(Congannghean.vn)-Sau những ngày nghỉ Tết Giáp Ngọ năm 2014, hàng nghìn ngư dân vùng biển trên phạm vi toàn tỉnh từ Cửa Lò tới Diễn Châu, Quỳnh Lưu lại tất bật chuẩn bị các loại tàu thuyền lớn nhỏ để ra biển. Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, sau Tết là thời điểm có nhiều luồng tôm, cá di cư từ đại dương vào khơi và có đàn còn vào ngay trong lộng sát bờ biển. Đây là cơ hội làm ăn tốt nhất, mở đầu cho đánh bắt cá vụ Nam với nhiều hứa hẹn bội thu.
Sau những ngày vui Tết cổ truyền, ngư dân lại chuẩn bị cho những chuyến ra khơi mới hứa hẹn những mùa cá bội thu. Quanh năm hành nghề trên sóng nước mênh mông, trước lúc ra khơi đầu năm, hàng trăm ngư dân đến các đền thờ làm lễ dâng hương hoa, lễ vật tế Thần biển, thể hiện tấm lòng thành kính của mình với các vị thần, cầu mong một mùa làm ăn bội thu với nhiều hải sản quý, nâng cao mức sống và kinh tế gia đình. Đây được xem là lễ hội văn hóa truyền thống có từ hàng nghìn năm nay, có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với ngư dân vùng biển. Bởi đây không chỉ là dịp để ngư dân địa phương thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với biển khơi, đất và trời đã giúp cho họ được bình yên trong những chuyến ra khơi của năm cũ, mà còn là dịp để ngư dân cầu cho mưa thuận gió hòa, cá tôm được đầy khoang trong năm mới Giáp Ngọ 2014 này.
Khai thác hải sản là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Nghệ An. Các phương tiện đánh bắt ở vùng lộng giảm dần, sự chuyển đổi tàu to, máy lớn vươn ra khơi xa khai thác đã đưa lại giá trị kinh tế hải sản nhiều hơn. Toàn tỉnh Nghệ An hiện có trên 4.000 tàu, thuyền đánh cá. Trong đó, tàu công suất lớn là 1.147 chiếc, chuyên đánh bắt cá vùng khơi xa. Dọc các vùng ven biển như thị xã Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò, bà con nhân dân hầu hết nối nghề truyền thống đi biển của cha ông để mưu sinh và làm giàu. Năm 2013, mặc dù vẫn đang chịu tác động khó khăn chung của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng với chính sách khuyến khích đẩy mạnh phát triển lĩnh vực khai thác hải sản của Chính phủ và UBND tỉnh, bà con ngư dân đã đầu tư tàu to, máy lớn, có giá trị tới hàng nghìn tỷ đồng, áp dụng đa dạng nghề và phương thức đánh bắt tiên tiến, với thiết bị hỗ trợ máy dò cá hiện đại đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng hải sản đạt trên 82 nghìn tấn, vượt 20% kế hoạch, giá trị kinh tế đạt trên 1.578 tỷ đồng. Đời sống, thu nhập kinh tế của bà con ngư dân làm ăn từ biển được nâng cao.
Ngư dân đón lộc biển đầu năm |
Về thị xã Cửa Lò những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ, chứng kiến cảnh ngư dân tất bật chuẩn bị cho những chuyến ra khơi cho đến lúc đón những mẻ cá từ biển về mới thấy hết sự gắn bó giữa con người và biển cả. Toàn thị xã hiện có trên 300 phương tiện đánh bắt thủy, hải sản, trong đó có 21 đội tàu đánh bắt xa bờ. Theo lãnh đạo thị xã, năm 2014 sẽ phấn đấu đánh bắt vượt ngưỡng 9.000 tấn, cao hơn năm 2013, với giá trị khoảng 230 tỷ đồng.
