Kinh tế xã hội

Tạo điều kiện để DN phát triển nhanh, bền vững hơn

09:20, 22/02/2014 (GMT+7)

Dự Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam, sáng 21/2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ xác định năm 2014 và những năm tiếp theo sẽ có nhiều hành động thiết thực, cụ thể để cải cách môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN Việt Nam phát triển nhanh, bền vững hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam, sáng 21/2. Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam, sáng 21/2. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian qua Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chủ động tham gia đàm phán các hiệp định nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế.
 
Chính sách phải tạo động lực cho DN

Tuy nhiên, yêu cầu và tiềm năng phát triển của Việt Nam vẫn còn những khoảng cách so với thực tế phát triển. Vì vậy, cần phải thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, bất cập cả ở tầm chính sách vĩ mô lẫn điều hành quản trị doanh nghiệp, quyết tâm khắc phục những việc, công đoạn làm DN mất nhiều thời gian và chi phí hơn mức cần thiết, làm cho các cơ hội kinh doanh có thể bị bỏ qua.

"Các DN có thể phải mất 1/3 lợi nhuận nếu họ phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại gây ra cho môi trường".


Nghiên cứu của Liên Hợp Quốc



Đồng thời phải để nguồn lực còn rất to lớn của xã hội, không chỉ là tài nguyên hữu hình, tài nguyên vô hình (thương quyền), nguồn nhân lực hướng tới những DN có thể sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực đó, mang lại lợi ích nhiều nhất cho xã hội.

Phó Thủ tướng cho rằng chính sách khuyến khích cần hết sức cụ thể, tạo động lực cho DN thực sự đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tiết kiệm nhất, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam và thế giới. Có như vậy mới tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Một số kinh nghiệm thành công

Thu hút sự tham gia của hàng trăm DN trong và ngoài nước, Diễn đàn đã ghi nhận kinh nghiệm thành công cũng như những thách thức đang đặt ra trong thành lập và điều hành các DN phát triển bền vững tại Việt Nam, trong đó nổi bật là mô hình DNXH.

Bà Marie Magimay, Giám đốc phụ trách nguồn lực DN (Tổ chức DN xã hội Anh), cho biết loại hình DN xã hội (DNXH) tại Anh phát triển rất mạnh mẽ trong những năm qua với 70.000 DN, đóng góp 24 tỷ bảng cho nền kinh tế, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu người.

Các DNXH của Anh hoạt động trong hầu hết mọi lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe đến năng lượng tái tạo, vận tải, thương mại, thực phẩm, nhà đất… và lợi nhuận của DN được tập trung chủ yếu cho tái đầu tư tại DN hoặc cộng đồng.

Theo bà Marie Magimay, phát triển bền vững có tiềm năng giải quyết những thách thức cơ bản của xã hội hiện nay và tương lai. Sự cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu là những yếu tố gắn với phát triển bền vững và gắn với hoạt động của DN.

Ông Gary Schuzt, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam, khẳng định khía cạnh phát triển bền vững là "giấy phép" ngày càng cần thiết trong phát triển sản xuất, khi ngày càng nhiều người tiêu dùng đặt vấn đề sản xuất bền vững khi lựa chọn những sản phẩm mà họ sẽ mua. Bên cạnh đó, việc vận hành các dự án một cách bền vững sẽ góp phần giảm chi phí tài chính, tài trợ cũng như tăng thời gian vận hành dự án.

Từ góc độ cải thiện sinh kế cho người nghèo, Quỹ Thách thức DN Việt Nam (VBCF) đã tài trợ cho các dự án kinh doanh cùng người nghèo nhằm tạo ra các giá trị chung, lợi nhuận cho tất cả các bên.  Điển hình là dự án kinh doanh của Công ty chè Hùng Cường do VBCF tài trợ, trong đó đưa người nghèo trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu chè với những hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, phương tiện vận chuyển… Kết quả là thu nhập của ít nhất 800 nông dân tham gia dự án đã tăng 60% (trước đây chỉ 0,5 USD/ngày) và số nông dân hưởng lợi có thể tăng lên 2.000 người trong giai đoạn mở rộng dự án. Đồng thời, lợi nhuận của Công ty chè Hùng Cường cũng tăng thêm 50%, có được nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, chất lượng, nâng cao khả năng xâm nhập thị trưởng mới...


Phát triển bền vững là để đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ này.


Bà Phạm Kiều Oanh, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng, cho biết việc phát triển DNXH tại Việt Nam thời gian qua đã cung cấp các giải pháp kinh doanh cho các vấn đề xã hội-môi trường mà Nhà nước và khối tư nhân giải quyết chưa hiệu quả như: Cung cấp dịch vụ cơ bản (giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hạ tầng…) cho các cộng đồng yếu thế; dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người khuyết tật, người có HIV; kinh doanh và phát triển thị trường với người nghèo; tiên phong đi đầu trong các lĩnh vực năng lượng mới, sản xuất hữu cơ, tái chế rác thải…

Với mục tiêu phi lợi nhuận, hiện có khoảng 200 DNXH hoạt động tại 40 tỉnh, thành phố của Việt  Nam trong các lĩnh vực: Giáo dục, dạy nghề và việc làm (56%); sản xuất tiểu thủ công nghiệp (38%); chăm sóc sức khỏe (20%).

Ông Thomas, Giám đốc Mạng lưới Trách nhiệm xã hội DN ASEAN, cho rằng cần có sự chia sẻ bài học, học hỏi từ nhau để cùng có những hành động đúng từ cộng đồng DNXH tại mỗi quốc gia cũng như trong cả khu vực ASEAN.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các DN Việt Nam vừa phải phát huy thế mạnh sẵn có để trụ vững, duy trì và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vừa cần tìm ra những hướng đi mới, trong đó có việc tận dụng tối đa các cơ hội do xu thế phát triển bền vững trên toàn cầu mang lại.

Chinhphu

Các tin khác