Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201311/nha-mang-boi-thu-khach-hang-khon-don-422279/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201311/nha-mang-boi-thu-khach-hang-khon-don-422279/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhà mạng bội thu, khách hàng khốn đốn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 30/11/2013, 10:01 [GMT+7]

Nhà mạng bội thu, khách hàng khốn đốn

(Congannghean.vn)- Từ tháng 4/2013, 3 nhà mạng là Vinaphone, Mobiphone, Viettel đồng loạt tăng cước 3G lên 25% và tiếp tục tăng lên 40% trong tháng qua. Sự kiện này gây ra nhiều luồng dư luận xã hội, trong đó phần lớn là sự phản đối về cách tăng và trừ tiền vô tội vạ của các nhà mạng khi cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ 3G. Doanh thu Data của các nhà mạng trong thời gian qua tăng 20%, trong khi những người sử dụng Smatphone hay Dcom 3G mỗi tháng chịu thêm chi phí hàng chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng.

Từ sau khi các nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G, trên mạng xã hội facebook đăng tải rất nhiều ý kiến phản ánh sự tăng cước bất hợp lý trong khi chất lượng 3G không được cải thiện. Gói Max dành cho điện thoại thông minh tự kết nối 3G tăng từ 50.000 đồng/tháng lên 70.000 đồng/tháng, trong khi tốc độ truy cập và dung lượng cải thiện không được bao nhiêu. Việc trừ tiền khi sử dụng Dcom 3G cũng khó kiểm soát.

Bản thân người viết bài này thường xuyên phải sử dụng Dcom 3G của Viettel, trước đây, mỗi tháng chỉ phải nộp hơn 100.000 đồng nhưng trong tháng 11 đã sử dụng đến 300.000 đồng tiền Dcom dù dung lượng sử dụng không thay đổi là bao. Chỉ cần tải hay gửi một cái ảnh đã bị trừ vài nghìn đồng. Chính vì vậy, việc sử dụng Dcom 3G trở thành một thói quen xa xỉ mà học sinh, sinh viên đành cắn răng dẹp Dcom 3G vào xó nhà và chịu khó ra tiệm Intenet hay vào ké dịch vụ wifi.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có trên 91 triệu thuê bao di động phát sinh cước, trong đó có 18,94 triệu thuê bao dùng dịch vụ 3G (chiếm 20,77%). Đợt tăng cước 3G giữa tháng 10 vừa qua, 8,66% khách hàng trong tổng số 91 triệu thuê bao di động, ước khoảng 7,88 triệu thuê bao di động bị ảnh hưởng. Mức tăng trung bình ước tính 20%.

Người dân thiệt một trong đợt tăng cước này thì các doanh nghiệp vận tải thiệt hại 10 do các xe ôtô đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Trong suốt hành trình của phương tiện cũng như lái xe đều được truyền về trung tâm thông qua sóng 3G nên các doanh nghiệp vận tải đang đứng trước nguy cơ phải trả thêm chi phí lớn cho việc sử dụng thiết bị này.

Việc nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G khiến cho người sử dụng thêm khốn đốn - Ảnh minh họa

Trước đây, trung bình mỗi phương tiện phải trả 100.000 đồng/tháng cho việc sử dụng 3G truyền số liệu thì nay sẽ phải trả 140.000 đồng/tháng. Hãng taxi Mai Linh có gần 1.000 đầu xe hoạt động vận tải tại Nghệ An, mỗi tháng hãng phải trả 100 triệu đồng tiền sử dụng dịch vụ 3G thì nay sẽ phải trả 140 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi đầu xe cũng phải chịu chi phí từ 7 triệu đến 10 triệu đồng để lắp thiết bị giám sát hành trình. Chi phí phát sinh này sẽ làm giảm đáng kể doanh thu của các công ty vận tải trên, trong khi dịch vụ này không mang lại lợi ích kinh tế.

