Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201402/quy-trinh-tham-dinh-va-nghiem-thu-cau-con-nhieu-so-ho-456101/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201402/quy-trinh-tham-dinh-va-nghiem-thu-cau-con-nhieu-so-ho-456101/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Quy trình thẩm định và nghiệm thu cầu còn nhiều sơ hở? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 27/02/2014, 15:02 [GMT+7]

Quy trình thẩm định và nghiệm thu cầu còn nhiều sơ hở?

Liên quan đến vụ sập cầu treo ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu), hiện nay cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra và dự kiến sẽ có kết luận trong tuần tới. Tuy nhiên, từ thảm họa này và nhìn lại hàng trăm cây cầu treo dân sinh ở các thôn, bản miền núi phía Bắc vẫn hằng ngày hàng giờ nhộn nhịp “cõng” người qua lại, người ta không khỏi giật mình…
 
Sáng 26/2, trở lại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu - nơi cách đây không lâu đã xảy ra vụ tai nạn sập cầu treo Chu Va 6 khiến 8 người thiệt mạng và 37 người bị thương, chúng tôi chứng kiến hình ảnh người dân địa phương chưa hết bàng hoàng trước hậu quả vụ tai nạn xảy ra. Cây cầu treo có chiều dài nhịp 54m vốn là cây cầu hằng ngày người dân bản Chu Va 6, Chu Va 8, xã Sơn Bình sử dụng giờ đã lật nghiêng hoàn toàn.
 
Anh Hoàng Văn Tỷ, Trưởng Công an xã Sơn Bình, người cùng đi với đoàn người đưa đám ma hôm ấy chưa hết hoảng hồn, kể lại. Cây cầu treo Chu Va 6, được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2012. Mọi sinh hoạt của người dân bản địa nhất là ở hai bản Chu Va 6 và Chu Va 8 theo đó được diễn ra thuận lợi. Bà con phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất. Anh Tỷ nhớ như in khoảnh khắc đau lòng hôm ấy.
 
Hiện trường vụ sập cầu treo Chu Va 6 (Lai Châu)
Hiện trường vụ sập cầu treo Chu Va 6 (Lai Châu)
 
Sáng 24/2, mọi người đang tổ chức đưa linh cữu của một đồng chí công tác tại HĐND, UBND xã Sơn Bình. Khi tốp thứ 2 đi đến giữa cây cầu thì tai nạn đã ập đến. Cũng theo anh Tỷ, trước đó khi thấy, nhiều người đổ dồn lên cây cầu (ước tính hơn 50 người), anh đã cảnh báo mọi người không nên đi qua cùng một lúc. Thế nhưng...! Nói đến đây, trên đôi mắt anh Tỷ ngấn lệ.
 
Thống kê của UBND huyện Tam Đường cho thấy, hiện trên địa bàn huyện có hơn 30 cây cầu treo. Trong số này, có nhiều cây cầu có trọng tải lớn, đáp ứng nhu cầu lưu thông của các phương tiện, kể cả ôtô, đơn cử như cây cầu treo Chu Va 8 là một điển hình. Nhờ có cây cầu treo này, từ đường tỉnh lộ Tam Đường dẫn vào các bản làng vùng sâu, vùng xa của xã Sơn Bình, các phương tiện ôtô lưu thông dễ dàng thay vì thời điểm chưa có cây cầu như trước đây.
 
Ông Hoàng Thọ Trung - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết, trước vụ tai nạn xảy ra vào ngày 24/2 vừa qua, chưa hề xảy ra vụ tai nạn thương tâm nào liên quan đến hệ thống các cây cầu treo trên địa bàn. Để phòng ngừa số vụ tai nạn tương tự xảy ra, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành của huyện tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương, cắt cử các tổ công tác xuống địa bàn - nơi có cầu treo phổ biến kiến thức, tuyên truyền để người dân thấy được hiểm họa do sự bất cẩn khi sử dụng cầu treo gây ra. Đồng thời, để tạo điều kiện cho bà con các bản làng thuộc xã Sơn Bình, sau khi cây cầu treo Chu Va 6 bị sập, UBND huyện cùng các đơn vị chức năng đã cho mở một đường mòn dẫn qua suối.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), Tổ phó thường trực tổ công tác điều tra nguyên nhân sập cầu cho rằng, cáp cầu treo chịu được trọng tải tới 79 tấn, tự trọng của cầu cũng lớn nhưng kết cấu neo lại không đồng bộ với cáp. Tai nạn đã xảy ra do đứt óc neo - chính là vị trí chịu tải yếu nhất. Song khi phóng viên đặt vấn đề, phải chăng ngay từ đầu, khâu thẩm định nghiệm thu công trình đã có vấn đề, ông Sanh cho biết, đây là công trình của huyện quản lý, nên huyện nghiệm thu. Các yếu tố sẽ được tổ điều tra làm rõ là giới hạn an toàn của cầu treo (còn được hiểu là độ dư tải, cụ thể là xem xét chiếc tăng đơ có đảm bảo độ dư tải hay không); khi xây dựng xong cầu, các đơn vị liên quan có tổ chức thử tải theo quy định hay không... ông Sanh cho hay.
 
