Liên quan đề án tinh giản tới 100 nghìn biên chế với kinh phí 8 nghìn tỉ đồng trong 6 năm, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nói: “Tôi cho rằng, 100.000 cũng chỉ là số lượng dự kiến. Nhưng điều quan trọng là phải xác định được trách nhiệm, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh |
Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh: Dự thảo lần này là tiếp nối của Nghị định 16 và Nghị định 132 của Thủ tướng Chính phủ về tinh giản biên chế, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Mục tiêu để những người chưa đến tuổi về hưu có thể về hưu trước tuổi, hoặc những người làm việc không đảm bảo chất lượng thì cũng về trước tuổi.
Qua kinh nghiệm của Nghị định 16 và Nghị định 32, Bộ dự kiến lần này sẽ tinh giản khoảng 100.000 cán bộ công chức. Trong quá trình thực hiện có thể hơn, hoặc kém con số 100.000, nhưng mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chất lượng của đội ngũ công chức, để phục vụ các cơ quan hành chính Nhà nước.
- Tức là các cơ quan đều phải tinh giảm?
Phải xác định cơ cấu việc làm và cơ cấu công chức. Theo đó, từng cơ quan, theo chức năng nhiệm vụ của mình phải xác định cần bao nhiêu cán bộ công chức và cơ cấu như thế nào để đảm bảo nhiệm vụ được giao. Nếu không thì cứ nói là tinh giản, nhưng lại không đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra.
- Có dư luận rằng “30% công chức cắp ô không làm được gì”, còn Bộ Nội vụ lại chỉ nói có 1%. Tại sao lại chênh lệch như vậy, thưa ông?
Nếu nói về con số mà các Bộ ngành báo cáo lên thì chính thức là con số mà Bộ trưởng Nội vụ đã công bố tại Quốc hội, tức xấp xỉ 1%. Bộ Nội vụ cũng đã có hướng dẫn theo phân loại công chức, các Bộ, ngành, địa phương phải đánh giá theo tinh thần đó. Nếu những đơn vị đánh giá không đúng, phải đánh giá lại.
- Khi Bộ chỉ gói trong 1% khiến nhiều người bật cười, liệu có sự che giấu sự thực ở đây? Có đơn vị còn thẳng thắn nói rằng, công chức cắp ô có nơi phải chiếm tới 70% chứ không chỉ 30%?
Con số 30-40% chỉ là theo đánh giá từng cá nhân, còn đúng là theo đánh giá của các Bộ, ngành mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có báo cáo trước Quốc hội.
- Vậy lần tinh giảm này nhắm vào đâu?. Có người bảo cứ nhắm vào “công chức cắp ô”, nhưng các tham luận gần đây nói rõ, đã là công chức cắp ô thì không thể tinh giản được vì họ đều “có máu mặt”, ý chỉ ô dù to. Ông có nhìn thẳng điều này không?
Chúng tôi sẽ thực hiện theo Luật Cán bộ Công chức. Trước hết, phải là trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá, chứ không chỉ đơn giản là bỏ phiếu, giơ tay. Người đứng đầu sẽ giao nhiệm vụ cho từng cán bộ công chức. Cán bộ công chức đó hoàn thành công việc được giao đến đâu thì người đứng đầu phải có trách nhiệm đánh giá việc đó. Tôi cho rằng, nếu thành nếp thì không có gì đáng ngại. Bởi quy trách nhiệm người đứng đầu và cấp trên của họ sẽ đánh giá người đứng đầu từng đơn vị hoàn thành nhiệm vụ hay không. Chẳng hạn, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành đánh giá người đứng đầu ở các Sở, ban ngành. Nếu đánh giá thẳng thắn thì trong nội bộ của các Sở, ban, ngành đó cũng phải đánh giá một cách nghiêm túc. Có thể năm đầu tiên việc đánh giá chưa quen, nhưng lần sau sẽ quen và trách nhiệm của người đứng đầu phải đánh giá đúng chất lượng công chức của mình. Từ đó, đánh giá thực chất công việc được giao trong từng đơn vị...
- Đây không phải lần đầu Bộ Nội vụ đề đạt việc này. Mấy chục năm qua, chúng ta nói giảm biên chế quá nhiều nhưng không làm được, lần này lại mất tới 8 nghìn tỷ đồng, có vẻ hiệu quả không rõ mà ngân sách lại tốn quá nhiều?
Tôi cho rằng phải rà soát lại nhiệm vụ của từng cơ quan, để xác định lại định biên của các cơ quan đó cần bao nhiêu. Hiện nay, trong công tác quản lý Nhà nước, các cơ quan quản lý từ Trung ương cho tới các tỉnh, thành đến các địa phương đảm đương rất nhiều công việc. Cho nên họ đều yêu cầu phải có biên chế để đáp ứng nhiệm vụ. Phải rà soát lại, xem các cơ quan đó trong công tác quản lý Nhà nước làm được gì, còn nhiệm vụ nào không nên làm, hoặc làm không hiệu quả thì chuyển giao cho các tổ chức xã hội. Khi đó, chắc chắc biên chế sẽ giảm đi...
Theo dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Nội vụ căn cứ số liệu báo cáo kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong bốn năm theo nghị định 132, dự kiến sau sáu năm (từ 2014-2020) thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người. Trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Theo lộ trình cải cách tiền lương, dự kiến mức lương tối thiểu sẽ tăng hằng năm, do vậy dự kiến phí bình quân cho một người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, một người thôi việc khoảng 90 triệu đồng. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế số cán bộ, công chức, viên chức nói trên trong sáu năm khoảng 8.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, dự thảo nghị định còn một số quy định khác có liên quan và quy định cụ thể thời gian áp dụng chính sách tinh giản biên chế là từ năm nay đến 31/12/2020. Thời hạn này phù hợp với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy trong chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2012-2020, đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ.
|
.