Kinh tế xã hội
Nhộn nhịp hàng Tết online: Cẩn thận mất tiền như chơi!
Càng gần đến Tết Nguyên đán 2014, thị trường hàng Tết online càng trở nên nhộn nhịp. Nhiều người vì bận việc, hoặc không muốn chen chúc vào những siêu thị, cửa hàng đông đúc để mua hàng nên tìm đến giải pháp "nhanh" - "gọn" - "nhẹ" là sắm Tết online. Nắm bắt được xu hướng người tiêu dùng, gian hàng online mọc lên như "nấm" với đủ các mặt hàng khác nhau, từ hoa quả, bánh kẹo, rượu, bia… đến những hàng đặc sản các vùng miền, tuy nhiên không phải lúc nào những gian hàng online này cũng bán hàng "chuẩn" như lời quảng bá.
Gi gỉ gì gi cái gì cũng có
Sử dụng mạng xã hội để buôn bán, làm ăn nhỏ hiện rất phổ biến. |
Xu hướng bán hàng qua mạng ngày càng trở nên phổ biến vì đơn giản, dễ quảng cáo. Đặc biệt là vào dịp Tết, khi mà nhiều người không muốn chen chân trong những siêu thị, khu mua sắm đông đúc, chật kín người thì dịch vụ bán hàng qua mạng càng nở rộ. Từ những trang mạng xã hội, hay diễn đàn người dùng có thể tham khảo thông tin và đặt mua mọi thứ, từ cá kho, thịt hộp, thịt tươi, thuốc, mỹ phẩm, quần áo thời trang đến những thứ đắt đỏ như nhà cửa, ôtô...
So với năm ngoái, giá cả những mặt hàng Tết năm nay không đắt hơn là mấy, nhưng phong phú đa dạng hơn rất nhiều. Tại chuyên mục "Mua sắm Tết" của trang muare.com, khách hàng có rất nhiều chọn lựa cho việc sắm Tết của gia đình như chọn mua các sản phẩm truyền thống như bánh chưng, bánh tét, giò chả, hay bánh kẹo, ô mai... Đặc biệt, tại đây còn bán rất nhiều mặt hàng "độc" như bưởi hồ lô, thanh long ruột đỏ, dưa hấu vuông... cho tới những đặc sản nổi tiếng của các vùng miền như rượu cần Hòa Bình, rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn), rượu Bàu Đá (Bình Định), thịt trâu gác bếp Sơn La, lạp xường tươi Cao Bằng, chả bò Đà Nẵng, nem chua Bình Định, bánh tét miền Tây, mứt sấu, bánh cốm Hà Nội, tôm chua Huế, lợn mán, gạo Điện Biên...
Thậm chí những món ăn đậm chất truyền thống của người Việt cũng được quảng bá hấp dẫn trên các trang mạng xã hội như dưa chua, kiệu, giò thủ, khô cá lóc, bò bắp ngâm chua, tai heo ngâm nước mắm... Đặc biệt, mặt hàng thực phẩm chức năng cũng "bon chen" vào thị trường quà Tết, từ thuốc bổ da dưỡng tóc đến tăng cường sinh lực… được đóng gói trong những hộp quà khá đẹp mắt.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc lựa chọn quà Tết, nhiều gian hàng online còn chia sản phẩm theo từng chủ đề khác nhau. "Khách mua hàng chỉ cần lựa chọn mã số của mặt hàng cần mua, rồi sau đó chuyển khoản hoặc thanh toán trực tiếp khi giao hàng chứ không cần phải đến tận nơi để lựa chọn. Tất cả mặt hàng trong giỏ quà đều được đảm bảo về chất lượng cũng như nguồn gốc, xuất xứ" - một chủ trang web bán hàng Tết online quảng bá.
Không chỉ người bán có lợi mà người mua hàng qua mạng cũng có lợi khi không phải mất quá nhiều thời gian, công sức vào việc đi chợ, siêu thị… để tìm kiếm mua sắm… Chỉ bằng vài cú click chuột là người tiêu dùng có thể tìm được món đồ yêu thích, đặc biệt là có thể tham khảo giá cả một mặt hàng ở nhiều gian hàng khác nhau để có sự lựa chọn nhất định, hoặc tìm hiểu được những thông tin khuyến mại hấp dẫn mà có khi đi chợ "thật" cũng chưa chắc đã biết được.
Bán hàng dễ như trên… mạng
Việc mở những gian hàng online vừa tiết kiệm được chi phí thuê mặt bằng kinh doanh, vừa dễ dàng quảng bá các mặt hàng mà không mất nhiều tiền công khiến các chủ "đầu tư" ra sức rao vặt trên các diễn đàn và mạng xã hội. Chỉ cần có ý tưởng, có sản phẩm đưa lên FB, các diễn đàn rồi gửi đường link hay tag bạn bè vào là có thể bán sản phẩm do chính tay mình làm ra mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Chị Hương (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Tôi cũng chỉ mới nảy ra ý tưởng bán chè Ô Long qua FB gần đây thôi, vì thấy dịp Tết, bạn bè cơ quan tôi và cơ quan ông xã lùng mua nhiều quá, mình lại có người quen chuyên bán mặt hàng này, mà bạn bè trên FB cũng nhiều, thành ra là bán luôn. Được cái là có thể tag bạn bè mình vào, từ FB của người này, người kia sẽ nhìn thấy và cứ thế, mình quảng cáo được cho nhiều khách hàng. Lợi hơn thuê cửa hàng để bán nhiều".
