Kinh tế xã hội

Ngăn "lót tay" cấp phép xây dựng thế nào?!

09:19, 26/11/2013 (GMT+7)

Dự thảo Luật Xây dựng mới nhất đã bỏ quy định phải “có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực” mới được cấp phép xây dựng. Thảo luận tại hội trường sáng nay, đại biểu Quốc hội cho rằng việc “đẻ” giấy phép con này chỉ gây nhũng nhiễu, tiêu cực, vì vậy bỏ giấy phép là cần thiết.

Về điều kiện cấp giấy phép xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng bảo vệ quan điểm: Quy định về cấp phép xây dựng là một nội dung quan trọng trong quản lý đầu tư xây dựng ở nước ta hiện nay. Ông viện dẫn, tại các nước phát triển, việc quản lý đối với hoạt động đầu tư xây dựng chủ yếu được thực hiện thông qua cấp phép xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luật Xây dựng (2003) cũng đã có những quy định cụ thể về cấp phép xây dựng nhưng các điều kiện để cấp giấy phép xây dựng còn đơn giản, nhiều công trình chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện đã khởi công, nên quá trình thi công đã gặp nhiều vướng mắc, như mặt bằng chưa được giải phóng, không đủ vốn, chờ thiết kế, chờ lựa chọn và ký kết hợp đồng với nhà thầu... dẫn đến công trình bị chậm tiến độ, nợ đọng, tăng chi phí, hiệu quả đầu tư thấp.

Trong khi đó nhiều công trình đã được cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện để khởi công, nên sau thời gian dài thậm chí nhiều năm vẫn chưa khởi công. Ở một số nước, giấy phép xây dựng là một trong các điều kiện để khởi công xây dựng công trình (ở Trung Quốc gọi là giấy phép khởi công xây dựng), nên nếu chưa lựa chọn được nhà thầu thi công thì việc khởi công xây dựng cũng chưa thể thực hiện được. Do đó, theo Bộ trưởng, quy định các điều kiện cấp giấy phép xây dựng như Dự thảo, trong đó bao gồm điều kiện “Có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định” là phù hợp để nhằm khắc phục các tồn tại nêu trên.

Tuy nhiên, thảo luận tại Quốc hội, các đại biểu phản bác quan điểm này, cho rằng việc bổ sung thêm quy định trên chỉ làm khó cho chủ đầu tư, sinh nhũng nhiễu, tiêu cực cho cơ quan cấp phép, tạo cớ vòi vĩnh, lót tay. Trong tình hình thực tế tại Việt Nam, không phải công trình nào cũng đáp ứng được đầy đủ điều kiện trước khi khởi công xây dựng, nhất là các công trình xây dựng theo tuyến, công trình có nhiều hạng mục độc lập, mặt bằng thi công lớn, trải dài. Vì vậy, để thông thoáng về điều kiện cấp phép xây dựng, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư và đảm bảo tính khả thi trong thực tế, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến thẩm tra và đã loại bỏ quy định điều kiện phải “có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định” tại khoản 3, Điều 79 Dự thảo trước đây (trong Dự thảo mới là Điều 92).

Đại biểu Quốc hội khẳng định việc bỏ giấy phép về năng lực nhà thầu là cần thiết để ngăn chặn tiêu cực, lót tay.
Đại biểu Quốc hội khẳng định việc bỏ giấy phép về năng lực nhà thầu là cần thiết để ngăn chặn tiêu cực, lót tay.

Về việc rà soát điều kiện, trình tự, thủ tục, nội dung, hồ sơ đối với việc thẩm định dự án đầu tư xây dựng trong Dự thảo Luật và việc thẩm tra các dự án đầu tư nói chung được quy định trong Luật Đầu tư: Theo quy định của Luật Đầu tư thì việc thẩm tra các dự án đầu tư là để phục vụ cho việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và chỉ áp dụng đối với một số loại dự án. Theo đó, đối với các dự án quy mô vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng trở lên và các dự án thuộc danh mục dự án đầu tư có điều kiện thì mới thực hiện thủ tục thẩm tra để cấp giấy chứng nhận đầu tư (các dự án còn lại chỉ làm thủ tục đăng ký đầu tư).

Nội dung thẩm tra đầu tư chủ yếu tập trung xem xét việc đáp ứng các điều kiện về quy hoạch, nhu cầu sử dụng đất, tiến độ thực hiện dự án, các giải pháp về môi trường; nếu dự án đáp ứng các điều kiện này thì được cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện các bước tiếp theo, trên nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan (Điều 5 Luật Đầu tư). Như vậy, đây là một loại thủ tục xác định điều kiện cơ bản ban đầu để cơ quan nhà nước cho phép nhà đầu tư được tiến hành hoạt động đầu tư, hay nói một cách khác là chấp thuận chủ trương đầu tư (đối với các dự án đầu tư xây dựng thì giai đoạn này chưa đến bước chuẩn bị đầu tư gồm: lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư).

Trong khi đó, theo quy định của Luật Xây dựng (điều chỉnh quá trình tạo ra sản phẩm là các công trình xây dựng, sau khi đã có chủ trương đầu tư), việc thẩm định dự án đầu tư xây dựng là để phục vụ cho việc quyết định phê duyệt dự án đầu tư và áp dụng đối với mọi dự án. Theo đó, sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư phải tổ chức lập dự án và trình hồ sơ dự án tới các cơ quan có thẩm quyền để thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; hồ sơ dự án trình thẩm định phải gồm Báo cáo nghiên cứu khả thi trong đó có thiết kế cơ sở; sau khi có kết quả thẩm định dự án, người quyết định đầu tư mới được phê duyệt quyết định đầu tư.

Công trình xây dựng không phải lo ”giấy phép con” năng lực nhà thầu.
Công trình xây dựng không phải lo ”giấy phép con” năng lực nhà thầu.

Như vậy, thẩm tra dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và thẩm định dự án đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng là hai loại thủ tục khác nhau, thực hiện ở hai giai đoạn khác nhau của quá trình đầu tư, trong đó giấy chứng nhận đầu tư chỉ là điều kiện cần để triển khai bước chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và do đó không có sự trùng lặp, chồng chéo hay mâu thuẫn giữa Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) và Luật Đầu tư. Trong văn bản báo cáo số 5929/BTP-PLDSKT ngày 16/8/2013 của Bộ Tư pháp gửi Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định điều này. Vì vậy, Ban soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo

Điều 79, dự thảo Luật Xây dựng: Điều kiện cấp giấy phép xây dựng

1. Phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ tài nguyên, môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Có thiết kế xây dựng được duyệt theo quy định, bảo đảm chất lượng và an toàn.

3. Có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định.

4. Có mặt bằng xây dựng công trình.

5. Có hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 81 Luật này.

(Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo đã bỏ điểm 3 điều luật này về điều kiện năng lực nhà thầu).

Nguồn: CAND

Các tin khác