Kinh tế xã hội

Cơ hội và thách thức cho hơn 2.000 lao động Nghệ An

08:23, 08/01/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Sau gần 2 năm bị tạm ngừng, chương trình xuất khẩu lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được nối lại. Đây là cơ hội cho hơn 14.000 lao động trong nước nói chung và hơn 2.000 lao động Nghệ An nói riêng vốn đã vượt qua kỳ thi chứng chỉ tiếng Hàn trước đó. Nhưng đây cũng là thách thức lớn, khi các lao động đang đối mặt với 100 triệu đồng tiền ký quỹ chống trốn và băn khoăn trước rất nhiều nguồn tin trái chiều về chi phí để sang Hàn. 
Sáng 31/12/2013, tại Seoul, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã cùng với Bộ trưởng Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc Phang Ha-nam ký kết "Bản ghi nhớ đặc biệt giữa hai Bộ về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam". Bản ghi nhớ (MOU) đặc biệt này sẽ chính thức nối lại việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép lao động cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS) vốn bị tạm dừng từ tháng 8/2012.
 
MOU này sẽ có thời hạn 1 năm kể từ ngày 31/12/2013 và chỉ dành cho những lao động đã đăng ký kiểm tra tiếng Hàn hoặc đã được kiểm tra tiếng Hàn trong năm 2011 và 2012 với con số ước tính khoảng trên 14.000 người. Sau khi MOU đặc biệt này hết hạn vào cuối năm 2014, hai bên sẽ tiến hành đánh giá quá trình thực hiện, đặc biệt là tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, để làm căn cứ xem xét việc ký trở lại MOU thông thường. Như vậy, MOU thông thường dành cho lao động đăng ký kiểm tra tiếng Hàn lần đầu sẽ chỉ được xem xét sau khi MOU đặc biệt này hết hạn. Trước đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quy định mới gồm ký quỹ và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
 
Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN
Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc - Ảnh: TTXVN
 
Theo số liệu mới nhất của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, tỷ lệ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc không về nước đúng thời hạn sau khi hết hạn hợp đồng đã giảm mạnh từ 49,9% trong tháng 7/2013 xuống còn 38,2% trong tháng 10/2013. Đây rõ ràng là một cơ hội cực kỳ thuận lợi cho hơn 2.000 lao động Nghệ An đã có chứng chỉ tiếng Hàn. Ngay sau khi Chương trình xuất khẩu lao động được nối lại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã có thông báo trên các phương tiện truyền thông và có các hướng dẫn để các lao động hoàn thiện thủ tục đăng ký sang Hàn làm việc tại Sở. Được biết, gần như 100% lao động đã có hồ sơ tiếp tục đăng ký để tìm kiếm cơ hội sang Hàn. Năm nay, các lao động phải có giấy chứng nhận không tiền án, tiền sự do Sở Tư pháp cấp nên trong những ngày qua, lượng người đến làm thủ tục xin cấp giấy xác nhận tăng đột biến. Dự kiến, lịch khám sức khỏe cho các lao động sẽ diễn ra trong ba ngày 12, 13, 14/1. Tuy nhiên, số lượng lao động được xuất cảnh trong dịp này vẫn chưa được tiết lộ nên phần lớn lao động hoang mang, lo lắng.
 
Anh Nguyễn Duy T. ở Quỳnh Lưu tâm sự: “Nghe tin Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo là em mừng lắm và vào làm thủ tục ngay. Ở nhà cũng đang huy động anh em, họ hàng vay cho được 100 triệu đồng để cần là đưa đi ký quỹ. Nhưng không biết thực hư như thế nào, vì nghe bảo đợt này đưa đi cũng ít, không biết mình có cơ hội không hay hồ sơ lại tiếp tục bị ngâm”. Về khoản tiền 100 triệu đồng ký quỹ chống trốn, người lao động cũng đang hết sức lo lắng, vì đây là khoản tiền quá lớn đối với lao động nghèo. Anh Hồ Huy ở Tân Kỳ lo lắng: “Em chưa có gia đình, đang sống chung với bố mẹ, nhà thì đã thế chấp ngân hàng để lấy vốn làm ăn nên để kiếm được 100 triệu đồng thì quá khó khăn. Nếu có trúng tuyển để đi đợt này không biết gia đình có chuẩn bị được tiền hay không”.
 
Tranh thủ cơ hội này, các đối tượng “cò” xuất khẩu lao động hoạt động hết công suất khiến cho lao động rất hoang mang. Giá trọn gói các đối tượng “cò” đưa ra là trên 10.000 USD nhưng không ít lao động vẫn nhắm mắt chồng tiền. Sau gần 2 năm chờ đợi, các lao động đã rất sốt ruột và lo lắng, trong khi hạn chứng chỉ đã gần hết. Mặt khác, bản ghi nhớ với Hàn Quốc chỉ có thời hạn một năm, có thể năm sau sẽ thay đổi nên rất nhiều người làm mọi cách để có thể xuất khẩu lần này đã tạo thành nhiều nguồn thông tin hỗn độn, ảnh hưởng đến tâm lý người lao động. Về phía chủ trương chung thì lao động vẫn nộp hồ sơ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu ai trúng tuyển, Sở sẽ thông báo, những trường hợp chưa trúng tuyển sẽ tiếp tục chờ đợt tiếp theo.
 
Sở vẫn tiếp tục làm theo chủ trương, trong khi các lao động đã nhốn nháo trước nhiều nguồn thông tin được đồn thổi. Các lao động nên tỉnh táo tận dụng cơ hội nhưng không nên vội vã để tiền mất, tật mạng.

Ngọc Hùng

Các tin khác