Anh Bỉnh (Đống Đa, Hà Nội) buôn bán mặt hàng hoa quả nhập khẩu từ lâu, nhưng đến gần Tết Nguyên đán, 2014, nhận thấy nhu cầu mua sắm cây cảnh tăng cao, anh "liều mình" mở "gian hàng" bán quất, đào, mai vàng để quảng bá sản phẩm. "Lúc đầu là những người bạn quen trên FB, rồi qua người này người kia, rất nhiều người vào xem mặt hàng của chúng tôi. Chỉ cần ngồi một chỗ nhưng vẫn có thể làm được nhiều việc một lúc như là quảng bá sản phẩm, nhận đơn đặt hàng, giải đáp thắc mắc cho khách hàng…" - anh Bỉnh cho hay.
Càng gần đến ngày Tết, thị trường buôn bán trên mạng càng sôi động, các chủ hàng tung đủ "chiêu" giảm giá để kích cầu mua sắm. Trên nhiều trang mạng xã hội cũng như những trang rao vặt, những lời mời chào hấp dẫn, những chiêu PR được tung ra đủ để thu hút bất cứ sự chú ý của những ai đang lướt web.
Tuy nhiên chất lượng sản phẩm rao bán trên mạng vẫn chưa được cơ quan nào quản lý triệt để và việc người mua bị lừa đảo khi chuyển khoản mà không nhận được tiền, hay mua phải những mặt hàng kém chất lượng, không đúng như mẫu mã quảng cáo… là chuyện bình thường.
Chị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn không giấu được bức xúc khi nhớ lại vụ mua phải giỏ quà Tết đã hết hạn năm ngoái. Vì không có thời gian đi sắm Tết, chị lên mạng tìm mua giỏ quà Tết để mang về biếu gia đình nhà chồng. Thấy giỏ quà được gói rất đẹp với đủ sản phẩm uy tín của các hãng sản xuất bánh kẹo, rượu bia trong nước, chị không ngần ngại đặt mua luôn. Lúc nhận hàng, chị cũng không gỡ giấy bóng kiểm tra các mặt hàng vì thấy chúng đều được gói gọn gàng, bắt mắt, nhưng sau Tết khi mẹ chồng chị gỡ giỏ quà ra mới ngã ngửa bởi các mặt hàng đều đã hết hạn sử dụng một tháng trước, từ đó chị "cạch" luôn việc mua hàng online.
Việc bán hàng hết date chỉ là một trong rất nhiều thủ đoạn lừa đảo của các chủ hàng online. Có người tiêu dùng còn bị lừa một cách trắng trợn khi đặt mua quần áo trên mạng, nhưng sau khi chuyển khoản xong xuôi thì chủ hàng lại lặn mất tăm. Vì quá bức xúc, chị này còn đưa hẳn đường link lên FB để cảnh báo cho bạn bè.
Ngày 01-01-2014, Nghị định 185/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bắt đầu có hiệu lực. Theo Nghị định 185, mức xử phạt hành chính đối với cá nhân sẽ dao động từ 10-50 triệu đồng, với các tổ chức, doanh nghiệp sẽ phạt từ 10-100 triệu đồng nếu không đăng ký, hoặc chuyển nhượng nhưng không thông báo lại với cơ quan quản lý. Hành vi cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không đúng với hồ sơ đăng ký hoặc gian dối, cung cấp thông tin sai sự thật hoặc lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép... cũng bị áp dụng mức phạt như trên.
Cùng với việc phạt tiền, các website cung cấp dịch vụ vi phạm cũng sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 6 - 12 tháng và bị tịch thu tang vật, phương tiện, thu hồi tên miền ".vn" mà các cá nhân, tổ chức này sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, đa phần các cá nhân cũng như nhiều bạn trẻ đang tận dụng mạng xã hội để kinh doanh nhỏ phần lớn được hỏi đều không biết quy định phải thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến việc kinh doanh đến cơ quan quản lý.
Hiện nay việc mua bán qua mạng Internet đang ngày càng phổ biến và thu hút người tiêu dùng. Các cửa hàng này được cho là có giá bán thấp vì người kinh doanh không mất tiền mặt bằng, thông tin về sản phẩm nhanh, đa dạng. Còn đối với người mua thì chỉ cần ngồi một chỗ có thể xem được tất cả mặt hàng mình cần, lại không mất thời gian đi lại do có thêm dịch vụ ship hàng của các shop online. Trước những tiện ích như trên, dịch vụ mua bán trên mạng được dịp bùng phát mà không có cơ quan chức năng nào quản lý. Vì thế mà việc phát tán những mặt hàng cấm như "bóng thổi gây cười" hay "nước hoa kích dục"... bằng con đường mua bán trên mạng ngày càng khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, dịch vụ bán hàng trên mạng hiện còn tiềm ẩn nhiều giao dịch mang tính lừa đảo, vi phạm pháp luật nhưng nếu người mua nào có gặp phải trường hợp bị lừa mất tiền thì cũng chẳng biết kêu ai, bởi giá trị các món hàng thường không quá lớn để gây được chú ý của những người "có trách nhiệm" giải quyết.
CSTC