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quốc Toản - Vụ phó Vụ Kết cấu hạ tầng nhận định, nguyên nhân đứt óc neo là do tăng đơ và cáp không đồng bộ. Không có bảo vệ tăng đơ nên bộ phận này rất dễ bị gỉ sét, qua thời gian rất dễ bị bào mòn, ảnh hưởng đến chất lượng. Báo cáo Bộ trưởng Đinh La Thăng tại Lai Châu, ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ ATGT cũng khẳng định, không có cầu treo dân sinh nào có thể chịu được trọng lực khi đám đông hàng chục người cùng lúc đi qua, vì sẽ tạo dao động cộng hưởng. Trong khi đó, tại đây lại không có hướng dẫn kỹ về sử dụng và vận hành cầu treo, không có người giám sát nên số người qua cầu quá đông, quá khả năng chịu tải của cầu.
 
Trao đổi với PV, một chuyên gia cầu treo cho biết, xưa nay chúng ta thường quá chú trọng đến những vấn đề to tát, vĩ mô mà không nghĩ đến những chi tiết nhỏ có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của cả một công trình. Một cây cầu treo dân sinh được xây dựng có kinh phí từ vài trăm đến vài tỷ đồng, nhưng lại “chết” vì một con ốc hay tăng đơ là khó chấp nhận. Mặc dù còn đang chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng, nhưng rất có thể đơn vị xây cầu không kiểm soát được độ rung lắc khi có người và phương tiện đi qua, nên khi bị quá tải (trọng tải thiết kế 1,5 tấn), lập tức gây nên cộng hưởng lực, làm cầu đứt óc neo; cơ quan kiểm định cũng chưa sâu sát nên mới xảy ra thảm cảnh này.
 
Được biết, tại buổi làm việc ở hiện trường, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị lãnh đạo tỉnh Lai Châu yêu cầu Công an điều tra làm rõ nguyên nhân sập cầu. Từ vụ tai nạn này, tới đây, những cầu treo dân sinh vẫn phải có cơ quan chức năng của ngành Giao thông thẩm tra thiết kế, khi xong phải có nghiệm thu và hướng dẫn sử dụng, nếu ở vùng dân tộc thiểu số phải có hướng dẫn cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu rà soát lại thiết kế các dự án cầu treo đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng để phù hợp với điều kiện khai thác và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng quy chế quản lý, khai thác, bảo trì cầu treo trình Bộ trước ngày 31/3; giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì, phối hợp với Vụ An toàn giao thông, Vụ Khoa học - Công nghệ thẩm định trình Bộ trưởng ban hành trong tháng 4/2014.
 
Điện Biên sẽ tiến hành lắp đặt biển báo tại hàng trăm cầu treo dân sinh
 
Chiều 26/2, trao đổi nhanh với phóng viên, ông Tống Duy Kim, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có hàng trăm cầu treo dân sinh. Sở GTVT đang khẩn trương cho tiến hành rà soát, thống kê cụ thể số lượng và tải trọng cụ thể từng cầu và báo cáo với Bộ GTVT trong thời gian sớm nhất. “Một trong những biện pháp đang được tiến hành ngay là chúng tôi đã cử cán bộ rà soát lại quy trình và tổ chức kiểm định chất lượng các cầu ở các địa phương, đồng thời lắp đặt ngay biển báo quy định tải trọng, có bảng hướng dẫn chi tiết để đáp ứng việc đi lại của người dân và phương tiện” – ông Tống Duy Kim nhấn mạnh.
.

CAND