Kinh tế xã hội

Xuất khẩu lao động 'chui' - nguồn cơn bĩ cực

07:55, 05/01/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Khoảng 10 năm trở lại đây, xuất khẩu lao động (XKLĐ) trở thành con đường xóa đói giảm nghèo lý tưởng của nhiều gia đình nông thôn tỉnh Nghệ An. Đi XKLĐ giúp họ không những thoát nghèo mà còn trở nên giàu có, nhiều người từ làm thuê trở thành ông chủ. Đó là đối với những người lao động xuất cảnh hợp pháp, thông qua những hiệp định song phương và hợp tác về XKLĐ, được sự bảo hộ của Đại sứ quán Việt Nam ở các nước sở tại.

Tuy nhiên, không phải người lao động nào cũng sẵn sàng bỏ ra một số kinh phí lớn để được XKLĐ theo con đường chính ngạch. Thay vào đó, họ tìm đến những người môi giới, những “cò” để được ra nước ngoài làm việc bằng con đường xuất cảnh trái phép. Và phía sau những chuyến xuất cảnh trái phép ấy là cả một hệ lụy đáng buồn...

Khát vọng đổi đời và cái giá phải trả

Cho đến bây giờ, gia đình ông Nguyễn Bá Vinh ở xóm 4, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành vẫn chưa hết bàng hoàng và không thể quên được chuyến xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc của người con trai Nguyễn Bá Nhung để tìm kiếm việc làm cách đây hơn 3 tháng. Câu chuyện bắt đầu từ khi gia đình ông cùng một số người dân trong xã được một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Thìn “tuyển” đi lao động Trung Quốc với mức thu nhập từ 7 triệu - 9 triệu đồng/tháng, trong khi chi phí xuất cảnh lại rẻ bất ngờ, mỗi người chỉ nộp tổng số tiền 7 triệu đồng.

Với suy nghĩ đơn giản là có thể kiếm tiền dễ dàng, kèm theo đó là những lời dụ dỗ về một viễn cảnh tươi sáng, ông bà chấp thuận để con trai mình tìm đến miền đất hứa với hy vọng đổi đời nhanh chóng. Thế nhưng, tất cả lao động đi theo đường dây này sau khi sang làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc mới ngã ngửa là mình bị lừa. Họ bị Cảnh sát Trung Quốc bắt giam vì tội Cư trú bất hợp pháp và bị trục xuất về nước.

Không giống với trường hợp của những người dân ở xã Lăng Thành, huyện Yên Thành đặt niềm tin vào một cá nhân, nhiều trường hợp người dân tìm đến các công ty XKLĐ với hy vọng có thể đi xuất khẩu lao động, nhưng kết quả cũng chẳng khác là bao. Một trong những nạn nhân đó là anh Nguyễn Trọng Thao ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc.

Nỗi đau của gia đình có người thân bị chết ở Angola

Trước đây, để được đi xuất khẩu lao động sang Angola, gia đình anh Thao nộp trên 63 triệu đồng từ tháng 8/2012 cho Công ty Cổ phần XKLĐ và Thương mại - Chi nhánh Hà Nội. Khi được hỏi các giấy tờ thì anh Thao cho biết, tất cả chỉ có 2 giấy biên lai thu tiền cùng với những lời hứa không rõ ràng. Cũng một trường hợp khác tại xã Nghi Thiết, đó là anh Nguyễn Văn Hùng. Anh Hùng đi Angola theo con đường du lịch với chi phí hơn 120 triệu đồng. Không chịu được cảnh cực nhọc cơ hàn, anh Hùng phải tìm cách về nước. Sau 4 tháng trở về, trên người anh vẫn còn chằng chịt những vết sẹo do chủ lao động đánh đập.

Phải làm việc hơn 15 tiếng mỗi ngày, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đói rét, bị ăn chặn tiền công và bị cướp bóc, thậm chí là bỏ mạng nơi xứ người… Đó là nỗi cùng cực của những người đi xuất khẩu lao động trái phép đang phải gánh chịu.  

Nguyên nhân và thủ đoạn

Nhìn vào khoản tiền người lao động đi làm việc ở nước ngoài làm theo hợp đồng, có thu nhập tương đối ổn định và cao hơn so với làm cùng ngành, nghề trong nước gửi về cho người thân hàng năm, nhiều người cũng muốn xây ước mơ “đổi đời” từ những chuyến xuất khẩu lao động và họ tìm cách “bứt phá” tư duy để làm giàu bằng con đường xuất khẩu “chui”. Cũng bởi tâm lý nôn nóng muốn đi xuất khẩu cho nhanh mà không cần phải qua đào tạo, không cần thi tuyển, giá cả lại rẻ nên rất nhanh chóng, họ bị các tổ chức, cá nhân giả mạo công ty XKLĐ lợi dụng để thu lợi bất chính.

Thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong lĩnh vực XKLĐ rất tinh quái. Chúng thường làm giả hồ sơ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài có dấu và chữ ký giả của các cơ quan uy tín để tạo lòng tin nơi người lao động. Một số “cò” XKLĐ còn tìm về những vùng nông thôn, miền núi, tiếp cận với những gia đình có nhu cầu cho con em đi XKLĐ, dùng lời lẽ tốt đẹp vẽ ra viễn cảnh về một hợp đồng XKLĐ đầy triển vọng, có thu nhập cao, việc làm ổn định... để thuyết phục người lao động.

Sau đó, họ đề nghị phải đặt tiền cọc, nộp phí môi giới hoặc ứng trước tiền học tiếng, làm thị thực rồi mới tiến hành những công việc tiếp theo. Tuy nhiên, sau khi đã nhận được tiền, những người này không thực hiện theo cam kết hoặc bỏ mặc nạn nhân... Những chiêu lừa như thế không còn là vấn đề mới, nhưng ngày một tinh vi hơn và vẫn còn nhiều người  “sập bẫy”. Tinh vi hơn, bọn tội phạm còn tổ chức cho người lao động ra nước ngoài bằng hộ chiếu phổ thông, visa du lịch ngắn ngày theo đường du lịch, du học... rồi bán cho chủ sử dụng lao động ở nước ngoài.

Người dân vẫn đổ xô xuất cảnh trái phép

Nếu như những năm trước đây, các thị trường như Nga, Anh, Australia, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... là những địa chỉ hấp dẫn để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo thì gần đây, Angola lại là cái tên được nhắc tới nhiều nhất, bởi tần suất xuất hiện những hành vi đưa lao động trái phép và lừa đảo người lao động nghèo một cách trắng trợn. Đằng sau mức lương 1.000 USD là những cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng nơi đất khách.

Do thiếu thông tin về thị trường nên xảy ra tình trạng các công ty “ma” tung những chiêu thức lừa đảo quá tinh vi và chính người lao động phải ngậm ngùi bởi những khoản nợ chồng chất do đi vay để nộp tiền đặt cọc. Và thêm vào đó là hàng loạt các rủi ro khác như không xuất khẩu lao động được sau một thời gian dài chờ đợi và cũng không thể lấy lại được số tiền đã đặt cọc, hoặc nếu có thì chỉ là một phần nhỏ.

Trước vấn đề lừa đảo xuất khẩu lao động trở nên vô cùng nhức nhối, các cơ quan chức năng ở Nghệ An đã vào cuộc. Trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, cơ quan Công an đã điều tra làm rõ và khởi tố hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động và tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Mới đây, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố 2 đối tượng Thái Hữu Thi và Nguyễn Văn Hào ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.

Với thủ đoạn dùng visa du lịch, Thi và Hào đã tổ chức cho 6 người ở huyện Yên Thành xuất khẩu lao động “chui” sang các nước Châu Âu như Ba Lan, Anh, Đức mà Nga là nước trung gian. Mỗi người phải đóng cho Thái Hữu Thi 6.400 USD để đi từ Việt Nam sang Nga và 1.200 USD cho Hào để vượt biên sang Ba Lan bằng đường bộ. Tuy nhiên, đang trên chuyến tàu vượt biên từ Nga sang Ba Lan, các lao động Việt Nam bị Cảnh sát nước sở tại bắt giữ và đẩy đuổi quay trở lại Nga rồi bị trục xuất về nước.

Hiện nay, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đang tập trung điều tra các vụ án, bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái phép để xử lý nghiêm minh trước pháp luật, nhằm ngăn chặn tình trạng đưa người trốn đi nước ngoài, để ổn định tình hình tại địa phương và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan Công an, các đơn vị chức năng có liên quan cần tăng cường kiểm tra đối với hoạt động của các tổ chức, cá nhân có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Các thị trường được phép tuyển lao động và các khoản tiền được phép thu đối với người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu.

Những câu chuyện vui buồn nhãn tiền về xuất khẩu lao động đã làm “nóng” lên những làng quê vốn bình yên trên địa bàn Nghệ An. Những giọt nước mắt của người được trở về, những giọt nước mắt khi người thân vĩnh viễn nằm lại nơi đất khách quê người. Và, trong cuộc mưu sinh khó nhọc, câu chuyện xuất khẩu lao động còn có những giọt nước mắt khi không ít người trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Những chuyến bay chở họ đến chân trời mới không bao giờ thành hiện thực, mà chỉ có những đồng tiền một nắng, hai sương đã “không cánh mà bay”, để lại món nợ chồng chất và những tiếng thở dài sau lũy tre làng…

Minh Tâm

Các tin khác