Kinh tế xã hội

Thực phẩm chức năng và những chiêu quảng cáo 'thổi phồng'

09:35, 18/12/2013 (GMT+7)
Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, hiện nước ta có trên 50% người dân tại các vùng đô thị đang sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) nhằm mục đích hỗ trợ chữa bệnh. Song kể từ khi xuất hiện sản phẩm TPCN nhập khẩu đầu tiên vào năm 2000 tới nay, người tiêu dùng (NTD) vẫn sử dụng TPCN theo kiểu rỉ tai, giới thiệu từ người bán trực tiếp.
 
TPCN vốn là sản phẩm “giao thoa” giữa thực phẩm và thuốc, tình trạng sử dụng theo “cảm tính” dẫn tới nhiều tình huống: người bệnh thấy công dụng, hoặc không; hoặc gặp phải tình trạng tương tác thuốc do sử dụng quá liều. Tình huống xảy ra nữa là tẩy chay TPCN vì cho rằng, bỏ tiền mua “thần dược” mà không đỡ bệnh. Do công dụng của TPCN? Do quảng cáo quá “lố” hay do siêu lợi nhuận mà dẫn tới tình trạng TPCN “vàng thau” lẫn lộn như hiện nay?
 
Được biết, trên 10 năm phát triển, Việt Nam đã có 1.781 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với trên 10.000 sản phẩm TPCN. Tại TP Hồ Chí Minh, con số này là 177 cơ sở. Hiện 95% doanh nghiệp dược cũng sản xuất, phân phối TPCN. Việc này chỉ có thể lý giải, nếu thị trường trong nước không đáp ứng nhu cầu thị trường, tức khắc TPCN nước ngoài sẽ tràn vào, vì vậy việc các cơ sở dược Việt Nam tham gia sản xuất, kinh doanh và phân phối TPCN là lẽ thuận tự nhiên.
 
Quản lý thị trường kiểm tra, chấn chỉnh những thiếu sót trong hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng - Ảnh minh họa
Quản lý thị trường kiểm tra, chấn chỉnh những thiếu sót trong hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng - Ảnh minh họa
Tuy nhiên, theo TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm thừa nhận tại một hội thảo chuyên đề TPCN tổ chức tại TP Hồ Chí Minh gần đây, công tác quản lý TPCN còn nhiều bất cập, bên cạnh những DN làm ăn chân chính, còn nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật để cung ứng ra thị trường những sản phẩm không đạt chất lượng, đánh vào tâm lý người bệnh để bán hàng giá quá cao. Nếu như trước đây, TPCN chủ yếu là kinh doanh qua mạng lưới bán hàng đa cấp, hàng xách tay thì hiện nay nhà thuốc, siêu thị đều có TPCN. Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngay tại phố đông y Hà Nội có loại được giới thiệu là “đại bổ sâm nhung hoàn” dùng tốt cho người già, bị suy nhược cơ thể nhưng nhãn mác, hướng dẫn sử dụng, số đăng ký đều là chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
 
Mới đây, chị N.T.T (45 tuổi), ngụ tại quận 11, TP Hồ Chí Minh cho biết, thông qua giới thiệu của một người quen, biết mẹ chị T mắc bệnh ung thư đã di căn, chị được chỉ tới một cửa hàng bán thuốc đông y trên đường Phùng Hưng, quận 5, TP Hồ Chí Minh để mua 1 hộp đông trùng hạ thảo, nghe nói có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho người mắc bệnh ung thư. Ông chủ cửa hàng quả quyết là hàng xách tay của người đi cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) mang về, là hàng thứ thiệt. Chị T an tâm trả 8,5 triệu đồng cho hộp “thần dược”. Song sau 1 tháng, được ăn đông trùng hạ thảo hằng ngày, nhưng sức khỏe mẹ chị T không khá lên, khác với những lời đồn thổi ăn vào sẽ có nước da hồng hào, minh mẫn, bệnh ung thư giảm hẳn...
 
Hiểu đúng để dùng thực phẩm chức năng đúng, có hiệu quả hỗ trợ và phòng ngừa bệnh
Hiểu đúng để dùng thực phẩm chức năng đúng, có hiệu quả hỗ trợ và phòng ngừa bệnh
Lương y Nguyễn Văn Cận, thuộc Hội Đông y quận Phú Nhuận TP Hồ Chí Minh cho biết, 1kg đông trùng hạ thảo loại 1 đã sấy khô, đã có giá tới 60.000 USD, quá đắt nên nó hay bị làm giả. Có khi được làm giả từ thân hoặc củ của loại cây khác để tạo ra con trùng, tuy nhiên đầu trùng và búi nấm của đông trùng hạ thảo thật có hình dạng liền lạc với nhau một cách tự nhiên, còn đồ giả nếu quan sát kỹ, sẽ thấy vết nối. Đông trùng hạ thảo thật sẽ nhẹ như bông, còn hàng giả nặng hơn. Có khi khách hàng cũng mua nhầm phải hàng giả làm từ con “sâu chít” với hình dạng to hơn, nhiều chân (đông trùng hạ thảo thật không có). Mà hàng giả thì “giá nào cũng bán”.
 
Một trường hợp “tiền mất tật mang” trong việc mua TPCN và sử dụng TPCN không đúng đã được phản ánh lên Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam cách đây không lâu. Một bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não đã mua sản phẩm “Tâm não khang” qua đọc quảng cáo trên một tờ báo với hướng dẫn, chỉ dùng 3 liệu trình sẽ có công dụng như có thể đứng dậy, đi được... Người nhà đã tìm tới địa chỉ trên trang quảng cáo để mua và dùng cho bệnh nhân như hướng dẫn. Song uống được 4 hộp thì chân bệnh nhân sưng, phù nề, nhưng gia đình vẫn cho bệnh nhân uống tiếp 2 hộp. Hậu quả, chân bệnh nhân không đỡ tí nào mà còn sưng to hơn. Vụ việc khiến người nhà viết đơn phản ánh lên Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam và đã được công ty bán đền bù một phần tiền. Thế nhưng, chỉ chưa đầy 1 năm sau, thị trường lại thấy xuất hiện một loại TPCN có tên “Kình nguyên khang” với quảng cáo công dụng y hệt như “Tâm não khang”. Rõ ràng vấn đề “vàng thau” lẫn lộn trong TPCN ở đây nằm ở chuyện quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng, gây thiệt hại cho NTD.
 
Vấn đề được coi là “nóng” nhất với thị trường TPCN hiện nay: Giá cả tới tay NTD có khoảng cách quá xa với giá trị thực của sản phẩm, hay nói cách khác là quá đắt đỏ. Nhưng trong số 50% người Việt Nam tại thành thị đang dùng thì nhiều người không phải giàu có, nguyên nhân vì “có bệnh phải vái tứ phương”. Đặc biệt, với người bệnh nan y thì một phần rất lớn mua vì tin vào lời giới thiệu “có cánh” của người bán. Trong khi người bán giải thích là do phải chịu thuế quá cao nên giá bán cao, nhưng thực chất, TPCN khi tới tay NTD đã qua nhiều tầng nấc trung gian, bị đẩy giá lên.

CAND

Các tin khác