Bộ Công Thương chỉ đạo các nhà máy điện khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết về hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở pháp lý để sớm tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Thông báo số 67/TB-VPCP.
Ảnh minh họa |
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành thị trường điện; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo đảm an ninh hệ thống trong các trường hợp hạn chế về lưới điện, nhiên liệu, ràng buộc về bảo đảm dòng chảy tối thiểu, cấp nước hạ du của các nhà máy thủy điện,…
Đồng thời ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về thị trường điện để các nhà máy thủy điện đa mục tiêu có thể tham gia thị trường điện, đảm bảo tính minh bạch trong việc tham gia các hoạt động của thị trường điện trong điều kiện các nhà máy thủy điện đa mục tiêu hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Bên cạnh đó chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức việc kiểm tra công tác thanh toán trong thị trường điện nhằm bảo đảm quy trình thanh toán thực hiện theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.
Chuẩn bị các điều kiện hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hình thành và phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh tại Việt Nam theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Thủ tướng lưu ý, thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh từng bước, thận trọng, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tổ chức hội thảo trong nước (có thể mời chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm) để tìm ra được mô hình thị trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu của thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các Tổng công ty điện lực sẽ là các đơn vị chính mua buôn điện và có thể xem xét bổ sung thêm một số khách hàng sử dụng điện lớn tham gia mua buôn điện để tăng tính cạnh tranh trên thị trường; tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện tham gia trực tiếp trên thị trường đăng ký với Công ty mua bán điện sang ký với các Tổng công ty điện lực, trên cơ sở giá mua điện bình quân gia quyền của các Tổng công ty điện lực bảo đảm trang trải được các chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý (tỷ suất lợi nhuận của các Tổng công ty điện lực tương đương nhau),…
Để bảo đảm tính cạnh tranh, hiệu quả trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các Tổng công ty điện lực thực hiện mua buôn điện trên thị trường điện, tỷ lệ mua buôn điện giao ngay được tăng dần theo từng bước phát triển của thị trường.
Bộ Công Thương chỉ đạo từng bước nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ tốt hơn cho công tác vận hành, giám sát thị trường.
Đẩy nhanh phát triển hạ tầng CNTT phục vụ vận hành hệ thống điện
Phó Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương xây dựng, bổ sung, sửa đổi kịp thời các quy trình hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác vận hành hệ thống điện.
Đồng thời đẩy nhanh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống điện, nhất là xây dựng hệ thống SCADA/EMS; đảm bảo phối hợp tốt với hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện; tiếp tục công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các đơn vị tham gia thị trường điện.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương đàm phán, ký hợp đồng với các nhà máy điện đã vận hành nhưng chưa có hợp đồng mua bán điện, báo cáo Bộ Công Thương để chỉ đạo thời điểm tham gia vận hành trong thị trường phát điện cạnh tranh.
Đến cuối năm 2013, toàn hệ thống điện có 102 nhà máy điện đang vận hành và tham gia thị trường điện với tổng công suất 26.901 MW. Trong đó có 48 nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường với tổng công suất lắp đặt 11.947 MW, chiếm 44,4% toàn hệ thống. Các nhà máy còn lại tham gia thị trường theo hình thức gián tiếp gồm các nhà máy thủy điện đa mục tiêu, các nhà máy điện BOT, nhiệt điện chạy dầu/than nhập đắt tiền và các nhà máy hưởng cơ chế đặc thù.
So với thời điểm mới vận hành thị trường tháng 7/2012, số lượng nhà máy điện trực tiếp chào giá tăng thêm 12 nhà máy. Giá điện năng thị trường phản ánh rõ nét điều kiện vận hành thực tế của hệ thống điện trong từng thời điểm trong năm, góp phần đảm bảo huy động điện bám sát nhu cầu thị trường. Tổng sản lượng các nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường đạt mức 52,8 tỷ kWh, chiếm hơn 40% tổng sản lượng toàn hệ thống.
Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) trong năm 2014 có trên 11.947MW tổng công suất đặt của các nhà máy điện sẽ chính thức tham gia trực tiếp trên thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM).
Cụ thể, năm 2014 sẽ có tổng số 48 nhà máy điện tham gia chào giá trực tiếp trên VCGM, với tổng công suất đặt là hơn 11.947 MW. Trong đó, khu vực miền Bắc có 16 nhà máy với tổng công suất 4.459 MW, miền Trung là 17 nhà máy với 2.070 MW và con số này ở miền Nam là 15 nhà máy và 5.417 MW tổng công suất.
Cục Điều tiết Điện lực cũng cho biết, ngoài các nhà máy tham gia chào giá trực tiếp, năm 2014 cũng sẽ có 25 nhà máy tham gia gián tiếp trên thị trường phát điện cạnh tranh, với tổng công suất đặt là 11.983 MW.
.