Kinh tế xã hội
Tác động tâm lý tới lạm phát
Không góp phần làm tăng lạm phát năm 2013 nhưng việc giá xăng dầu được điều chỉnh lên tối đa gần 600 đồng/lít từ 14h ngày 18-12 đã làm người tiêu dùng lo lắng. “Lạm phát tâm lý” sẽ thể hiện rõ trong tháng 1-2014, khi Tết đang đến gần.
Không thể kìm giá
Từ 14h ngày 18-12, Bộ Tài chính đã đồng ý cho doanh nghiệp xăng dầu được phép tăng giá do giá thấp hơn so với giá cơ sở. Theo đó, mặt hàng xăng RON 92 được tăng tối đa 584 đồng/lít, dầu diesel tăng tối đa 653 đồng/lít, dầu hỏa tăng tối đa 384 đồng/lít. Riêng mặt hàng dầu mazut giữ nguyên giá bán. Thực hiện theo chỉ đạo này, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và một số đơn vị khác đã điều chỉnh giá xăng RON 92 thêm 580 đồng/lít, đưa giá xăng lên mức 24.210 đồng/lít.
Cùng với việc tăng giá, cơ quan quản lý cũng yêu cầu doanh nghiệp ngừng trích quỹ bình ổn (đang ở mức 200-300 đồng/lít) đối với xăng và dầu diesel. Lợi nhuận định mức đối với các đơn vị kinh doanh 3 mặt hàng này cũng được cắt giảm, không tính vào giá cơ sở. Riêng dầu hỏa, do lượng bán không nhiều và mức chênh lệch giữa giá cơ sở và bán ra lớn, được tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn như hiện hành (700 đồng/lít).
Giá xăng tăng ảnh hưởng lớn tới giá cả các mặt hàng khác |
Từ đầu năm đến nay, đây là lần tăng thứ 5 của giá xăng dầu, xen kẽ với 6 lần giảm. Từ cuối tháng 11-2013, Bộ Tài chính đã nhiều lần nhấn mạnh do giá trên thế giới biến động nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang phải chịu lỗ. Do đó, để đảm bảo giữ ổn định giá, cơ quan điều hành cho phép doanh nghiệp được tăng mức trích quỹ bình ổn.
Tại văn bản gửi các cơ quan báo chí ngày 18-12, Bộ Tài chính cho biết, trong 30 ngày gần đây, từ 18-11-2013 đến 17-12-2013, giá xăng dầu thế giới biến động tăng và duy trì ở mức cao. Cụ thể, xăng RON 92 114,52 USD/thùng; dầu diesel 0,05S có giá 125,82 USD/thùng; dầu hỏa có giá 125,61 USD/thùng và dầu mazut 180cst là 609,36 USD/tấn. Trong khi đó, nguồn quỹ bình ổn giá không còn nhiều. Số dư quỹ ước đến hết ngày 10-12-2013 còn khoảng 72 tỷ đồng và có 7 doanh nghiệp đã bị âm quỹ! Như vậy, việc tăng giá xăng dầu là khó tránh khỏi.
Lo ngại có cơ sở
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Giá xăng tăng vào bất cứ thời điểm nào cũng vậy, đều ảnh hưởng lớn tới giá cả các mặt hàng khác, nhất là dịp cuối năm. Trong bối cảnh sản xuất vẫn đình trệ, doanh nghiệp lao đao, sức mua thấp thì việc tăng giá đầu vào càng gây nên những hậu quả tiêu cực. Không nên có tâm lý chủ quan rằng chúng ta kiểm soát lạm phát tốt, thấp hơn mục tiêu mà tăng giá đầu vào”. Theo ông Ngô Trí Long, từ trước đến nay, cơ quan quản lý mà trực tiếp là Bộ Tài chính thường không xác minh được, doanh nghiệp xăng dầu đề nghị tăng giá có hợp lý không.
Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế khác cho rằng, việc tăng giá xăng vào thời điểm này sẽ không gây tác động lạm phát đến tháng 12-2013 cũng như chỉ số lạm phát cả năm nhưng nó sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 1-2014, thời điểm mà theo quy luật, giá cả vẫn rất cao trong năm vì đúng dịp Tết. “Giá cả tháng 1-2014, trúng dịp Tết sẽ có thêm đòn bẩy để tăng giá”- chuyên gia này phân tích. Đáng chú ý hơn, theo các chuyên gia việc tăng giá xăng thời điểm giáp Tết dễ gây tâm lý lo ngại tăng giá đối với người dân. Theo đó, người kinh doanh thêm lý do tăng giá bán, còn người mua lo ngại và có thể không kéo được sức mua lên.
Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ- Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển Bộ KH-ĐT, giá xăng tăng vào thời điểm cuối năm không khác gì hành người dân. Trong khi đó, Nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu vẫn tiếp tục trong giai đoạn lấy ý kiến.
ANTĐ