Kinh tế xã hội

Ngày 17/1, hoàn thiện hồ sơ dự tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc

10:01, 09/01/2014 (GMT+7)
Ngay sau Bản ghi nhớ đặc biệt giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động - Việc làm Hàn Quốc được ký kết, cho đến thời điểm này, ngày 7/1, Trung tâm lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn tất hướng dẫn các Sở LĐ-TB&XH  trên cả nước rà soát và chốt lại danh sách các lao động thuộc diện ưu tiên được trở lại Hàn Quốc làm việc trong năm 2014.
 
Người lao động phải chuẩn bị những gì để hoàn thiện hồ sơ dự tuyển, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước về vấn đề đang được hàng vạn lao động cả nước quan tâm.
 
PV: Một trong ba đối tượng được ưu tiên đưa trở lại Hàn Quốc làm việc là lao động ngành nông nghiệp. Đây là số lao động đã đăng ký thi tiếng Hàn từ tháng 8-2012 thì chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc bị dừng (EPS), xin ông cho biết khi nào Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức thi cấp chứng chỉ cho các lao động này để họ kịp hoàn thiện hồ sơ dự tuyển?
 
Ông Phan Văn Minh: Chúng tôi đã báo cáo Bộ LĐ-TB&XH để tổ chức ôn thi tiếng Hàn cho lao động đã đóng lệ phí để đăng ký kiểm tra tiếng Hàn, dự kiến tháng 3-2014. Còn đối với những lao động đã đạt yêu cầu tiếng Hàn từ 2011, 2012 thời gian dài không ôn luyện, chúng tôi có kế hoạch sẽ tổ chức khóa bổ túc tiếng Hàn kèm theo khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động sau khi được chủ Hàn Quốc lựa chọn.
 
Trên 1 vạn lao động thi đạt chứng chỉ tiếng Hàn từ tháng 12/2011 đang được làm hồ sơ dự tuyển sang Hàn Quốc
Trên 1 vạn lao động thi đạt chứng chỉ tiếng Hàn từ tháng 12/2011 đang được làm hồ sơ dự tuyển sang Hàn Quốc
 
PV: Tâm lý của hàng vạn lao động đang ngóng chờ để được sang Hàn Quốc làm việc. Người lao động cần làm những thủ tục gì để hoàn thiện hồ sơ gửi lên mạng để được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn?
 
Ông Phan Văn Minh: Ngay sau khi Bộ trưởng ký, chúng tôi đồng thời ban hành văn bản gửi các Sở LĐ-TB&XH trong cả nước, hướng dẫn người lao động hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển. Mấy hôm nay cả thứ bảy, chủ nhật, chúng tôi cũng tập trung tiếp nhận thông tin từ các Sở. Qua báo cáo của các Sở, đại bộ phận lao động vẫn mong muốn dự tuyển. Chúng tôi cũng đã  gửi hồ sơ mẫu cho các Sở LĐ-TB&XH từ cuối tuần trước. Vì theo yêu cầu của phía Hàn Quốc, hồ sơ đăng ký dự tuyển cũ trước đây đã 2 năm, nhiều thông tin đã thay đổi. Đặc biệt, người lao động phải làm lại các giấy tờ sau: sơ yếu lý lịch, khám sức khỏe, làm lý lịch tư pháp kèm theo hồ sơ để đến lúc được chủ sử dụng lựa chọn, chúng tôi sẽ nhanh chóng làm thủ tục xin visa nhập cảnh Hàn Quốc cho người lao động.
 
PV: Thời hạn cuối cùng tiếp nhận hồ sơ của lao động là khi nào, thưa ông?
 
Ông Phan Văn Minh: Thời hạn cuối cùng là 17/1, làm sao để toàn bộ hồ sơ của người lao động được xử lý trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Ngày 7/1 là ngày cuối cùng để các Sở xác nhận số lượng người lao động còn có nguyện vọng.
 
PV: Với số lượng lao động thuộc diện được đưa trở lại lớn, lên tới trên 15 nghìn người. Nếu không có phương án tối ưu sẽ lại gây nên áp lực và tốn kém cho người lao động?
 
Ông Phan Văn Minh: Chúng tôi đã làm trên tinh thần tạo thuận lợi nhất cho người lao động. Đối với lao động mẫu mực (không chuyển chủ, về nước đúng hạn, được chủ sử dụng cũ nhận lại), kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính đạt yêu cầu, không cần nộp hồ sơ trực tiếp tại trung tâm mà chuyển qua đường bưu điện. Trung tâm tiếp nhận và xử lý để nhanh chóng đưa lên mạng giới thiệu cho chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn. Đối với những lao động phải ôn luyện lại tiếng Hàn, trước đây chúng tôi đã làm và lần này cũng sẽ áp dụng bổ túc tiếng Hàn kèm với khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trong thời gian 3 tuần hạn chế việc đi lại tốn kém, mất thời gian đi lại của người lao động.
 
