(Congannghean.vn)-Nhân dịp năm mới 2014, Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài trả lời phỏng vấn của Báo Công an Nghệ An về những vấn đề, giải pháp phát triển KT - XH trong năm tiếp theo. Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!
PV: Thưa đồng chí Chủ tịch, để hiện thực hóa mục tiêu: “Phấn đấu xây dựng Nghệ An thành tỉnh khá trong khu vực miền Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp...” theo Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị thì Nghệ An đã làm những gì trong công tác thu hút đầu tư thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Trong thời gian qua, hoạt động xúc tiến đầu tư luôn được lãnh đạo tỉnh và các ngành, các cấp quan tâm, chú trọng và được xem là một giải pháp quan trọng, có tính quyết định để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, đồng thời nâng tầm ảnh hưởng của Nghệ An đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương trong và ngoài nước. Đặc biệt, khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 thì hoạt động xúc tiến đầu tư đã được tổ chức liên tục và rộng khắp (cả trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài) với nhiều giải pháp, nhiều kênh kêu gọi xúc tiến đầu tư. Chất lượng các hội nghị, hội thảo, các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại và làm việc được nâng cao hơn, tổ chức chuyên nghiệp hơn.
Thực tế cũng đã có những kết quả rất khả quan, đáng ghi nhận, thể hiện qua việc ngày càng nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, có uy tín trong và ngoài nước quan tâm, đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội và thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thành công đó trước hết là nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân Nghệ An đã vượt qua những khó khăn, thách thức để tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Cụ thể:
1. Xây dựng và triển khai thực hiện các đề án Cải thiện môi trường đầu tư và Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); do đó, chỉ số PCI của tỉnh được cải thiện qua từng năm.
2. Nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
3. Thường xuyên rà soát, cập nhật các loại quy hoạch và cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
4. Quyết liệt trong thực hiện cải cách hành chính, tập trung triển khai có hiệu quả Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp tục thực hiện cơ chế một và một cửa liên thông để giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là trong đăng ký kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp và nhân dân.
5. Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các dự án đầu tư.
6. Tập trung phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.
7. Duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để hoàn thành, đi vào sản xuất, kinh doanh đúng tiến độ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh thăm Nhà máy May Hanosimex tại xã Nam Giang (Nam Đàn) |
PV: Đồng chí Chủ tịch có thể nói rõ hơn về định hướng phát triển của một số vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh (như TP Vinh, khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ; Nam Nghệ - Bắc Hà)?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An cũng đã xác định rõ định hướng phát triển một số vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời gian tới. Cụ thể:
Đối với TP Vinh, mục tiêu là xây dựng thành phố trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh.
Đối với khu vực Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, tỉnh sẽ tập trung xây dựng vùng Hoàng Mai - Đông Hồi gắn với Khu Kinh tế Nghi Sơn; phát triển các ngành công nghiệp động lực như nhiệt điện, xi măng, luyện thép, cơ khí, hóa chất, cảng biển.
Đối với khu vực Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, sẽ tập trung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa chức năng, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế tạo ôtô, thiết bị công nghệ cao, dược phẩm, chế biến nông - lâm - hải sản. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và tạo cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp trong Khu Kinh tế.
PV: Thế còn định hướng phát triển khu vực miền Tây của tỉnh sẽ như thế nào, thưa đồng chí Chủ tịch?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Khu vực miền Tây tỉnh Nghệ An được xem là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm trong quy hoạch phát triển của tỉnh. Trong đó, tỉnh sẽ phát triển khu vực này theo hướng gắn vùng nguyên liệu với khai thác, chế biến khoáng sản, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp. Xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm là huyện Nghĩa Đàn nhằm khai thác tiềm năng nông nghiệp khu vực miền Tây, tạo ra sản phẩm có chất lượng, năng suất, hiệu quả và làm điển hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ.
Một điểm thuận lợi nữa là ngày 4/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2355/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đây là điều kiện rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Mục tiêu tổng quát là khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế miền Tây tỉnh Nghệ An cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh; cải thiện rõ rệt và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh và đảm bảo quốc phòng - an ninh; từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của người dân trong vùng so với mức bình quân chung của tỉnh. UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án để đạt được mục tiêu trên.
PV: Đồng chí Chủ tịch cho biết, triển vọng thu hút đầu tư năm 2014 và những năm tiếp theo của Nghệ An?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Năm 2014 và các năm tiếp theo, mặc dù được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và trong nước cũng có một số thuận lợi như: Kinh tế toàn cầu bắt đầu có những tín hiệu phục hồi tại nhiều quốc gia phát triển. Đây là cơ sở để tiếp tục tạo ra những làn sóng đầu tư đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ được ký kết vào đầu năm 2014 cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư cho Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.
Về phía tỉnh Nghệ An, với quyết tâm chính trị cao nhất trong việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, chúng tôi tin tưởng và hy vọng rằng, trong năm 2014 và các năm tiếp theo, thu hút đầu tư vào tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều triển vọng tích cực. Đặc biệt, một số dự án lớn đang được các tập đoàn lớn khảo sát chuẩn bị đầu tư như: Tổ hợp khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ của Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP); Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim; Nhà máy Sản xuất tấm lợp của Tập đoàn Hoa Sen; Nhà máy Xi măng Đô Lương của Tập đoàn Xi măng The Vissai... Đây là những dự án lớn do các tập đoàn mạnh và có uy tín đầu tư, dự kiến khi triển khai đi vào hoạt động sẽ tạo ra nhiều đột phá về phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách và việc làm cho người lao động.
Điều đáng mừng là hình ảnh và vị thế của Nghệ An ngày càng được nâng cao trong mắt các đối tác trong nước và quốc tế đã có tác động không nhỏ đến công tác thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới. Tôi hy vọng, với nỗ lực và quyết tâm không ngừng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, công tác thu hút đầu tư sẽ gặt hái được nhiều thành công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện được yêu cầu của Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị đã đề ra.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch!
.