Kinh tế xã hội
Giá vàng: Cuộc tháo chạy chưa dứt
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa đưa ra trong báo cáo hàng quý mới nhất cho biết nhu cầu vàng của thế giới đã giảm mạnh trong quý 3 vừa qua, khi các quỹ tín thác (ETF) vàng tiếp tục bán tháo và tiêu thụ vàng của Ấn Độ suy giảm do các biện pháp kiểm soát của chính phủ nước này.
Trong báo cáo mang tên Global Demand Trends công bố trung tuần tháng 11/2013, WGC cho biết, trong quý 3, các quỹ ETF vàng đã bán ròng tổng cộng 119 tấn vàng do các nhà đầu tư tiếp tục cắt giảm nắm giữ kim loại quý này trên cơ sở kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm thu hẹp quy mô của gói nới lỏng định lượng (QE3). Đây đã là quý thứ ba liên tiếp các quỹ ETF vàng liên tục bán ròng.
Giá vàng trung bình trong quý này là 1.326USD/ounce, giảm 20% so với quý 3 năm 2012. Tổng cung vàng quý 3 là 1.146 tấn. Theo số liệu của WGC, năm ngoái toàn cầu tiêu thụ 4.405,5 tấn vàng với giá trị kỷ lục 236,4 tỷ USD, cao hơn 15% so với trung bình 5 năm trước.
Tại Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, các biện pháp hạn chế nhập khẩu vàng, cùng với sự mất giá của đồng Rupee, đã kìm hãm nhu cầu đối với kim loại quý này. Trong những tháng gần đây, New Dehli đã thực hiện một loạt biện pháp siết nhập khẩu vàng nhằm thu hẹp thâm hụt cán cân vãng lai. Kết quả, trong quý 3, Ấn Độ tiêu thụ 148 tấn vàng, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 7, Ấn Độ đã cấm hoàn toàn nhập khẩu tiền xu vàng và tiếp tục hạn chế nhập khẩu vàng thỏi bằng cách đưa ra tỷ lệ cố định 80:20. Theo đó, 20% toàn bộ số vàng thỏi nhập về phải được tái xuất dưới dạng khác.
Bù lại sự suy giảm nhu cầu vàng của Ấn Độ, nhu cầu vàng của Trung Quốc, thị trường nữ trang lớn nhất thế giới, tăng mạnh. Nhu cầu vàng của thị trường Trung Quốc đại lục trong quý 3 tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 210 tấn. Trong đó, nhu cầu vàng nữ trang đạt 164 tấn, tăng 29%. Tại Ấn Độ, nhu cầu vàng nữ trang quý 3 đạt 105 tấn.
Tính đến quý 3, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã có quý 11 liên tiếp mua ròng vàng, nhưng với tốc độ chậm hơn. Nhóm này mua ròng tổng cộng 93 tấn vàng trong quý vừa qua, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương đi xuống có thể phản ánh rằng, nhu cầu đa dạng hóa tài sản của một só ngân hàng trung ương không còn lớn như trước, khi mà tốc độ gia tăng dự trữ ngoại hối trong năm nay chậm lại. Ngân hàng Trung ương Nga là một trong những ngân hàng trung ương mua vàng nhiều nhất trong quý 3. Ngân hàng trung ương các nước Kazakhstan, Azerbaijan và Ukraine cũng tiếp tục mua vàng đều đặn hàng quý.
Theo các chuyên gia phân tích kĩ thuật của Logic Advisors, vàng có thể tiếp tục giảm giá và sụt sâu về mức $1200/ounce– mức thấp kể từ tháng 6 năm nay. Nguyên nhân chủ yếu là do đường dịch chuyển trung bình đang ở mức rất thấp báo hiệu “điểm chết” cho thị trường vàng. Đường trung bình 50 ngày đã trượt giảm xuống dưới đường trung bình 100 ngày trong nhiều phiên liên tiếp là sự báo hiệu vàng Comex trên sàn New York có thể tiếp tục sụt giảm thêm 5,7% kể từ mức giá $1272,30 của ngày 20/11 cho tới cuối năm nay.
Vàng đã hướng tới năm giảm đầu tiên kể từ năm 2000 sau khi quá nhiều nhà đầu tư mất niềm tin về vai trò cất giữ giá trị của kim loại này. Thị trường chứng khoán toàn cầu đều hướng tới mức cao trong 5,6 năm gần đây cùng với mức lạm phát ở Mỹ vẫn duy trì ở mức thấp là 1,2% đã chặn lại nhu cầu tích trữ vàng. Thêm nữa, Chủ tịch Fed tại New York, William C. Dudley vừa đưa ra nhận định rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có những bước tăng trưởng nhất định và sẽ có những bước hồi phục mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Thông tin này đã một lần nữa dấy lên sự lo ngại về việc Fed sẽ bắt đầu thu hẹp chương trình kích thích tiền tệ.
Hiện nay, Ngân hàng trung ương các nước và các tổ chức đa quốc gia (như Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF) giữ khoảng 1/5 tổng lượng vàng dự trữ toàn cầu làm tài sản dự trữ (ước tính số lượng khoảng 29.000 tấn được cất trữ ở 110 tổ chức). Tính trung bình, vàng chiếm khoảng 15% tài sản dự trữ của các chính phủ, tuy nhiên tỷ lệ này có khác nhau giữa các nước. Các nước phát triển Tây Âu và Bắc Mỹ giữ khoảng hơn 40% tổng dự trữ toàn cầu. Các nước đang phát triển nắm giữ khoảng 5% tổng dự trữ.
Chinhphu