PV: Các lao động đi Hàn Quốc lần này đều phải thực hiện ký Quỹ. Liệu đây có phải là giải pháp hiệu quả để kéo giảm tỷ lệ lao động Việt Nam hết hợp đồng không về nước?
 
Ông Phan Văn Minh: Toàn bộ lao động xuất cảnh từ 25/11/2013, sau khi Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 1465 có hiệu lực, đều thực hiện tốt việc ký Quỹ này. Trong những ngày vừa rồi, tôi có dịp tháp tùng Bộ trưởng đi ký bản ghi nhớ đặc biệt ở Hàn Quốc, tin vui là nhiều người lao động sau khi biết chính sách của Chính phủ ân hạn cho những người lao động cư trú bất hợp pháp (10/10/2013 đến 10/1/2014), rất nhiều lao động đã về nước, để không phải chịu mức phạt theo Nghị định 95. Cùng với việc ký Quỹ thì việc thực thi xử phạt hành chính đang được xem là giải pháp tốt. Chúng tôi đang tiếp tục đàm phán với phía Hàn Quốc, để bạn chuyển toàn bộ số tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động (mỗi năm làm việc 1 tháng lương) được chuyển vào tài khoản của người lao động ở trong nước, tài khoản này được phong tỏa, khi người lao động về nước đúng hạn thì số tiền này được hoàn trả đầy đủ, nếu không về nước, khoản này sẽ là nguồn kinh phí để xử phạt theo Nghị định 95.
 
PV: Ông có thể cho biết về khả năng Hàn Quốc sẽ ký lại Bản Thỏa thuận thực hiện Chương trình EPS như trước đây?
 
Ông Phan Văn Minh: Bản ghi nhớ đặc biệt vừa ký có thời hạn trong vòng 1 năm, giải quyết trường hợp lao động Việt Nam đã có chứng chỉ tiếng Hàn. Theo quy định của Hàn Quốc, sau 11 tháng, hai bên tiến hành tổ chức sơ kết đánh giá về kết quả đạt được. Nếu chúng ta thực hiện tốt việc này thì hai bên sẽ bàn để tiến tới việc ký bản ghi nhớ bình thường như trước đây, có giá trị 2 năm. Nhưng chắc chắn, chúng ta phải giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp nhiều hơn nữa.
 
Bản ghi nhớ đặc biệt được ký kết giữa hai Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động - Việc làm Hàn Quốc ngày 31/12/2013 chỉ ưu tiên cho 4 đối tượng: Trên một vạn lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn Quốc trong kỳ thi tháng 12/2011; những lao động huyện nghèo đã đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn Quốc vào đợt cuối tháng 8/2012; những lao động đã hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn và đã thi đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính; lao động trong ngành nông nghiệp đã đăng ký thi tiếng Hàn Quốc năm 2012 nhưng chưa được thi thì bị dừng chương trình EPS. Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, tổng số các lao động thuộc diện điều chỉnh của bản ghi nhớ đặc biệt này là trên 15 nghìn lao động. Bản ghi nhớ đặc biệt chỉ có giá trị trong thời hạn 1 năm. Người lao động cần nắm kỹ thông tin để tránh các đối tượng cò mồi lừa đảo.
Từ ngày 1/2/2014, thực hiện giảm chi phí của người lao động đi làm việc tại Đài Loan
 
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tiếp tục các biện pháp kiểm soát chi phí và chấn chỉnh việc đưa người lao động sang Đài Loan, Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp giảm chi phí của người lao động đi làm việc tại Đài Loan xuống mức hợp lý. Theo đó, từ ngày 1/2/2014, tổng chi phí của người lao động trước khi đi làm việc trong các ngành công nghiệp tại Đài Loan không vượt quá 4.000 USD/người/hợp đồng 3 năm, trong đó tiền môi giới tối đa không quá 1.500 USD/người/hợp đồng 3 năm. Tổng chi phí trước khi đi làm việc trong các bệnh viện, trung tâm chăm sóc người già (hộ lý, y tá, điều dưỡng, chăm sóc người bệnh), không vượt quá 3.300 USD/người/hợp đồng 3 năm, trong đó tiền môi giới tối đa không quá 800 USD/người/hợp đồng 3 năm.

 

CAND

Các tin khác