Khoa học - Công Nghệ
Phân biệt hàng Apple chính hãng và xách tay (Kỳ 1)
Kỳ 1: Thế nào là hàng xách tay, thế nào là hàng chính hãng?
Hiện nay thị trường hàng Apple (iPad, iPhone, Macbook) ở Việt Nam cực kỳ hỗn loạn. Điều đáng ngạc nhiên là với đủ chủng loại hàng hóa, nhưng hầu như tất cả các cửa hàng chuyên doanh mặt hàng Táo Khuyết đều khẳng định nguồn hàng của mình là chính hãng, rất hiếm nơi nhận là hàng “xách tay”. Vậy làm sao để phân biệt được hàng “xách tay” hay hàng “chính hãng”? Đây là một vấn đề quan trọng, liên quan tới quyền lợi của người tiêu dùng, vì chính sách của Apple đối với 2 loại mặt hàng này là rất khác nhau.
Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu những cách thức để phân biệt 2 loại mặt hàng này.
Tiêu chuẩn để được công nhận là hàng chính hãng |
Hiện nay có rất nhiều cách phân biệt được phổ biến trên mạng, nhưng để có câu trả lời chính xác nhất, chúng tôi đã tiến hành liên hệ với anh Nguyễn Thế Kha, Phó giám đốc Trung tâm Apple - Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT, đơn vị được ủy quyền phân phối chính thức sản phẩm Apple tại Việt Nam.
Khi được hỏi về thế nào là hàng chính hãng Apple, anh Kha đưa ra những tiêu chí bắt buộc khi 1 sản phẩm muốn được coi là sản phẩm chính hãng Apple như sau:
1. Là sản phẩm được sản xuất bởi hãng Apple.
2. Được nhập khẩu bởi các công ty Apple đã ký hợp đồng nhập khẩu (Đối tác nhập khẩu của Apple).
3. Có hoá đơn VAT (với thông tin thể hiện đúng và đủ với tên máy).
4. Có tem nhập khẩu và tem kiểm định chất lượng ICT.
5. Được bảo hành theo chính sách bảo hành công bố của hãng Apple.
Riêng về tiêu chí thứ 5, anh Kha cho biết, ngoại trừ iPhone chỉ được bảo hành tại quốc gia bán ra, thì các mặt hàng như iPad hay Macbook đều hưởng chế độ bảo hành toàn cầu, nghĩa là cho dù mua từ nước ngoài mang về thì các sản phẩm này vẫn được các địa chỉ bảo hành của Apple ủy quyền giải quyết khi gặp lỗi, hỏng hóc. Do đó, nhiều cửa hàng vin vào việc “sản phẩm được bảo hành chính hãng nên là hàng chính hãng” hoàn toàn không chính xác.
Không như iPhone, iPad và Macbook nhận được sự bảo hành toàn cầu, có nghĩa là chỉ dựa vào điều kiện này không thể nhận xét là sản phẩm có chính hãng hay không
Khi đi mua hàng, cửa hàng được ủy quyền bán hàng chính hãng từ Apple sẽ có các loại chứng từ:
1. COO (giấy chứng nhận nhập khẩu).
2. Thư uỷ quyền của Apple.
3. Hoá đơn VAT cần phải có có cho từng sản phẩm bán ra dù khách là cá nhân hay doanh nghiệp. Đồng thời hoá đơn phải ghi rõ tên đầy đủ về sản phẩm được bán ra (thay vì chỉ ghi chung chung là Máy tính bảng, Điện thoại, hay Máy tính).
Trên hàng hóa sẽ có các loại tem:
1. Tem đơn vị nhập khẩu (Đơn vị này phải là đối tác của Apple)
2. Tem ICT (với tên đơn vị nhập khẩu và được cấp bởi Bộ Thông tin Truyền Thông).
Sản phẩm phân phối chính hãng phải có cả tem của nhà nhập khẩu được ủy quyền, và tem ICT của Bộ Thông tin & Truyền thông
Danh sách các cửa hàng được ủy quyền bán hàng của Apple sẽ có trên trang chủ của hãng tại địa chỉ sau đây:
- Địa chỉ các cửa hàng Apple ủy quyền tại Hà Nội
- Địa chỉ các cửa hàng Apple ủy quyền tại TP.HCM
Danh sách các cửa hàng được ủy quyền bán sản phẩm Apple có thể tìm thấy trên website của hãng |
Về điều kiện hóa đơn VAT, nhiều cửa hàng thường viện cớ máy mới về kho, chưa xuất được hóa đơn nên hẹn khách lúc khác quay lại để lấy sau. Thực tế, cho dù khách có quay lại để lấy thì hóa đơn này cũng ghi không rõ ràng, nếu có rõ thì khi kiểm tra IMEI cũng không đúng với trên máy bán ra. Bạn đọc cần chú ý rõ.
Cũng theo anh Kha, còn một loại hàng hóa khác cũng có thể gọi là hàng “chính hãng”: đó là các loại hàng được nhập không thông qua nhà phân phối mà nhập chính thức từ các đại lý từ nước ngoài, qua đường hải quan, có đóng thuế đầy đủ, có hóa đơn khi yêu cầu. Loại hàng này so với loại hàng chính hãng kể trên thì chỉ thiếu tem của đơn vị nhập khẩu chính thức. Tuy vậy, do phải qua quy trình khá “dài dòng” như vậy nên mức giá của những sản phẩm này nhiều khi còn cao hơn cả hàng chính hãng (tiêu biểu có thể thấy là các mặt hàng được bán ở đợt đầu, khi mà các đơn vị phân phối chính thức chưa có hàng). Để giảm giá thành cũng như tối đa hóa lợi nhuận, các đơn vị kinh doanh nhiều khi thực hiện các thủ thuật như tráo đổi phụ kiện, thậm chí tráo đổi cả máy rồi đóng lại seal, khách hàng không cẩn thận check trên website của Apple có thể mua nhầm.
Cần chú ý check thông tin trên trang của Apple khi mua hàng |
Các mặt hàng không đáp ứng được các tiêu chí trên thì không được phép gọi là hàng chính hãng, mà phải được phân loại là hàng xách tay. Hàng xách tay theo luật chỉ được sử dụng với mục đích cá nhân, không được phép kinh doanh thương mại (bán hàng, xuất hóa đơn). Đó là lý giải cho việc đa phần các cửa hàng bán đồ xách tay phải “cãi sống cãi chết” rằng hàng hóa của mình là hàng chính hãng. Họ thường không để hàng tại cửa hàng, showroom chính thức mà khi khách có nhu cầu sẽ được dặn là “chờ một lúc, để lấy hàng từ kho”. Lý do là việc đặt hàng xách tay tại các địa điểm này sẽ gặp rất nhiều rắc rối khi gặp các đoàn thanh, kiểm tra, quản lý thị trường.
Theo Techz