rõ nguồn gốc chứ không đánh đồng tất cả các loại nấm với nhau. Trên thị trường đang có những loại nấm có xuất xứ rõ ràng, là sản phẩm một nắng hai sương của người nông dân chân chính, những sản phẩm người tiêu dùng cần ủng hộ.