Kinh tế xã hội
Chủ động đối phó với dịch cúm gia cầm
14:29, 20/02/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Nước láng giềng Trung Quốc đã có tới 65 người tử vong do cúm A/H7N9, Việt Nam cũng đã có người tử vong do dịch cúm gia cầm đang bùng phát mạnh. Nghệ An chưa phát hiện dịch cúm gia cầm, nhưng trước những diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh, các cơ quan chức năng và người dân cần chủ động phòng tránh.
Sau Tết, thời tiết diễn biến phức tạp cùng với hoạt động kinh doanh nhộn nhịp trở lại vô tình đã tạo điều kiện thuận lợi cho dịch cúm gia cầm phát triển và bùng phát. Trước Tết, cúm gia cầm đã xuất hiện ở một số địa phương và ngày càng lan rộng. Hiện vi rút cúm gia cầm đã biến thể một cách nhanh chóng và ngày càng nguy hiểm cũng như khó phòng chống. Hiện vi rút cúm gia cầm ở Trung Quốc đã chuyển sang vi rút cúm A/H7N9 lây lan trực tiếp sang người, gây tử vong cho 65 người và dự kiến vi rút này tiếp tục biến đổi. Hiện cúm A/H7N9 chưa nhập vào Việt Nam là một thành công lớn, tuy nhiên, nếu lơ là thì dịch cúm này có thể tràn vào nước ta bất cứ lúc nào. Hiện nay, trên một số tỉnh, thành nước ta đã xuất hiện cúm A/H5N1, dịch cúm này đang hoành hành ở các tỉnh phía Nam, một số tỉnh phía Bắc cũng đã xuất hiện dịch cúm này. Dịch cúm đã làm hai người ở Đồng Nai và Bình Phước tử vong, hàng chục người khác nhập viện.
Trước thực trạng dịch cúm gia cầm diễn biến hết sức phức tạp, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là Chi cục Thú y có những biện pháp phòng tránh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 16 triệu con gia cầm nhưng chỉ có 1/3 tổng số đàn gia cầm là nuôi tập trung trong các trang trại, 2/3 được nuôi nhỏ lẻ trong dân. Phần lớn gia cầm nuôi tập trung đã được tiêm phòng nhưng việc tiêm phòng cho những hộ nuôi nhỏ lẻ là rất khó khăn. Từ năm 2011, Nhà nước không còn hỗ trợ vắcxin phòng, chống cúm gia cầm nên các hộ nuôi nhỏ lẻ với mục đích phục vụ trong gia đình gần như không quan tâm tới việc phòng dịch cho đàn gia cầm, vì vậy phòng dịch trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gần như không được thực hiện. Hơn nữa, việc phòng dịch trong các hộ nuôi nhỏ lẻ cũng gặp vướng mắc khi mua thuốc vắcxin H5N1 vì mỗi hộp thuốc có tới 500 liều, nếu mua chỉ sử dụng vài chục liều thì thật lãng phí nên người dân tặc lưỡi bỏ qua.
Tiêm phòng là cách phòng dịch hữu hiệu nhất |
Còn nhớ năm 2013, Nghệ An là điểm nóng về dịch cúm gia cầm khi xuất hiện nhiều ổ dịch tại các địa phương, gây thiệt hại lớn. Đầu năm 2014, dịch bệnh đang hoành hành trong nước nên ngay từ đầu năm, các lực lượng chức năng đã kiên quyết phòng tránh. Hiện, Chi cục Thú y Nghệ An đã chuyển vắcxin đến Trạm thú y các xã và cửa hàng bán thuốc thú ý, đảm bảo cung cấp cho người dân. Chi cục cũng cử cán bộ trực tiếp xuống địa phương để hỗ trợ cơ sở. Phối hợp với chính quyền cấp xã thống kê lại lượng gia cầm trên địa bàn và đến từng nhà vận động tiêm phòng. Thông qua đài truyền thanh xã vận động người dân tiêm phòng cho đàn gia cầm, không thả rông gia cầm, đặc biệt là vịt chạy đồng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tăng cường thức ăn cho gia cầm để tạo sức đề kháng. Chi cục cũng khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh, không ăn gia cầm ốm chết, các thực phẩm được chế biến từ gia cầm cần đảm bảo vệ sinh. Các cơ quan chức năng cũng đã lập các trạm kiểm dịch trên các tuyến giao thông quan trọng, túc trực 24/24 giờ, quyết tâm không để lượng gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch xâm nhập địa bàn.
Dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của cả cộng đồng, vì vậy mỗi người dân cần nâng cao ý thức, phối hợp với các cơ quan chức năng phòng, chống dịch cúm gia cầm. Ý thức phòng, chống bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất như tiêm phòng, nhốt gia cầm trong chuồng, không vận chuyển, không vứt lông bừa bãi...
Anh Thư