Huyện Diễn Châu cũng là địa phương có thế mạnh về khai thác, đánh bắt thủy, hải sản, hiện có trên 1.400 phương tiện đánh bắt trên biển, thuyền to, máy lớn được đầu tư mua sắm ngày càng nhiều, với trên 100 chiếc có công suất từ 90 CV - 600 CV, tập trung tại 2 xã Diễn Ngọc và Diễn Bích. Ngư dân tích cực bám biển, tổng sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đạt hàng nghìn tấn, đạt giá trị kinh tế hàng trăm tỷ đồng. Nghề đi biển đã giải quyết việc làm trực tiếp cho hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/tháng; thu hút lao động vào làm việc ở các dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua, chế biến thủy, hải sản. Sau Tết, tàu thuyền của ngư dân lại vượt sóng, vươn khơi. Những mẻ cá đầu tiên như món quà xuân mà biển cả ban tặng cho sự cần cù, chịu khó của những ngư dân Diễn Châu.
Trong 5 ngày đầu ra quân, ngư dân toàn xã Diễn Ngọc đã khai thác được trên 400 tấn hải sản các loại, tin chắc là đánh bắt cá vụ Nam năm nay sẽ thắng lợi. Tại xã Diễn Ngọc, có những gia đình nhờ đánh bắt hải sản đã tích lũy được nguồn tài chính lớn, nhiều cặp tàu có giá trị 6 đến 7 tỷ đồng của ngư dân đã tham gia đánh bắt cá tận ngư trường mốc phao số 0, thu hàng tỷ đồng mỗi chuyến ra khơi. Ông Phan Minh, một ngư dân đánh bắt trong lộng chia sẻ: “Năm nay, các cụ cao niên có kinh nghiệm đi biển phát hiện ra những đàn cá trích bơi lội chỉ cách bờ biển khoảng hơn trăm mét, tuy chỉ ở trong lộng nhưng có mẻ cá thu được hơn mười triệu đồng”.
Diễn Bích cũng là xã có nhiều ngư dân đánh cá giỏi, mới ra quân đầu xuân đã đạt 300 tấn. Nhịp điệu khai thác hải sản dịp đầu năm đưa lại giá trị kinh tế cao nên sau khi cập bến đưa hải sản lên bờ, các tàu đều tiếp thêm nhiên liệu, tranh thủ thời gian biển lặng để tăng chuyến.
Riêng Quỳnh Lưu hiện có 1.123 tàu thuyền, trong đó có 786 phương tiện đánh bắt xa bờ có công suất từ 20 CV trở lên. Tranh thủ những ngày đầu năm mới, thời tiết thuận lợi cho việc đánh bắt, bà con ngư dân đã căng buồm vươn khơi đánh bắt. Chấp nhận không được chơi Tết nhưng đổi lại, ngư dân lại được mùa khai thác với những khoang thuyền đầy cá. Mới tính 2 tháng đầu năm đến nay, ngư dân huyện Quỳnh Lưu đã khai thác được trên 2.800 tấn hải sản, trong đó 2.504 tấn cá, 280 tấn mực và 98 tấn các loại sản phẩm khác.
Có thể nói, nghề đi biển có tính chất truyền thống, cha truyền con nối của ngư dân vùng biển Nghệ An, đem lại thu nhập kinh tế ổn định và bền vững cho bà con nơi đây. Về các địa phương chuyên nghề đánh cá ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, thị xã Cửa Lò cho thấy tiềm năng biển đã giúp người dân biết làm giàu, từng bước vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no. Những ngôi nhà khang trang với nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền đã cho thấy tín hiệu làm giàu từ kinh tế biển. Những kết quả đạt được từ nghề khai thác hải sản của tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua và đặc biệt năm 2013 đã giúp cho đời sống của bà con ngư dân ngày càng khấm khá hơn. Có thể khẳng định rằng: Hướng ra biển vẫn luôn là một trong những mũi nhọn kinh tế quan trọng của tỉnh, nhờ vậy ngư dân vùng biển đã xóa nghèo, vươn lên làm giàu bền vững. Hàng trăm nghìn lao động trực tiếp đi biển, vươn khơi xa, vừa làm kinh tế, nhưng đồng thời cũng khẳng định thêm quyền tự chủ về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
.