Kinh tế xã hội

Sai sót do lỗi đánh máy: Cười trừ là xong?

09:28, 18/12/2013 (GMT+7)
Sữa Danlait công bố nhầm thành phần vì lỗi đánh máy
 
Đầu năm 2013, nghi ngờ về chất lượng của sữa dê Danlait do Công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu từ Pháp, khách hàng tự bỏ tiền đưa mẫu sữa dê Danlait tới Viện Pasteur TP. HCM để kiểm nghiệm.
 
Kết quả cho thấy hàm lượng đạm (protein) của sữa dê Danlait chỉ đạt mức 4.13% so với 17.6% ghi trên bao bì. Không những thế, hàm lượng Natri trên mẫu là 1606,2 mg/100g (công ty Mạnh cầm công bố tỷ lệ này là từ 180-200 mg/100g); hàm lượng Kali là 3553,7 mg/100g (bông bố của Mạnh Cầm là từ 500-620mg/100g). Với kết quả này, hàm lượng Natri cao gấp 4 lần, Kali cao gấp 2,9 lần chỉ tiêu giới hạn của Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex).
 
Trước kết quả này, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng: "Phiếu kết quả đấy chỉ thực hiện trên một hộp sữa cho khách hàng đưa tới, còn trước đó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội trong 6.000 hộp sữa đang tạm giữ sang Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia để kiểm nghiệm, đấy mới là đại diện cho lô hàng, và kết quả sửa đảm bảo tiêu chuẩn".
 
Về phương pháp kiểm nghiệm, theo ông Trung, Viện Pasteur TP. HCM dử dụng phương pháp thử nghiệm TCVN 3705-90 - đây là phương pháp thử nghiệm protein trong thủy sản, không phải theo phương pháp thử nghiệm cho sản phẩm sữa. Mà trong kỹ thuật, khi thực hiện theo phương pháp khác thì kết quả khác nhau. "Với phương pháp kiểm nghiệm không đúng nêu trên và mẫu của khách hàng mang đến thì kết quả kiểm nghiệm không đánh giá đúng chất lượng của lô sản phẩm", ông Trung nói thêm.
 
Còn về việc hàm lượng Kali doanh nghiệp công bố là 500-620 mg/100g, nhưng kết quả kiểm tra hàm lượng này là 890/100g, ông Trung khẳng định, đấy là "lỗi đánh máy của nhân viên", việc đó ông cũng đã từng gặp vài lần, trong hồ sơ lưu giữ tại Cục cũng công bố là 890 mg/100g. Và việc này ông Trung đã yêu cầu doanh nghiệp phải chỉnh sửa lại.
 
Với việc giải thích của cơ quan chức năng rằng công bố nhầm là do "lỗi đánh máy" đã khiến cho nhiều người tiêu dùng bức xúc bởi theo họ giờ cứ làm sai, làm lỗi là đổ tội in nhầm.
 
"Cấm xây nhà nhại kiến trúc Pháp" là lỗi in ấn
 
Tháng 5 năm nay, trong công văn của Bộ Xây dựng về thực hiện công tác quản lý chất lượng kiến trúc công trình gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu mỗi đô thị có ngôn ngữ kiến trúc riêng phù hợp với điều kiện cảnh quan, môi trường tự nhiên, tập quán vùng miền. Bộ Xây dựng lưu ý, không xây dựng các công trình kiến trúc theo hướng nhại cổ kiến trúc cổ điển Pháp- Châu Âu.
 
Ngày 13/6, sau khi báo chí đăng tải thông tin về quy định mới của Bộ Xây dựng trong đó nhắc tới quy định cấm xây nhà nhại cổ kiểu kiến trúc Pháp - Châu Âu, nhiều bạn đọc đã tỏ ý băn khoăn không hiểu về lệnh cấm lạ lùng này.
 
Về những thắc mắc này, trong văn bản mới nhất gửi các tỉnh, thành phố và cơ quan báo chí chiều ngày 13/6, Bộ Xây dựng cho rằng: "Trong quá trình in ấn có sự sai sót".
 
Và để khắc phục sự sai sót này, Bộ Xây dựng đính chính: "Bỏ phần nội dung Lưu ý: không xây dựng các công trình theo hướng nhại cổ kiến trúc cổ điển Pháp - Châu Âu".
 
Diện tích nhà không thiếu, chỉ do lỗi... đánh máy
 
Sau khi nhận nhà, nhiều cư dân ở chung cư Đại Thanh tỏ ra bức xúc khi biết việc diện tích thực của căn hộ nhỏ hơn so với ghi trên hợp đồng và Ban quản lý dự án thu quá nhiều khoản thuế phí bị rất vô lý.
 
 
Trước sự việc trên, đại diện phía doanh nghiệp giải thích: "Cách tính diện tích căn hộ chung cư là tính theo kích thước tim tường chung và toàn bộ tường bao ngoài của căn hộ (tính theo tim - bì). Nhưng sở dĩ có một số hợp đồng tính theo "tim - tim" (trừ bề dày, tường, vách, cột) là do lỗi của khâu đánh máy".
 
Riêng vấn đề liên quan đến các khoản phí dịch vụ, đại diện ban quản lý tòa chung cư Đại Thanh cho biết, đây đều là những nội quy được chủ đầu tư áp dụng cho tất cả các dự án đã từng triển khai. "Việc sửa chữa nhà, vận chuyển vật liệu phế thải gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến sự vận hành của thang máy nên buộc phải đặt ra mức phí như trên để sau này phục vụ cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa", đại diện chủ đầu tư nói.
 
Ngoài những sự cố trên, có thể nói năm 2013 là năm "được mùa" của "lỗi đánh máy" khi hàng loạt các sự cố khác thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục... cũng được cho là do lỗi đánh máy. Nhiều người còn nói vui rằng: "Giờ cứ làm sai gì thì đều do lỗi đánh máy và in ấn cả"!

VEF

Các tin khác