Kinh tế xã hội

Người Việt hoang phí: Chỉ cần sành điệu, bỏ qua hữu dụng

15:17, 06/01/2014 (GMT+7)
Nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã lãng phí rất nhiều tiền của để chạy theo những sản phẩm mới, nhiều tính năng hiện đại nhưng mua về lại để đó chẳng mấy khi sử dụng đến. Đây là nhận xét chung của các chuyên gia thị trường khi tìm hiểu về thói quen mua và sử dụng các sản phẩm gia dụng của người Việt Nam.   
 
Smart tivi: 3D bỏ phí
 
Ví dụ cụ thể nhất là với chiếc tivi. Ngày nay các nhà sản xuất tivi đã cho ra đời hàng loạt các mẫu Smart tivi (tivi thông minh) được tích hợp rất nhiều các tính năng mới hiện đại như 3D, kết nối internet, smart share (chia sẻ thông minh), chơi game...
 
Khi chọn mua tivi nhiều khách hàng thích và chọn mua những chiếc tivi này. Tuy nhiên mua về rồi thì cũng sử dụng nó như một chiếc tivi thông thường và hàng ngày cũng chỉ biết chuyển kênh, hoặc tăng giảm âm lượng mà không sử dụng hết các tính năng mới của nó.
 
 
Nhiều gia đình khi được hỏi cho biết, phần lớn smart tivi mua về chủ yếu vẫn dùng để xem các chương trình thời sự, phim truyện của các đài truyền hình. Tính năng 3D ban đầu còn được sử dụng. Tuy nhiên việc phải sử dụng kính, cùng với các nội dung không phong phú nên sau đó ham muốn giảm dần, một số khách hàng cho biết, chỉ xem khi nào có phim mới, hoặc vào dịp cuối tuần, nhiều người thừa nhận, chỉ sau nửa năm thì chức năng này gần như không dùng đến, trừ khi có khách đến chơi nhà, cho xem để "giải quyết khâu oai".
 
Tính năng chuyển đổi từ 2D sang 3D cũng vậy. Đây là tính năng dùng để biến tất cả nguồn vào là 2D thành 3D nhằm mang lại nguồn 3D. Tuy nhiên hình ảnh được cho là không thực, kèm với phải đeo kính nên cũng ít người sử dụng.
 
Tính năng, Smarrt share có thể kết nối, chia sẻ dữ liệu không dây với máy tính, tablet hay smartphone, dùng để truyền hình ảnh, nhạc hay phim từ điện thoại, máy tính, máy tính bảng lên tivi và ngược lại. Khi được hỏi rất nhiều gia đình đã thừa nhận chưa sử dụng tính năng này lần nào. Phần lớn những người sử dụng tính năng này là những người đam mê công nghệ. Tương tự là tính năng chơi game, cũng rất ít gia đình sử dụng thường xuyên.
 
Có lẽ tính năng được sử dụng nhiều hơn cả là kết nối tivi với internet để xem các kho phim trên mạng. Với số lượng phim HD được cập nhật thường xuyên phong phú, cho chất lượng hình ảnh cao được nhiều người yêu thích có thể thay cho các chương trình truyền hình nhàm chán. Nhưng truy cập internet để xem các nội dung, chương trình khác rất ít bởi vì là smart tivi nhưng vẫn không thể bằng chiếc latop, vì điều khiển rất khó khăn.
 
Hiện giá bán 1 chiếc tivi với đầy đủ các chức năng 3D, internet, smart share... có giá từ 20 triệu đồng trở lên trong khi nếu chỉ mua 1 tivi 2D có thêm chức năng kết nối internet thì giá chỉ bằng 1 nửa và được cho là sử dụng hiệu quả hơn, sau 1 thời gian có thể đổi tivi mới.
 
Tuy nhiên có lẽ nhiều người vẫn không thích chiếc ti vi như vậy bởi được cho là thiếu đẳng cấp không thời thượng và chấp nhận lãng phí cả chục triệu đồng cho những tính năng không mấy khi sử dụng.
 
Mua ôtô: Chơi xe to bất kể nhu cầu
 
Với ô tô cũng tương tự, nhiều người Việt Nam đã lãng phí hàng trăm triệu đồng khi mua ô tô không phù hợp với mục đích và điều kiện sử dụng. Có không ít người mua xe SUV cỡ lớn chủ yếu để chở con đi học, đi làm trong thành phố thay vì chọn 1 mẫu xe nhỏ gọn, tiết kiệm nhiên liệu.
 
Nhiều DN ô tô đã từng "ngã ngửa" về khách hàng Việt Nam khi thấy họ ít tiền mà không chịu mua xe giá rẻ. Xe giá rẻ thường chỉ để xem còn để mua người tiêu dùng lại có xu hướng chọn dòng xe giá cao.
 
Chẳng hạn, khi tung ra thị trường mẫu Camry 2012 mới, Toyota Việt Nam đã bổ sung thêm phiên bản 2.0 E và đặt ra nhiều kỳ vọng cho bản giá mềm này. Thế nhưng, thực tế bán hàng sau hơn 1 năm cho thấy, người tiêu dùng lại mua nhiều với phiên bản đắt tiền nhất là 2.5G. sau đó đến 2.5V và bán kém nhất là 2.0E. Tương tự, mẫu xe hạng nhỏ Ford Fiestacó 3 phiên bản, trong đó phiên bản giá rẻ nhất có động cơ 1.4 L được kỳ vọng nhất lại ế nhất và sớm bị khai tử. Ngược lại, khách hàng chỉ thích phiên bản cao cấp nhất là sport, động cơ 1.6L số tự động 6 cấp dù giá cao hơn đến hàng chục triệu đồng.
 
Không chỉ vậy, nhiều khách hàng rất thích xe nhập khẩu bởi có nhiều tính năng hiện đại, mặc cho về Việt Nam không biết có phù hợp không. Chẳng hạn như công nghệ cảnh báo làn đường. Đối với thị trường Mỹ và châu Âu, thiết bị này được coi là rất hữu dụng. Hệ thống cảnh báo này sẽ dùng một camera để phát hiện các dải phân cách làn đường màu trắng hoặc vàng. Nếu xe chạy đè lên những dải phân cách này mà không có tín hiệu rẽ, hệ thống sẽ phát ra âm thanh cảnh báo người lái. Với tình trạng giao thông đô thị như ở Việt Nam, chạy xe trong những khu phố đông như mắc cửi và tắc đường thường xuyên, có lẽ thiết bị cảnh báo không phù hợp, nhưng rất nhiều người vẫn thích có nó trên xe của mình.
 
Với xe máy cũng vậy. Năm 2013 có rất nhiều xe mới ra mắt tại Việt Nam với giá khá tốt. Tuy nhiên nhiều người tiêu dùng vẫn không chọn xe trong nước mà là xe nhập khẩu, thậm chí là xe cũ nhập khẩu với giá cao hơn nhiều.
 
Thói quen tiêu dùng này không chỉ có ở nhưng người giàu có, mà rất phổ biến ngay với những người có túi tiền eo hẹp. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang thi nhau "ném tiền qua cửa sổ" mà không hề nuối tiếc.
 
Đây có phải là sự lãng phí lớn?

VEF

Các tin khác