Kinh tế xã hội
Chất vấn tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh
(Congannghean.vn)-Trước kỳ họp thứ 10 diễn ra, ý kiến cử tri đều xoay quanh hai vấn đề còn tồn tại nhiều bất cập trên địa bàn tỉnh ta là việc cấp điện, nước đến người dân. Những ý kiến này đã được các đại biểu HĐND lĩnh hội và thể hiện trong phiên chất vấn. HĐND tỉnh cũng đã thông qua 21 nghị quyết quan trọng làm tiền đề cho năm 2014.
Về vấn đề nước sạch, người dân có nhiều băn khoăn, lo lắng về các vấn đề như việc cấp nước chậm, yếu, không đảm bảo; nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm; một số chỉ tiêu chất lượng nước thô, nước sau xử lý vẫn chưa đạt chuẩn theo quy định…
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết của kỳ họp |
Theo ông Hoàng Trọng Kim - Giám đốc Sở Xây dựng thì, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do mạng lưới đường ống của thành phố Vinh được xây dựng từ lâu, theo nhiều giai đoạn nên một số tuyến đã xuống cấp, một số ở quá xa, áp lực nước không vươn tới. Ông Kim cũng cho rằng, các cơ quan chức năng chưa làm tốt việc kiểm tra, giám sát các nguồn nước thải xuống dòng sông, trong khi người dân sống hai bên sông còn có thói quen xả rác xuống sông, nước từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, hóa chất từ các cánh đồng lúa chảy vào là những nguyên nhân khiến nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm.
Một số tuyến đường ống nằm chung trong mương nước thải, một số bị vỡ chưa được thay thế, dẫn đến tình trạng nguồn nước trong các đường ống bị nhiễm bẩn, ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt của dân. Trước những báo cáo giải trình của Sở Xây dựng, các đại biểu không nhất trí và có những ý kiến chất vấn như: Trách nhiệm của Sở Xây dựng ở đâu khi nguồn nước có vấn đề? Các đường ống cấp 1, 2, 3 hiện nay đều do Nhà nước đầu tư, nhưng vì sao người dân sử dụng nước vẫn phải đóng góp?
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lâm - Giám đốc Công an tỉnh nêu ý kiến về Nghị quyết ưu đãi đối với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu |
Vì sao Công ty Nước xử lý đúng quy trình kỹ thuật nhưng nước vẫn bẩn; trong số các giải pháp đưa ra thì chưa thấy có giải pháp nào khả thi để khắc phục triệt để vấn đề này. Trước những chất vấn của các đại biểu Hội đồng nhân dân, ông Hoàng Trọng Kim khẳng định, hiện nay, quy trình công nghệ xử lý nước sạch đang được thực hiện nghiêm. Các kết quả kiểm định của Trung tâm Y tế dự phòng đang được làm căn cứ để đánh giá chất lượng nguồn nước. Trong thời gian tới, cần phải kiểm tra, kiểm định ở mức độ cao hơn, với các chỉ tiêu cụ thể hơn.
Sáng 13/12, phiên chất vấn tiếp tục với những tồn tại của ngành điện. Rất nhiều ý kiến cử tri phản ánh tình trạng thiếu điện sản xuất, sinh hoạt, hệ thống truyền điện nông thôn xuống cấp nghiêm trọng, việc hoàn vốn cho chính quyền địa phương và người dân sau khi bàn giao lưới điện nông thôn quá chậm, vận hành xả lũ còn nhiều bất cập… Đây cũng là những câu chất vấn dành cho ông Phan Thanh Tịnh - Giám đốc Sở Công thương.
Ông Tịnh cho biết, Nghệ An có 43 dự án thủy điện đã phê duyệt, tổng công suất 1.404,8 MW. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh và kiến nghị Bộ Công thương rà soát và loại bỏ 21 dự án thủy điện quy mô nhỏ không đảm bảo đầu tư ở các huyện miền Tây. Đến nay, có 8 dự án đã vận hành, phát điện. Trong năm 2013, các nhà máy trên địa bàn tỉnh không thực hiện việc xả lũ. Về lưới điện nông thôn, ông Tịnh cho biết, Công ty Điện lực Nghệ An đã tiếp nhận hệ thống lưới điện của 357 xã, phường, thị trấn, còn lại 107 xã chưa tiếp nhận.
Theo dự kiến, đến tháng 12/2013, sẽ tiếp nhận thêm 31 xã, năm 2014, tiếp nhận toàn bộ các xã đồng ý bàn giao còn lại. Ông Tịnh cũng thừa nhận, hiện chưa có xã nào được hoàn trả vốn đầu tư cho lưới điện nông thôn, vì thủ tục đang được Điện lực và các xã thực hiện theo Thông tư 06 của liên Bộ Công thương và Bộ Tài chính, vì khó khăn nhất hiện nay là do thiếu hồ sơ gốc, hóa đơn, chứng từ.
Nhiều đại biểu cũng yêu cầu Sở Công thương trả lời cụ thể về đầu tư cải tạo, sửa chữa lưới điện; một số dự án điện đang triển khai dở dang; các giải pháp nâng cao chất lượng điện; việc xả lũ cần phải có sự tính toán về lợi ích của người dân và lợi ích của doanh nghiệp; cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa Sở NN&PTNT và Sở Công thương trong việc vận hành thủy điện, nên thành lập phòng điều tiết nước để vận hành, quản lý nước ở các hồ, đập một cách có hiệu quả.
Chiều 13/12, trên cơ sở các tờ trình của UBND tỉnh, của Thường trực HĐND tỉnh, HĐND tỉnh đã thông qua 21 nghị quyết và tiến hành bế mạc kỳ họp.
Ngọc Hùng