Kinh tế xã hội
Leo 'nóc nhà Đông Dương' săn tùng núi
08:58, 06/02/2014 (GMT+7)
Thú chơi “không giống ai” của cư dân chịu chơi đất Sa Pa khiến không ít người phải ngỡ ngàng: lên đỉnh Phan Si Păng săn tùng núi về... chơi cảnh.
Vườn tùng núi của ông N.V.T, một người dân ở ngay thị trấn Sa Pa khiến dân đam mê cây cảnh không khỏi phải thán phục: những chậu bonsai của ông, hầu hết đều là tùng núi lấy từ trên đỉnh Phan Si Păng về, sau đó thuần, ghép với gốc gỗ lũa, ươm vào chậu.
Hành trình lên được đỉnh "nóc nhà Đông Dương" đã là cả một kỳ công, nhưng công phu hơn, đó là chiết được những cành tùng núi về mặt đất, ghép với gốc gỗ lũa, đó là cả một quá trình miệt mài.
Những cành tùng được chiết trên đỉnh "nóc nhà Đông Dương" được tạo dáng trên những gốc gỗ lũa |
Tùng là loại cây cảnh rất khó tạo dáng, càng khó hơn đối với những cành tùng chiết từ cây mẹ đã quen với khí hậu trên đỉnh núi cao. Khi mang xuống mặt đất, ông T. phải kiên nhẫn dưỡng cho cây ra rễ, sau đó ghép với những gốc lũa để tạo dáng.
Vẻ xù xì, hoang sơ của những cây tùng núi tạo cho chúng một nét đẹp rất đặc trưng |
Hiện tại, vườn tùng núi của ông N.V.T đã lên đến cả trăm chậu. Tất cả chúng được ông bày trên ban công, sân thượng... của ngôi nhà ba tầng gần cồng chợ Sa Pa (mới).
Sự độc đáo của những chậu tùng núi này còn ở chỗ, xung quanh thân cây vẫn còn nguyên những mảng địa y, rêu, tầm gửi... bám vào. Nhiều gốc vẫn còn những mảng mốc xanh do những cây tầm gửi nhỏ ký gửi từ khi chúng còn sống trên đỉnh núi.
Mặc dù chưa đạt đến độ thẩm mỹ như những chậu cảnh, bonsai... do các nghệ nhân cây cảnh dưới xuôi tạo hình, thế nhưng, vẻ hoang dại của những chậu tùng núi cũng là những vẻ đẹp riêng khiến dân chơi cây mê mẩn. Có lẽ, càng kinh ngạc hơn khi người xem biết được nguồn gốc của chúng, khi được "cha đẻ" của nó mang về từ "nóc nhà Đông Dương".
Thú chơi công phu của ông chủ vùng Đông Bắc khiến không ít dân chơi phải... cúi đầu |
VEF