(Congannghean.vn)-Trong tiến trình phát triển, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ cán bộ, công chức đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại, trở thành một lực cản không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội. Sự yếu kém trong chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được thể hiện không chỉ từ cách quản lý, làm việc quan liêu, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ mà đáng lo ngại hơn là sự suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, làm giảm sút niềm tin của người dân.
Chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức có tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi hoạt động, vận hành của nền hành chính công. Thực tế đã cho thấy, ở cơ quan, đơn vị hoặc địa phương nào có đội ngũ cán bộ, công chức làm việc năng nổ, tận tụy, có trách nhiệm từ cấp trên đến cấp dưới thì hiệu suất công việc thường đạt cao. Ngược lại, nếu còn tồn tại người thiếu ý thức trách nhiệm, chỉ chăm chăm vun vén cho lợi ích của bản thân, thậm chí, lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để tư lợi thì sẽ trở thành lực cản kìm hãm sự phát triển lành mạnh về mọi mặt của cơ quan, đơn vị. Một trong những vấn đề gây nhức nhối trong dư luận hiện nay là tình trạng tha hóa, xuống cấp đạo đức của một bộ phận không nhỏ đội ngũ công chức, viên chức ở nhiều cấp, ngành. Từ những nhân viên hành chính bình thường đến những cán bộ đảm nhiệm những cương vị công tác quan trọng. Những vụ việc đáng buồn, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận xảy ra thời gian qua đã làm tổn thương nghiêm trọng lòng tin của người dân. Sự yên vị kéo dài trong suốt quá trình “chưa bị lộ” của những cán bộ, công chức biến chất, cơ hội đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực vào đời sống xã hội, tạo ra phản ứng “dây chuyền”, dẫn tới nhiều chuẩn mực văn hóa, lối sống bị đảo lộn, bóp méo.
Cần chú trọng nâng cao chất lượng và đạo đức, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ công chức hiện nay - Ảnh minh họa |
Cùng với sự tha hóa, xuống cấp trong đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, công chức đang công tác, một vấn đề khác ảnh hưởng tới chất lượng của đội ngũ công chức hiện nay là tình trạng không ít cán bộ, công chức có năng lực rời bỏ cơ quan Nhà nước, chuyển sang làm việc ở khu vực tư nhân. Chưa nói tới việc làm thế nào để thu hút được người tài, việc giữ chân những người có tài đang công tác cũng là một vấn đề cần phải quan tâm trước sự cạnh tranh nhân lực gay gắt từ khu ngoài quốc doanh vốn nhạy bén, năng động, nhiều cơ hội. Thực tế thời gian qua, tình trạng “chảy máu chất xám” đã diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là ở những thành phố lớn. Những người kiên quyết từ bỏ “nồi cơm” Nhà nước để chuyển sang làm việc cho các công ty, doanh nghiệp tư nhân không chỉ là những nhân viên hành chính thông thường mà còn có cả những cán bộ có thực tài, đang đảm nhiệm những cương vị chủ chốt ở các sở, phòng, ban. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất thường này, trong đó có những nguyên nhân cố hữu như: Môi trường làm việc trì trệ, quan liêu, không có nhiều điều kiện, cơ hội để phát huy hết sở trường, năng lực; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng con người thiếu công khai, minh bạch, không dựa trên tiêu chí năng lực, còn nhiều uẩn khúc, tiêu cực…
Một trong những nguyên nhân chính được nhiều người đề cập tới là đồng lương còm cõi, không đủ sống trong thời buổi vật giá leo thang. Có một thực tế đáng buồn đang diễn ra là, lương của nhiều cán bộ, công chức hiện còn thấp hơn cả lương của công nhân. Cụ thể, với mức lương tối thiểu 1.150.000 đồng/tháng như hiện nay so với mức lương tối thiểu của doanh nghiệp vùng 4 - vùng thấp nhất của khu vực doanh nghiệp, lương công chức chỉ mới bằng 59,3% lương của công nhân vùng có thị trường lao động kém phát triển. Đồng lương thấp khiến cho đời sống của nhiều cán bộ, công chức chủ yếu “sống bằng lương” gặp rất nhiều khó khăn. Và thế là, họ phải tìm mọi cách để xoay xở, “chân trong chân ngoài” để mưu sinh hoặc tính tới giải pháp “mạnh” khác là “dứt áo ra đi”, chấp nhận rời bỏ cơ quan Nhà nước để tìm cho mình “bến đỗ” mới ở khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Quá trình nỗ lực xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn đất nước đòi hỏi phải không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Trong đó, vấn đề trong sạch hóa đội ngũ cần phải được quan tâm hàng đầu. Nhất thiết phải có những cơ chế, chế tài đủ mạnh, có tính khả thi cao nhằm loại bỏ ra khỏi đội ngũ cán bộ, công chức những người có lối sống buông thả, tha hóa, biến chất, nhất là những người đang nắm giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan đơn vị, là những “công bộc” của dân. Kiện toàn năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức cũng là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tham nhũng, tiêu cực vốn là một trong những vấn nạn đang gây nhức nhối hiện nay.
Bên cạnh đó, cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức theo hướng lựa chọn được những người có đủ phẩm chất, năng lực vào những vị trí thích hợp. Cuối cùng, giải pháp hết sức quan trọng là đẩy nhanh lộ trình thực hiện việc cải cách chế độ, chính sách tiền lương nhằm tạo động lực để đội ngũ cán bộ, công chức yên tâm làm việc, phát huy được sở trường, năng lực của bản thân trong môi trường công tác thực sự trong sạch, minh bạch.
.