Việt Nam bắt đầu bước vào năm 2014 với triển vọng đang dần tươi sáng hơn. Xuất khẩu, đặc biệt ở các doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam.
Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) vừa công bố bản báo cáo về Kinh tế vĩ mô - Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 1/2014: "Năm 2014 - Năm của các nhà xuất khẩu".
Với các điều kiện toàn cầu đang được cải thiện và những hiệp định thương mại đang trong quá trình đàm phán, các công ty chuyên xuất khẩu sẽ có một năm tăng trưởng mạnh nữa.
Theo Báo cáo, trong những năm tới, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi nhu cầu từ các nước phương Tây đã được cải thiện. Lý do rất đơn giản vì nền kinh tế Việt Nam vốn là một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu với việc xuất hàng chiếm tỷ trọng 81% GDP cả nước trong năm 2012. Mặc dù nhu cầu toàn cầu có sự dao động trong năm 2013 và giá cả hàng hoá đang giảm nhưng tăng trưởng xuất khẩu vẫn đạt mức đáng kể 15,4%.
Với việc tăng cường đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang Mỹ (chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu) và châu Âu (chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu), Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều từ nhu cầu các nước phương Tây được cải thiện.
Bên cạnh đó, với nguồn vốn giải ngân FDI tăng 9,9% và nguồn vốn đăng ký tăng tốc đáng kể, báo cáo cho thấy sự kỳ vọng xuất khẩu sẽ khởi sắc trong năm 2014.
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 12 đã thể hiện sản lượng ngành sản xuất tăng tốc đạt mức 51,8 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 4/2011. HSBC kỳ vọng sản lượng sẽ tiếp tục đà tăng trong những tháng tới khi hàng tồn kho ở mức thấp trong khi đơn đặt hàng đang phục hồi. Lạm phát cũng đang trên đà giảm từ mức 9,3% trong năm 2012 xuống còn 6,6% trong năm 2013. Kỳ vọng lạm phát sẽ tăng nhẹ trong năm 2014 do giá xăng dầu và thực phẩm tăng cao hơn.
HSBC kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng 20% trong năm 2014 từ mức tăng 15,4% trong năm 2013. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt mức 5,6% trong năm 2014 từ mức 5,4% trong năm 2013.