Kinh tế xã hội

Khi người nông dân 'khóc' bên ruộng rau

08:03, 20/02/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Vụ Đông Xuân năm 2013 - 2014, thời tiết nắng ấm, các loại rau, củ quả sinh trưởng và phát triển tốt. Nhìn chung, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có một vụ gieo trồng rau bội thu. Sản lượng rau các loại tăng gấp nhiều lần so với những năm trước đây. Thế nhưng, khi vào vụ thu hoạch, giá rau lại “tụt dốc không phanh”. Các loại rau giá rẻ như bèo khiến người nông dân dở khóc, dở cười. 
 
Xã Nghi Kim là một trong những địa phương cung ứng nguồn rau xanh khá lớn cho TP Vinh và các vùng phụ cận. Nhờ sự dày công chăm bón của người nông dân, thời điểm cuối năm 2013, trên 40 ha rau các loại tại những cánh đồng chuyên canh rau ở địa phương này đã lên vồng, trải dài một màu xanh mơn mởn. Nhưng xen lẫn niềm vui được mùa ấy, hàng trăm hộ nông dân đang rầu rĩ bởi những ngày qua, giá rau rớt thê thảm. Chị Nguyễn Thị Huân ở xóm 3 cho biết: Dịp cận Tết Nguyên đán, giá rau giảm gần 50%, lại tiêu thụ rất chậm, khiến hàng nghìn hộ trồng rau không khỏi lo lắng. Những ngày đầu năm mới, thời tiết nắng ấm nên rau tốt vùn vụt từng ngày. Ấy thế mà nhổ rau ra chợ bán lại mang về. Nhập cho các tiểu thương kinh doanh rau tại các chợ trên địa bàn TP Vinh cũng chỉ với số lượng không đáng kể.
 
Tuy được mùa nhưng các sản phẩm rau xanh lại rớt giá, nên người sản xuất hầu như không có lãi. Theo ông Nguyễn Văn Chuyển - Trưởng ban Nông nghiệp Phát triển Nông thôn xã Nghi Kim, nguyên nhân chính dẫn đến giá rau xanh hạ tới mức quá thấp là do năm nay thời tiết đầu vụ không thuận lợi, thời điểm trước khi gieo trồng, bão lũ, mưa nhiều làm chậm thời gian canh tác nên khi thời tiết thuận lợi, bà con gieo trồng đồng loạt tất cả các loại rau. Lúc thời tiết khắc nghiệt, rau đắt đỏ thì lại chưa kịp tốt để bán. Gần Tết, thời tiết lại nắng ấm, thuận lợi cho cây rau phát triển, bởi vậy sản lượng rau thu hoạch khá lớn và chất lượng rau rất tốt. Thế nhưng, lúc này sức mua lại giảm, cung vượt cầu nên giá rau rớt thê thảm. Đối với số rau chưa đến kỳ thu hoạch, người dân giữ tại ruộng, chờ dịp sau Tết bán, hoặc để làm giống cho vụ sau. Hoặc phát triển sang các loại rau màu trái vụ, có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập, nay cũng nằm trong tình trạng chung rớt giá. Bởi vậy, tuy người nông dân Nghi Kim trải qua một năm được mùa rau, nhưng so với số tiền vốn bỏ ra và công chăm bón cũng như vật tư phân bón để trồng rau thì có thể thấy bị thua lỗ nặng.
 
Nghịch lý được mùa, mất giá lại tái diễn khiến người nông dân  méo mặt bên những ruộng rau
Nghịch lý được mùa, mất giá lại tái diễn khiến người nông dân méo mặt bên những ruộng rau
 
Khác với những năm trước, vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán, giá các loại rau, củ, quả thường tăng cao, năm nay, nhiều loại rau, củ không những không tăng giá mà còn giảm mạnh khiến người nông dân lâm vào cảnh được mùa nhưng lại thất bát, thua thiệt. Qua khảo sát mấy ngày gần đây, giá rau xanh trên thị trường thành phố Vinh bị giảm giá chưa có điểm dừng, có khi giảm 50% so với thời điểm cách đây hơn 1 tháng. Chiều 15/2, tại chợ rau ngã tư chợ Vinh, giá rau cải xanh chỉ ở mức 1.000 - 2.000 đồng/bó, cải thìa 2.000 đồng/bó, rau cúc 5.000 đồng/kg, xà lách 2.000 - 3.000 đồng/kg, cải bắp 2.000 đồng/kg, rau mùi chỉ có giá 1.000 đến 1.500 đồng/bó. Nếu làm một phép tính đơn giản về kinh tế trong việc trồng rau thì người nông dân bị thiệt đơn, thiệt kép, làm nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh khó khăn.
 
Không riêng bà con nông dân trồng rau ở các xã ngoại ô TP Vinh  mà hầu hết các địa phương có truyền thống trồng rau khác như Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên… đều có chung nỗi buồn vì rau được mùa nhưng mất giá. Trong một thời gian ngắn, nông dân chưa kịp mừng được mùa rau, đã phải chịu thất thu. Đợt ngập úng lịch sử cuối năm 2013, nhiều diện tích rau màu của các vùng chuyên canh rau tại tỉnh ta bị hư hỏng nặng. Địa phương bị thiệt hại lớn phải kể đến huyện Quỳnh Lưu, bà con vùng chuyên canh rau đã khôi phục trồng rau gần 1.000 ha, riêng vùng bãi ngang trên 500 ha.
 
Nhìn chung, vụ rau Đông Xuân 2013 - 2014, thời tiết khá thuận lợi cho người chuyên canh trồng rau và kể cả người trồng rau không chuyên nghiệp. Do không có sự chỉ đạo thời vụ, nên chính cây rau là cây kinh tế của nông dân đã thành một thứ cây trồng phi kinh tế? Bài học cho người nông dân và đặc biệt cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thiếu quan tâm chỉ đạo cụ thể về mùa vụ, dẫn đến người nông dân bị thiệt thòi, gặp khó khăn cho gieo trồng cây nông nghiệp.
 
Trong khó khăn thua thiệt vụ rau vừa qua, người nông dân đang lo lắng cho vụ chiêm xuân. Mong rằng, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể tại các địa phương tạo mọi điều kiện, đặc biệt về vốn để nông dân tổ chức làm vụ chiêm xuân và vụ hè thu 2014 thắng lợi.

L.H

Các tin khác