Kinh tế xã hội

Động lực mới, xung lực mới, kỳ vọng mới!

07:27, 03/02/2014 (GMT+7)

Năm Quý Tỵ 2013, tăng trưởng GDP đạt được nhiều kết quả tích cực. Vì thế, năm nay, năm Giáp Ngọ, nhiều chuyên gia kỳ vọng nền kinh tế sẽ vượt dốc đi lên. Kỳ vọng này xuất phát từ động lực mới, xung lực mới. Tăng trưởng GDP năm 2012 ở mức thấp nhất tính từ năm 2000 (chỉ cao hơn tốc độ tăng 4,77% của năm 1999, khi Việt Nam bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ xảy ra ở khu vực từ năm 1997).

Tăng trưởng năm 2012 cũng thấp hơn tốc độ tăng 5,4% của năm 2009, khi Việt Nam bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới xảy ra năm 2008, bùng phát vào năm 2009.

MỘT SỐ CHỈ TIÊU 2012, 2013 VÀ KẾ HOẠCH 2014

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Nghị quyết của Quốc hội
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Nghị quyết của Quốc hội

Tăng trưởng GDP năm 2013 đạt được nhiều kết quả tích cực dưới các góc nhìn khác nhau. Có xu hướng cao lên qua các quý (quý I tăng 4,76%, quý II tăng 5%, quý III tăng 5,54%, quý IV tăng 6,04%). Tuy thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch (5,5%), nhưng cao hơn năm 2012, nên có thể được coi là đạt được mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội (tăng trưởng cao hơn). Tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành, trong đó một số ngành, nhóm ngành có tốc độ cao hơn năm trước, như ngành công nghiệp chế biến chế tạo (7,44% so với 5,8%), ngành xây dựng (5,83% so với 3,25%), nhóm ngành dịch vụ (6,56% so với 5,9%)…

Cơ cấu GDP chuyển dịch so với năm trước theo hướng: Tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp giảm (từ 19,67% xuống 18,39%), tỷ trọng 2 nhóm ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ tăng lên (từ 80,33% lên 81,61%), trong đó nhóm ngành dịch vụ tăng khá (từ 41,7% lên 43,31%). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện một bước, khi tăng trưởng GDP đạt cao hơn, với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP đạt thấp hơn do hiệu quả đầu tư khá hơn (hệ số ICOR giảm từ 5,9 lần xuống còn 5,6 lần), tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn (4% so với 2,5%). GDP bình quân đầu người tính bằng USD đạt đỉnh cao mới (1.899 USD so với 1.749 USD)…

Các kết quả trên càng có ý nghĩa khi đạt được trong điều kiện tập trung cho mục tiêu ưu tiên tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và việc thực hiện các mục tiêu này với kết quả tích cực.

Trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam đã ở vị thế xuất siêu năm thứ hai liên tiếp. Diễn biến trên cộng với số ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn (FDI, ODA, kiều hối, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam…), cộng với tâm lý giữ ngoại tệ của các chủ thể trên thị trường giảm, nên cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng và đạt được ranh giới an toàn tài chính và tính thanh khoản của quốc gia, tỷ giá ổn định…

Chênh lệch giữa vốn đầu tư/GDP và để dành/GDP tiếp tục giảm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tuy dồn vào cuối năm, nhưng tính chung cả năm vẫn là năm tăng thấp thứ ba liên tiếp và hệ số giữa tốc độ tăng dư nợ tín dụng so với tốc độ tăng GDP vẫn ở mức 2 lần, thấp xa so với hệ số 5-6 lần trong thời gian từ năm 2010 trở về trước.

Tính thanh khoản - yếu tố quan trọng nhất của an toàn hệ thống - được cải thiện một bước. Thu ngân sách tính đến ngày cuối cùng của năm đã vượt dự toán do Quốc hội duyệt, trong khi một số khoản thu được cắt giảm, giãn hoãn và một số khoản chi, nhất là chi cho an sinh xã hội, phòng, chống, khắc phục thiên tai… lại tăng.

Bên cạnh các kết quả tích cực, năm 2013 cũng còn những hạn chế, trong khi tăng trưởng GDP theo kế hoạch năm 2014 cao hơn năm 2013. Đó là một kỳ vọng, khi vừa phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, vừa phải đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng… Trong khi đó, theo kế hoạch 2014, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP thấp hơn, tốc độ tăng xuất khẩu chậm lại và nhập siêu với mức cao (chiếm 6% kim ngạch xuất khẩu, tính ra lên tới trên 8,7 tỷ USD)…

Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử của Công ty trách nhiệm hữu hạn Matsumura Electronics (Khu công nghiệp Mỹ Phước, Bình Dương). Ảnh: TTXVN
Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử của Công ty trách nhiệm hữu hạn Matsumura Electronics (Khu công nghiệp Mỹ Phước, Bình Dương). Ảnh: TTXVN


Để khắc phục các hạn chế, bất cập và để thực hiện mục tiêu 2014 cũng như trong thời kỳ mới, cần phải có động lực mới, xung lực mới.

Động lực mới, xung lực mới bắt nguồn từ đổi mới thể chế, có thể coi là cuộc Đổi mới lần hai, tiếp theo cuộc Đổi mới lần một, được khởi xướng từ Đại hội VI. Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đã phác họa những điểm mấu chốt nhất của công cuộc Đổi mới lần thứ hai này, đó là Dân chủ, Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đổi mới về bản chất là dân chủ hóa. Đổi mới lần thứ hai về bản chất là mở rộng dân chủ. Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Hơn thế nữa, người dân trực tiếp và thông qua đại diện của mình để giám sát cơ quan và cán bộ nhà nước. Thủ tướng cũng chỉ rõ “dân chủ trực tiếp càng sâu rộng và thực chất thì dân chủ đại diện càng hiệu qủa… Sớm thực hiện thí điểm Nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã…”

Đổi mới lần thứ hai thực chất là xây dựng Nhà nước pháp quyền. Để xây dựng Nhà nước pháp quyền, Thủ tướng chỉ rõ một số nội dung cần hoàn thiện. Trước hết, cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển, như tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế, tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể trên thị trường cạnh tranh bình đẳng, kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp. Bộ máy phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật kỷ cương, trong sạch, vững mạnh.

Đổi mới lần hai về thực chất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó có một số điểm cần đặc biệt quan tâm. Tôn trọng đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường (bàn tay vô hình); đồng thời cần có công cụ điều tiết và chính sách (bàn tay hữu hình) vừa để khắc phục các khiếm khuyết, tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, vừa để bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội. Kiên định thực hiện lộ trình giá thị trường, vừa bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng, vừa hỗ trợ đối tượng chính sách (người nghèo, người có công, dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa…). Kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn là bước đi trước và xuyên suốt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Đổi mới lần hai để phát huy nội lực, coi đó là yếu tố quyết định, đồng thời coi việc thu hút ngoại lực là nguồn quan trọng. Một mặt coi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một bộ phận quan trọng của toàn bộ nền kinh tế, đồng thời tranh thủ thu hút nguồn vốn FDI đang có xu hướng vào Việt Nam mạnh hơn, ngoài việc tận dụng ưu thế nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công còn rẻ, có dung lượng thị trường lớn…, còn để đón đầu khi Việt Nam thực hiện cam kết hội nhập sâu, rộng hơn.

Chinhphu

Các tin khác