Kinh tế xã hội
Căng mình giữ 'đầu cơ nghiệp' trong giá rét
08:54, 23/01/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trước những đợt rét đậm, rét hại liên tiếp xảy ra, nhiều hộ dân ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đang gồng mình để chống rét cho gia súc.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhiều địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp chống rét cho vật nuôi. Tại các xã ở huyện Tương Dương, do có nhiều kinh nghiệm chống rét cho gia súc từ những năm trước nên bà con nông dân đã tích cực che chắn chuồng trại bằng bạt, bao tải, đảm bảo kín gió. Ông Vi Văn Trung ở xã Yên Na (Tương Dương) những ngày qua cùng gia đình gồng mình chống rét cho 6 con trâu, nghé cho biết: “Một con trâu trung bình từ 20 - 30 triệu đồng, chết một con là mất cả một tài sản lớn. Mấy ngày qua, ngoài sửa sang chuồng trại, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng cỏ, rơm khô, cho trâu uống nước muối và nếu trời tiếp tục rét kéo dài sẽ phải nấu cám cho ăn thêm và đốt lửa giữ ấm cho đàn trâu. Con trâu, con bò với những người như chúng tôi là tài sản lớn”.
Nhiều hộ dân vùng miền núi trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị chống rét cho đàn gia súc khá chu đáo |
Có thể nói, ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An có đàn gia súc lớn nhưng từ trước tới nay, người dân vẫn chăn nuôi theo kiểu “thả rông”. Cứ sáng ra người dân thả đàn trâu lên đồi, núi để chúng tự kiếm ăn và tối mới lùa về nhà. Có những đợt rét, trâu bò hết thức ăn bị đói, bị rét nên chết nhiều. Trước thực tế đó, năm nay các địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân tăng cường phòng, chống dịch bệnh, chống rét cho đàn gia súc, nhất là với đàn gia súc sinh sản, gia súc non. Nhờ vậy, hiện nay tập quán chăn nuôi của người dân đã thay đổi. Mặc dù tình trạng thả rông gia súc vẫn còn tồn tại đâu đó trên những bản làng, nhưng với giá trị mà đàn trâu, bò đem lại, cùng với công tác truyền thông, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và kinh nghiệm phòng, chống rét, nhiều hộ đều biết cho gia súc bổ sung tinh bột, uống nước muối và không cày kéo, chăn nuôi thả trong những ngày thời tiết xuống dưới 150C... Công tác chăm sóc và phát triển “đầu cơ nghiệp” ở các huyện miền núi đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.
Sau những đợt rét, nay đã có nắng lên, nhưng từ nay đến Tết Nguyên đán, người dân vùng cao nơi đây còn cần nỗ lực hơn để chống chọi với nhiều đợt rét nữa. Chính vì vậy, các địa phương đang tích cực trong việc chỉ đạo các biện pháp chống rét cho vật nuôi, giúp người nông dân bảo vệ tài sản của mình.
Trường Khuyên