Nếu không sử dụng thiết bị hành trình, khi bị kiểm tra có thể bị phạt tới 2,5 triệu đồng và thu hồi giấy phép lái xe 30 ngày, nên dù muốn hay không các doanh nghiệp phải cắn răng chấp nhận dịch vụ này. Vậy là ngoài các khoản phí, lệ phí mà doanh nghiệp vận tải phải trả thì chi phí cho cước 3G đang là vấn đề làm cho doanh nghiệp vận tải thêm phần khó khăn.

Trước thực trạng 3 nhà mạng bắt tay nhau tăng cước gây bức xúc trong dư luận, Cục Quản lý cạnh tranh đã vào cuộc kiểm tra, làm rõ đợt tăng cước bất thường này. Cục đang kiểm tra việc các doanh nghiệp này có vi phạm Luật Cạnh tranh và có quá trình cấu kết bắt tay nhau thỏa thuận hay không? Nhóm 3 doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh trên thị trường cùng thực hiện điều chỉnh giá cước dịch vụ 3G, trong đó cá biệt có gói cước tăng lên đến 40%, giá cước tính theo dung lượng truy cập tăng tới 233% có phải là hành vi lợi dụng vị trí thống lĩnh gây thiệt hại đối với khách hàng?

Và theo giải trình của các doanh nghiệp, đợt tăng giá ngày 16/10 vừa qua là để cho giá cước tiếp cận với giá thành dịch vụ. Như vậy, phải chăng đã vi phạm Khoản 1, Điều 13 của Luật Cạnh tranh là bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh?

Ngày 20/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc “các nhà mạng tăng giá cước 3G có phải để bù giảm doanh thu trong khi chất lượng không có gì cải thiện”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định: Thị trường viễn thông Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Giá cước từ khi phát triển đến nay hầu như không tăng, các năm đều giảm.

Thời gian qua, chúng ta có tăng giá cước viễn thông. Đây là chủ trương chung của Nhà nước, phù hợp quy định hiện hành và các cam kết quốc tế. “Chúng ta không thể bán dưới giá thành”, các dịch vụ 3G khi mới ra đời bao giờ cũng theo quy luật chung là: Mới đầu, tăng trưởng, bão hòa và suy thoái. Thời kỳ đầu tiên, các nhà mạng phải giảm giá để thu hút thuê bao, sau đó tăng giá dần lên. Thế nhưng, chúng ta giảm giá quá lâu. Thủ tướng đã ký Quyết định số 32 để quy hoạch thị trường viễn thông đến năm 2020. Trong Quyết định này có yêu cầu phải từng bước nâng giá viễn thông để đảm bảo bằng và trên giá thành theo đúng quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn vừa qua, giá cước viễn thông của ta so với giá thế giới thấp hơn rất nhiều lần. Cụ thể, thấp hơn so với khối ASEAN là 34,9 lần và thấp hơn thế giới từ 34 - 57%. Chúng ta chỉ bán chưa đầy 50% giá thành dù đã nâng giá. Bộ trưởng khẳng định, tăng giá cước 3G là việc bình thường trong cơ chế thị trường đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Tăng giá cước 3G còn có yếu tố xã hội nữa là tất cả các nhà mạng này đều là của Nhà nước. Tăng giá cước cũng là đóng góp cho đất nước. Các doanh nghiệp viễn thông hiện cũng là nhóm doanh nghiệp đóng góp nhiều cho đất nước. Năm 2012, VNPT đóng góp 7.300 tỷ đồng, Viettel là 11.300 tỷ đồng…

Việc các nhà mạng đồng loạt tăng giá dẫu có để thu hồi vốn và có đúng lộ trình hay không thì cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân và doanh nghiệp. Họ đang phải gánh thêm một khoản chi phí thường nhật như xăng xe, điện nước trong khi nền kinh tế khó khăn, thu nhập thấp.

.

Ngọc Hùng (tổng hợp)

.